
Định hướng tổ chức lại các huyện đảo, thành phố đảo theo mô hình đặc khu (Hình từ Internet)
Định hướng tổ chức lại các huyện đảo, thành phố đảo theo mô hình đặc khu
Ngày 15/4/2025, Ban Chỉ đạo sắp xếp ĐVHC các cấp và xây dựng mô hình tổ chức CQĐP 02 cấp đã có Công văn 03/CV-BCĐ về việc định hướng một số nhiệm vụ sắp xếp ĐVHC và tổ chức CQĐP 02 cấp; về tổ chức bộ máy, CBCCVC khi thực hiện sắp xếp
Trong đó, nêu rõ định hướng sắp xếp đối với các ĐVHC cấp xã thuộc các ĐVHC cấp huyện ở hải đảo như sau:
- Theo định hướng của cấp có thẩm quyền khi tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp thì các huyện đảo, thành phố đảo hiện nay sẽ chuyển thành các đặc khu, gồm: thành phố Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) và 11 huyện đảo, gồm: Vân Đồn, Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh), Cát Hải, Bạch Long Vĩ (thành phố Hải Phòng), Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), Hoàng Sa (thành phố Đà Nẵng), Phú Quý (tỉnh Bình Thuận), Kiên Hải (tỉnh Kiên Giang), Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị), Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
- Theo đó, trong Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã của các tỉnh, thành phố nêu trên cần lưu ý như sau:
+ Xây dựng phương án chuyển nguyên trạng các huyện đảo, thành phố đảo thành đặc khu và kết thúc hoạt động của ĐVHC cấp xã (nếu có) thuộc huyện đảo, thành phố đảo;
+ Riêng đối với tỉnh Kiên Giang, cấp có thẩm quyền đã đồng ý chủ trương tách xã Thổ Châu thuộc thành phố Phú Quốc để thành lập 01 huyện riêng, theo đó đề nghị xây dựng phương án thành lập 02 đặc khu: Phú Quốc và Thổ Châu.
Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở đặc khu
Cụ thể, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở đặc khu được quy định tại Điều 24 dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) như sau:
- Chính quyền địa phương ở đặc khu thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn tương ứng của chính quyền địa phương ở cấp cơ sở quy định tại Mục 2 Chương IV dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) là căn cứ trình độ phát triển, đặc điểm đô thị, nông thôn ở đặc khu, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Chính phủ quyết định việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đặc khu tương ứng với chính quyền địa phương ở cấp cơ sở quy định tại khoản 1 Điều 24 dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
- Việc quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể cho chính quyền địa phương ở đặc khu trong các văn bản quy phạm pháp luật khác phải bảo đảm tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan nhà nước tại địa phương, bảo đảm linh hoạt, chủ động ứng phó khi có sự kiện, tình huống đột xuất, bất ngờ xảy ra nhằm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trên các vùng biển, hải đảo, phát huy lợi thế, tiềm năng kinh tế biển, hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm thu hút người dân ra sinh sống, bảo vệ và phát triển hải đảo.
- Căn cứ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và khả năng của chính quyền địa phương ở từng đặc khu, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Chính phủ xem xét theo thẩm quyền hoặc trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét theo thẩm quyền để bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy cho chính quyền địa phương ở đặc khu bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn của từng đặc khu; chính quyền địa phương cấp tỉnh đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền các nhiệm vụ, quyền hạn của mình cho chính quyền địa phương ở đặc khu thực hiện ở khu vực hải đảo.
Xem thêm thông tin chi tiết tại Công văn 03/CV-BCĐ ban hành ngày 15/4/2025
Phạm Việt Trinh
24
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN