
Cải cách tiền lương: Khuyến khích trả lương theo hiệu suất công việc (hình ảnh từ Internet)
Ngày 17/4/2025, tại Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội theo Nghị quyết 142/2024/QH15 Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Cải cách tiền lương: Khuyến khích trả lương theo hiệu suất công việc
Cụ thể, thảo luận tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị quan tâm tăng lương tối thiểu cần phải phù hợp với chi phí sinh hoạt; đồng thời cần khuyến khích trả lương theo hiệu suất công việc, áp dụng chỉ tiêu đánh giá hiệu suất rõ ràng để thưởng, để tăng thúc đẩy việc làm.
Yêu cầu thời gian tới cần tính đến việc giảm phụ thuộc vào phụ cấp; đảm bảo tăng quyền lợi của người lao động trong đơn vị Nhà nước, trong các doanh nghiệp sao cho hài hòa, hợp lý; đồng thời nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của một số quốc gia.
Tiếp thu ý kiến , Bộ trưởng Nội vụ cho biết sẽ hoàn thiện báo cáo đầy đủ, toàn diện, phối hợp đề xuất một số một số nội dung nhiệm vụ có liên quan. Trước mắt, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền đề xuất với Ban Chấp hành Trung ương đánh giá lại Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương, trên cơ sở đó có những giải pháp căn cơ, chiến lược cho việc thực hiện chính sách tiền lương lâu dài.
Người lao động không đảm bảo hiệu suất có bị giảm lương không?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 94 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nguyên tắc trả lương như sau:
- Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.
- Người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.
Như vậy, người sử dụng lao động có trách nhiệm trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn. Thậm chí, nếu người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp. Theo đó, nếu không có bất cứ sự thay đổi nào thì công ty phải trả đủ lương cho người lao động theo thỏa thuận đã ghi trong hợp đồng lao động, không được phép tự ý giảm tiền lương của người lao động vì lý do không đảm bảo hiệu suất công việc.
Khi nào được trừ lương của người lao động?
Căn cứ Điều 102 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động theo quy định.
Theo đó, tại Điều 129 Bộ luật Lao động 2019 quy định người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật hoặc nội quy lao động của người sử dụng lao động.
Trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương.
Người lao động làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép thì phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường hoặc nội quy lao động; trường hợp có hợp đồng trách nhiệm thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm; trường hợp do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, dịch bệnh nguy hiểm, thảm họa, sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì không phải bồi thường.
Như vậy, người sử dụng lao động chỉ được trừ lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng.
Xem chi tiết nội dung Phiên họp thứ 44.
40
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN