
Tổng hợp các dự án Luật sẽ được sửa đổi trong năm 2025 (Hình từ internet)
Tổng hợp các dự án Luật sẽ được sửa đổi trong năm 2025
Dưới đây là chi tiết nội dung tổng hợp 13 dự án Luật sẽ được sửa đổi trong năm 2025:
Chính phủ ban hành Nghị quyết 41/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 02 năm 2025
- Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007
- Dự án Luật Đường sắt 2017 (sửa đổi)
Chính phủ ban hành Nghị quyết 69/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3 năm 2025
- Dự án Luật Năng lượng nguyên tử 2008 (sửa đổi)
- Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả 2010
Chính phủ ban hành Nghị quyết 88/NQ-CP Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 4 năm 2025
- Dự án Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi)
- Dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 (sửa đổi) (kết hợp sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự 2019 và sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người 2024)
- Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012
- Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam 2008
Chính phủ ban hành Nghị quyết 108/NQ-CP về Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 4 năm 2025 (Phiên thứ 2)
- Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch 2017
- Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp 2020
- Dự án Luật Ngân sách nhà nước 2015 (sửa đổi)
- Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu 2023, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020, Luật Hải quan 2014, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016, Luật Đầu tư 2020, Luật Đầu tư công 2024, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017
- Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng 2024
….
(Đang được cập nhật thêm)
(1) Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ tại Phiên họp; tiếp tục rà soát các quy định tại dự thảo Luật, bảo đảm đồng bộ với các Luật có liên quan, tránh chồng chéo, gây vướng mắc trong quá trình thực hiện, tạo điều kiện để áp dụng các biện pháp về hàng rào kỹ thuật khi cần thiết và cắt giảm thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoàn thiện dự án Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025 và chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước về đổi mới công tác xây dựng pháp luật.
(2) Dự án Luật Đường sắt 2017 (sửa đổi)
Bộ Giao thông vận tải (Bộ Xây dựng kể từ ngày 01/03/2025) chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan khẩn trương tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các Thành viên Chính phủ, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025 bảo đảm yêu cầu sau:
- Rà soát để xử lý mối quan hệ của dự thảo Luật với các luật khác có liên quan (Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng,...); các cơ chế đặc thù, vượt trội phải quy định ngay trong dự thảo Luật, đồng thời sửa đổi, bổ sung quy định tại các luật khác có liên quan (nếu có) ngay tại Luật Đường sắt 2017 để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật;
- Nghiên cứu bổ sung các quy định về huy động các nguồn lực để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt theo phương thức đối tác công tư (BT, BOT,..,);
- Nghiên cứu bổ sung cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp tham gia ngành công nghiệp đường sắt;
- Đẩy mạnh hơn nữa phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính;
- Chỉ quy định những vấn đề khung, mang tính nguyên tắc, đúng thẩm quyền của Quốc hội và giao Chính phủ quy định chi tiết (trong đó có nội dung về tỷ lệ phân chia tiền thu được từ khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga đường sắt quốc gia để bảo đảm linh hoạt, điều chỉnh qua từng thời kỳ).
(3) Dự án Luật Năng lượng nguyên tử 2008 (sửa đổi)
Chính phủ cơ bản thống nhất nội dung dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử 2008 (sửa đổi) và đánh giá cao việc Bộ Khoa học và Công nghệ đã tích cực, chủ động phối hợp các Bộ, cơ quan, địa phương trong việc xây dựng dự án Luật. Yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp thu tối đa ý kiến các Thành viên Chính phủ, ý kiến các cơ quan liên quan, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật đáp ứng các yêu cầu sau:
- Rà soát để thể chế hóa tại dự thảo Luật này các cơ chế, chính sách đặc thù liên quan đã được nêu tại Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết 193/2025/QH15 ngày 19/2/2025 về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
- Nội dung dự thảo Luật phải đúng thẩm quyền của Quốc hội, đúng với chủ trương về đổi mới công tác xây dựng pháp luật, phù hợp thực tiễn; bổ sung nội dung về trường hợp có các quy định pháp luật khác nhau về cùng một vấn đề liên quan đến lĩnh vực năng lượng nguyên tử thì ưu tiên áp dụng dự thảo Luật để tạo điều kiện triển khai nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam; các quy định phải ngắn gọn, cụ thể, dễ hiểu, dễ làm, dễ kiểm tra, giám sát; bảo đảm tính ổn định, lâu dài, thông thoáng và khả thi trong tổ chức thực hiện để các doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm áp dụng.
- Tiếp tục rà soát, nghiên cứu một số vấn đề cụ thể:
- Các khoản, điều, chương, mục dự thảo Luật, bảo đảm tính logic, không mâu thuẫn, quy định rõ trong Luật các điều khoản nào sẽ có hiệu lực ngay; bổ sung quy định về bảo đảm an toàn, an ninh các cơ sở hạt nhân như nhà máy điện hạt nhân, lò phản ứng nghiên cứu, quy định về cơ quan pháp quy hạt nhân và giải trình cụ thể về sự cần thiết;
- Các quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân để quy định rõ trong dự thảo Luật;
- Kinh nghiệm, pháp luật của các nước phát triển trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, các khuyến cáo của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) để luật hóa các nội dung phù hợp với nhu cầu phát triển và đặc thù của Việt Nam, bảo đảm tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết.
- Tiếp tục rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh mạnh phân cấp, phân quyền nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho tổ chức, doanh nghiệp, người dân trong việc thực thi pháp luật, về phân cấp thẩm quyền cấp phép nhà máy hạt nhân, hoàn thiện dự thảo Luật theo hướng Quốc hội quy định về nguyên tắc cơ bản, tiêu chí chung việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân, giao Bộ quản lý ngành hoặc cơ quan kỹ thuật chuyên ngành trực thuộc thực hiện cấp phép xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
(4) Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả 2010
Bộ Công Thương nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của Thành viên Chính phủ, ý kiến của các cơ quan liên quan hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật bảo đảm đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025 và trình bày rõ tại Tờ trình Chính phủ về 06 yêu cầu cần làm rõ được nêu tại Nghị quyết 69/NQ-CP. Trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật lưu ý thêm các nội dung sau:
- Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có phạm vi, đối tượng rộng, cần được triển khai trong tất cả các công đoạn: sản xuất điện, truyền tải điện, phân phối điện và sử dụng điện (bao gồm cả sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng). Do đó, dự thảo Luật cần rà soát, nghiên cứu kỹ, quy định đầy đủ cho các đối tượng trong các công đoạn nói trên để đảm bảo việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được triển khai đồng bộ.
- Việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung theo hướng các quy định ở pháp luật khác có liên quan mà có vướng mắc thì xem xét sửa đổi ngay tại Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả 2010 hoặc đề xuất một luật sửa nhiều luật, bảo đảm sau khi Luật được ban hành có thể triển khai được ngay, phát huy tính khả thi cao.
(5) Dự án Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi)
Chính phủ cơ bản thống nhất nội dung dự thảo Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi) do Bộ Công an trình tại Tờ trình 164/TTr-BCA ngày 10/4/2025. Giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến Thành viên Chính phủ và ý kiến tại Phiên họp Chính phủ, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi), bảo đảm một số yêu cầu sau:
- Tiếp tục rà soát các quy định của dự thảo để bảo đảm bám sát các Nghị quyết, Kết luận của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ;
- Nghiên cứu, cân nhắc kỹ thêm về phạm vi sửa đổi, bổ sung; lựa chọn những vấn đề bất cập, rất cấp bách của Bộ luật Hình sự hiện hành để có phương án xử lý tối ưu, phù hợp, hiệu quả nhằm sửa đổi, bổ sung ngay một số điều theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới;
- Phối hợp các bộ, cơ quan liên quan rà soát kỹ dự thảo Bộ luật để bảo đảm không mâu thuẫn, chồng chéo với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, phù hợp với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên và thống nhất, đồng bộ với các dự thảo luật có liên quan, đang được tiến hành sửa đổi, gồm: Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Thanh tra (sửa đổi);
- Rà soát, nghiên cứu, bảo đảm việc sửa đổi, bổ sung không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và dân sự.
- Đánh giá kỹ lưỡng hơn nữa ưu, nhược điểm, tác động của việc mở rộng phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại và việc nâng hình phạt tù có thời hạn lên 30 năm và bổ sung hình phạt tù chung thân không xét giảm án;
- Bộ Công an tiếp tục phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tham khảo ý kiến các chuyên gia và nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để hoàn thiện dự án Bộ luật Hình sự 2015.
(6) Dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 (sửa đổi) (kết hợp sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự 2019 và sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người 2024)
Chính phủ cơ bản thống nhất nội dung dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi) do Bộ Công an trình tại Tờ trình 162/TTr-BCA ngày 10/4/2025. Giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến Thành viên Chính phủ và ý kiến tại Phiên họp Chính phủ, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi), bảo đảm một số yêu cầu sau:
- Tiếp tục rà soát các quy định của dự thảo để bảo đảm bám sát các Nghị quyết, Kết luận của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ;
- Nghiên cứu, cân nhắc phạm vi sửa đổi, bổ sung; tập trung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự hiện hành, bảo đảm phù hợp với các quan điểm, chỉ đạo của Đảng và yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy theo quy định tại Nghị quyết 190/2025/QH15 về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước;
- Phối hợp các bộ, cơ quan liên quan rà soát kỹ dự thảo Luật để bảo đảm không mâu thuẫn, chồng chéo với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, phù hợp với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên và thống nhất, đồng bộ với các dự thảo luật có liên quan đang được tiến hành sửa đổi, như: Bộ luật Hình sự 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân;
- Giao Bộ Công an rà soát kỹ các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị và Trung ương liên quan đến Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Việc không tổ chức Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao không trái với các nghị quyết của Bộ Chính trị và Trung ương, Chính phủ thống nhất với việc không tổ chức Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo đúng quy định của Hiến pháp 2013. Trường hợp Quốc hội có ý kiến khác thì Đảng ủy Chính phủ thống nhất với Đảng ủy Quốc hội báo cáo xin ý kiến của cấp có thẩm quyền;
- Bộ Công an tiếp tục phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tham khảo ý kiến các chuyên gia và nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để hoàn thiện dự án Luật này.
(7) Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012
Chính phủ cơ bản thống nhất nội dung dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 do Bộ Tư pháp trình tại Tờ trình 46/TTr-BTP ngày 10/4/2025. Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến Thành viên Chính phủ và ý kiến tại Phiên họp Chính phủ, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, bảo đảm một số yêu cầu sau:
- Tiếp tục rà soát các quy định của dự thảo để bảo đảm bám sát các Nghị quyết, Kết luận của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ;
- Dự thảo Luật chỉ quy định nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, giao Chính phủ quy định về những nội dung cụ thể, chi tiết, chuyên ngành; chỉ tập trung và ưu tiên sửa đổi những vấn đề cấp bách, liên quan đến việc sắp xếp tổ chức bộ máy. Tiếp tục phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan và tham khảo ý kiến các chuyên gia, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để hoàn thiện dự án Luật. Rà soát, nghiên cứu để quy định tăng mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, phòng cháy chữa cháy... bảo đảm phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
- Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính: Cơ bản thống nhất với Phương án 1, tuy nhiên cần nghiên cứu để bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng tiếp tục duy trì hoạt động của thanh tra đối với một số cơ quan (Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Cơ yếu, Cục an toàn bức xạ và hạt nhân, Cục hàng hải Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước).
Tiếp tục rà soát các chức danh có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính để bảo đảm năng lực, khả năng tổ chức hoạt động xử phạt, xử lý vi phạm hành chính một cách hiệu quả, không gây oan sai, không cản trở hay gây thiệt hại tới quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp;
- Về việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ: Thống nhất với dự thảo Luật quy định theo hướng dự kiến bổ sung quy định cho phép xử lý kịp thời tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ khi hết thời hạn tạm giữ mà đối tượng vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận và không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện nhằm tránh gây hư hỏng, lãng phí tài sản; bảo đảm quyền, lợi ích của các bên liên quan, tránh gây lãng phí xã hội.
(8) Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam 2008
Chính phủ cơ bản thống nhất nội dung dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 do Bộ Tư pháp trình tại Tờ trình 47/TTr-BTP ngày 10 /4/2025. Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến Thành viên Chính phủ và ý kiến tại Phiên họp Chính phủ, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, bảo đảm một số yêu cầu sau:
- Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến việc trở lại quốc tịch Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài đồng thời thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư, doanh nhân, những người Việt Nam ở nước ngoài có tấm lòng hướng về quê hương, đất nước; tiếp tục nghiên cứu kế thừa, hoàn thiện nguyên tắc một quốc tịch phù hợp với tình hình, điều kiện mới trong nước và quốc tế, bảo đảm quyền chủ quyền tuyệt đối của Nhà nước Việt Nam đối với quốc tịch Việt Nam;
- Dự thảo Luật chỉ quy định nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, giao Chính phủ quy định về những nội dung cụ thể, chi tiết, chuyên ngành. Tiếp tục phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan và tham khảo ý kiến các chuyên gia, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để hoàn thiện dự án Luật;
- Tiếp tục rà soát để quy định thống nhất, đồng bộ với các quy định của Luật liên quan; quy định về một số điều kiện, tiêu chí cơ bản, mang tính nguyên tắc đối với trường hợp nhập quốc tịch Việt Nam, trở lại quốc tịch Việt Nam bảo đảm đơn giản hơn, thiết thực, phù hợp thực tiễn trong nước và quốc tế; bảo đảm chính sách về quốc tịch không bị lợi dụng, gây phương hại đến lợi ích quốc gia, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;
- Thống nhất quy định nguyên tắc về việc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền Việt Nam về một số vấn đề liên quan đến quốc tịch Việt Nam không bị khiếu nại, khiếu kiện;
- Thống nhất bổ sung quy định về điều kiện quốc tịch (khoản 5 Điều 5 dự thảo Luật) và bổ sung quy định về thẩm quyền của Chính phủ xác định quốc tịch Việt Nam cho trẻ em đã đăng ký khai sinh tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài (khoản 2 Điều 16 dự thảo Luật);
- Tiếp tục rà soát, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính không cần thiết, bảo đảm công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian giải quyết của cơ quan có thẩm quyền, chú trọng đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số để áp dụng hiệu quả trong quá trình giải quyết hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam.
(9) Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch 2017
Chính phủ cơ bản thống nhất dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch 2017 do Bộ Tài chính trình tại Tờ trình 141/TTr-BTC ngày 13/4/2025. Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến Thành viên Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội trong quá trình thẩm tra, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật, bảo đảm một số yêu cầu sau:
- Nghiên cứu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tối đa và phân bổ nguồn lực đi đôi với giám sát, kiểm tra; cắt giảm, đơn giản hóa triệt để thủ tục hành chính theo Nghị quyết 66/NQ-CP ngày 26/3/2025 về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 và 2026 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 66/NQ-CP), không để chạy chọt, xin - cho, cụ thể:
+ Phân cấp cho Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thẩm quyền lập, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch;
+ Phân cấp từ Thủ tướng Chính phủ cho Bộ trưởng thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng;
+ Giao cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chủ động và tự chịu trách nhiệm trong việc quyết định thành lập hội đồng thẩm định quy hoạch và xác định thành phần tham gia hội đồng thẩm định bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả và phù hợp với tính chất, phạm vi của quy hoạch.
- Rà soát kỹ các nội dung bất cập phát sinh trong thực tiễn để bổ sung quy định xử lý như trường hợp xử lý vướng mắc khi có nội dung chưa thống nhất giữa quy hoạch chuyên ngành và quy hoạch tích hợp (vùng, tỉnh), quy hoạch chuyên ngành khác để kịp thời thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh các dự án đầu tư, không để vướng mắc gây ách tắc các hoạt động đầu tư; nghiên cứu bổ sung, tích hợp một số quy hoạch chuyên ngành kinh tế - kỹ thuật.
- Nghiên cứu, bổ sung quy định (ở điều khoản thi hành) để xử lý chuyển tiếp đối với các quy hoạch đã được phê duyệt (nhất là quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành) khi thực hiện sắp xếp, tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, tránh tạo khoảng trống pháp lý trong quá trình tổ chức thi hành Luật.
- Rà soát danh mục các loại quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành; nghiên cứu hợp nhất một số quy hoạch đang có sự giao thoa, chồng chéo, trùng lắp (như: quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh và quy hoạch thủy lợi; quy hoạch đê điều và quy hoạch phòng chống lũ của tuyến sông có đê...); bổ sung quy định mở để cho phép trong trường hợp cần thiết, Chính phủ quy định bổ sung danh mục quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành ngoài danh mục quy định tại Luật Quy hoạch 2017 để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội.
- Rà soát các nội dung của Luật bảo đảm quy định khung mở, có tính nguyên tắc; giao Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành những nội dung cụ thể, phân công thực hiện việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch giữa các bộ, cơ quan và những vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
(10) Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp 2020
Chính phủ cơ bản thống nhất dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp 2020 do Bộ Tài chính trình tại Tờ trình 148/TTr-BTC ngày 16/4/2025. Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến Thành viên Chính phủ và ý kiến tại Phiên họp Chính phủ, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, bảo đảm một số yêu cầu sau:
- Thể chế hoá đầy đủ, kịp thời chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng về phát triển, đổi mới doanh nghiệp; giải quyết những vướng mắc bất cập, tồn tại hạn chế của các quy định hiện hành.
- Quán triệt tinh thần đổi mới, thông thoáng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tối đa và phân bổ nguồn lực đi đôi với giám sát, kiểm tra; cắt giảm, đơn giản hóa triệt để thủ tục hành chính theo Nghị quyết 66/NQ-CP, không để chạy chọt, xin - cho; tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, tăng cường tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, chủ động, tiên phong trong nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy cho nền kinh tế nước ta phát triển nhanh, mạnh và bền vững.
- Rà soát, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo các luật, nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 để bảo đảm sự thống nhất giữa các nội dung liên quan tại Luật Doanh nghiệp 2020 với các luật, nghị quyết khác do Chính phủ trình.
- Rà soát đầy đủ về nội dung khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF), trên cơ sở đó đánh giá, xác định đúng các yêu cầu, để nội luật hóa, bổ sung các quy định về chủ sở hữu hưởng lợi, bảo đảm thực hiện đúng, đầy đủ các cam kết của Việt Nam với FATF.
- Rà soát kỹ các nội dung cần có quy định chuyển tiếp tại dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tránh tạo khoảng trống pháp lý sau khi Luật này có hiệu lực thi hành.
(11) Dự án Luật Ngân sách nhà nước 2015 (sửa đổi)
Chính phủ cơ bản thống nhất dự án Luật Ngân sách nhà nước 2015 (sửa đổi) do Bộ Tài chính trình tại Tờ trình 138/TTr-BTC ngày 12/4/2025 và Báo cáo 145/BC-BTC ngày 17/4/2025 về việc tiếp thu, giải trình ý kiến Thành viên Chính phủ đối với dự thảo Luật. Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến Thành viên Chính phủ và ý kiến tại Phiên họp Chính phủ, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Ngân sách nhà nước 2015(sửa đổi), bảo đảm một số yêu cầu sau:
- Bám sát, thể chế hóa các chủ trương, Nghị quyết, Kết luận của Đảng, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tối đa và phân bổ nguồn lực đi đôi với giám sát, kiểm tra; cắt giảm, đơn giản hóa triệt để thủ tục hành chính theo Nghị quyết 66/NQ-CP, đẩy mạnh chuyển đổi số; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, kiên quyết xóa bỏ cơ chế “xin - cho”.
- Bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương và sự chủ động của ngân sách địa phương; ưu tiên cho chi đầu tư phát triển; rà soát để có quy định phù hợp về việc ngân sách Trung ương hỗ trợ địa phương thực hiện đầu tư các công trình, dự án; sử dụng ngân sách địa phương đầu tư các công trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương; nghiên cứu tăng mức bố trí dự phòng ngân sách nhà nước.
- Rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan trong hệ thống pháp luật (như: Luật Đầu tư công, Luật Phí và lệ phí, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật...).
(12) Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu 2023, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020, Luật Hải quan 2014, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016, Luật Đầu tư 2020, Luật Đầu tư công 2024, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ và ý kiến tại Phiên họp Chính phủ, bảo đảm một số yêu cầu sau:
- Bám sát, thể chế hóa các chủ trương, Nghị quyết, Kết luận của Đảng, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tối đa và phân bổ nguồn lực đi đôi với giám sát, kiểm tra; cắt giảm, đơn giản hóa triệt để thủ tục hành chính theo Nghị quyết 66/NQ-CP, đẩy mạnh chuyển đổi số, không để chạy chọt, xin - cho; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc có tính chất cấp bách trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương; phù hợp với mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
- Rà soát, nghiên cứu bổ sung trong dự thảo Luật Đấu thầu quy định chủ đầu tư quyết định và tự chịu trách nhiệm về việc đấu thầu hay chỉ định thầu để lựa chọn nhà thầu, đồng thời quy trình, thủ tục phải bảo đảm nhanh chóng, không rườm rà như quy định hiện hành; việc thành lập và thành phần của Hội đồng thẩm định cần nghiên cứu để gọn hơn, không quá cồng kềnh, làm mất nhiều thời gian.
- Rà soát kỹ các nội dung cần có quy định chuyển tiếp tại dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tránh tạo khoảng trống pháp lý sau khi Luật này có hiệu lực thi hành.
(13) Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng 2024
Chính phủ cơ bản thống nhất dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức túi dụng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình tại Tờ trình 56/TTr-NHNN ngày 11/4/2025 và Tờ trình 59/TTr-NHNN ngày 11/4/2025. Giao Ngân hàng nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, các bộ, cơ quan liên quan và các cơ quan của Quốc hội trong quá trình thẩm tra, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật, bảo đảm một số yêu cầu sau:
- Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tối đa và phân bổ nguồn lực đi đôi với giám sát, kiểm tra; cắt giảm, đơn giản hóa triệt để thủ tục hành chính theo Nghị quyết 66/NQ-CP, không để chạy chọt, xin - cho; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về xử lý nợ xấu và hoạt động ngân hàng, đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu và bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
- Hoàn thiện quy định về thu giữ tài sản bảo đảm để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể liên quan; rà soát kỹ các nội dung cần có quy định chuyển tiếp tại dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tránh tạo khoảng trống pháp lý sau khi Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực thi hành.
Nguyễn Tùng Lâm
43