
Yêu cầu điều tra, đánh giá đất trên phạm vi cả nước, đặc biệt là đất chưa sử dụng (Hình ảnh từ Internet)
Ngày 08/5/2025, Chính phủ ban hành Nghị quyết 122/NQ-CP về Kế hoạch thực hiện Kết luận 81-KL/TW ngày 04/6/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
 |
Nghị quyết 122/NQ-CP |
Yêu cầu điều tra, đánh giá đất trên phạm vi cả nước, đặc biệt là đất chưa sử dụng
Cụ thể, tại Nghị quyết 122/NQ-CP năm 2025, yêu cầu nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý về tài nguyên, đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, trong đó đối với tài nguyên đất phải thực hiện:
- Điều tra, đánh giá đất đai trên phạm vi cả nước, đặc biệt là đất chưa sử dụng; thực hiện các biện pháp khuyến khích khai hoang, phục hóa, lấn biển. Ứng dụng công nghệ mới trong điều tra, giám sát xâm nhập mặn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng để quản lý, sử dụng đất bền vững.
- Đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025; tổ chức rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và lập Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2026-2030.
- Đánh giá tình hình sử dụng đất ở tại các khu dân cư, khu đô thị mới, tiếp tục thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản công khai, minh bạch và hiệu quả. Hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất được khai hoang, phục hóa, lấn biển.
- Thiết lập, xây dựng và vận hành hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia theo hướng tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông trên phạm vi cả nước.
Nhà nước khuyến khích khai hoang đất để làm gì?
Nhà nước khuyến khích khai hoang đất với nhiều mục đích nhằm phát triển kinh tế và xã hội. Các mục tiêu chính của việc khai hoang đất bao gồm:
- Phát triển nông nghiệp: Khai hoang đất giúp mở rộng diện tích đất nông nghiệp, cung cấp thêm đất canh tác để sản xuất lương thực, cây công nghiệp hoặc chăn nuôi. Điều này giúp tăng năng suất sản xuất nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu thực phẩm trong nước và xuất khẩu.
- Phát triển kinh tế vùng nông thôn: Việc khai hoang đất có thể tạo ra cơ hội việc làm và phát triển các ngành nghề kinh tế tại các khu vực nông thôn, cải thiện đời sống cho người dân, giảm thiểu tình trạng nghèo đói.
- Bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên: Khai hoang đất còn giúp tận dụng và cải tạo các khu vực đất hoang, đất bị suy thoái hoặc bị bỏ hoang. Điều này có thể giúp bảo vệ tài nguyên đất, tránh lãng phí và giảm thiểu tình trạng đất bị xói mòn, hoang hóa.
- Phát triển khu vực biên giới và vùng khó khăn: Nhà nước thường khuyến khích khai hoang đất tại các khu vực biên giới, hải đảo hoặc vùng sâu vùng xa nhằm tạo điều kiện phát triển các vùng này, ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế tại các khu vực chiến lược.
- Đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng và khu dân cư: Khai hoang đất cũng phục vụ cho việc xây dựng hạ tầng, mở rộng khu dân cư, đặc biệt trong bối cảnh đô thị hóa và nhu cầu đất ở ngày càng gia tăng.
Nhìn chung, khai hoang đất góp phần vào việc phát triển kinh tế bền vững và xã hội, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên đất đai.
Quy định về hoạt động điều tra, đánh giá đất đai 2025
Tại Điều 52 Luật Đất đai 2024 quy định các hoạt động điều tra, đánh giá đất đai như sau:
- Điều tra, đánh giá đất đai bao gồm:
+ Điều tra, đánh giá về chất lượng đất, tiềm năng đất đai;
+ Điều tra, đánh giá thoái hóa đất;
+ Điều tra, đánh giá ô nhiễm đất;
+ Quan trắc chất lượng đất, thoái hóa đất, ô nhiễm đất;
+ Điều tra, đánh giá đất đai theo chuyên đề.
- Điều tra, đánh giá đất đai theo chuyên đề được thực hiện để điều tra, đánh giá về chất lượng đất, tiềm năng đất đai, thoái hóa đất, ô nhiễm đất đối với loại đất cụ thể theo yêu cầu quản lý nhà nước về đất đai tại một thời điểm xác định.
- Các hoạt động điều tra, đánh giá đất đai quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 52 Luật Đất đai 2024 thực hiện theo định kỳ 05 năm một lần. Hoạt động điều tra, đánh giá đất đai theo chuyên đề quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 52 Luật Đất đai 2024 thực hiện theo yêu cầu phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai.
Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì hoạt động điều tra, đánh giá tiềm năng đất đai được thực hiện theo định kỳ 05 năm một lần.
Xem thêm Nghị quyết 122/NQ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 08/5/2025.
7
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN