Ngày 26/01/2024, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp ban hành Quyết định 431/QĐ-BNN-TT phê duyệt “Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030” (Gồm các cây: cà phê, cao su, chè, điều, hồ tiêu, dừa)
Định hướng phát triển cây cà phê đến năm 2030
Theo quy định Khoản 1 Mục III Quyết định 431/QĐ-BNN-TT, định hướng phát triển cây cà phê đến năm 2030 như sau:
- Sản xuất
Đến năm 2030, diện tích cà phê cả nước khoảng 640-660 nghìn ha; trong đó, vùng Tây Nguyên khoảng 600 nghìn ha, còn lại 40-60 nghìn ha được trồng tại các tỉnh: Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Sơn La, Quảng Trị, Bình Thuận... Cơ cấu diện tích cà phê vối khoảng 90-92%, cà phê chè khoảng 8-10%; cà phê chè được trồng tại một số tỉnh: Quảng Trị, Sơn La, Điện Biên, Lâm Đồng, Kon Tum...
Phát triển vùng trồng cà phê theo hướng cảnh quan; những nơi có điều kiện thuận lợi, kết hợp vùng trồng cà phê với phát triển văn hóa, du lịch, dịch vụ... Rà soát diện tích cà phê trồng ở những nơi không thích hợp, năng suất thấp chuyển đổi sang cây trồng khác hiệu quả cao hơn. Tiếp tục trồng tái canh, ghép cải tạo diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp bằng các giống mới năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh...; đến năm 2030, 80-90% diện tích cà phê trồng mới được sử dụng giống đúng tiêu chuẩn. Diện tích cà phê sản xuất theo hướng hữu cơ đạt khoảng 2%, cà phê đặc sản khoảng 3%, diện tích cà phê đạt các tiêu chuẩn sản xuất (RA, 4C, Flo, C.A.F.E. Practices...) khoảng 35-40%; trên 70% diện tích cà phê được cấp mã số vùng trồng truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
- Chế biến
Tỷ lệ thu hái cà phê đúng độ chín, đạt tiêu chuẩn chất lượng khoảng 80-90%. Hạt cà phê cần được đảm bảo sạch trong tất cả các khâu: thu hái, phơi sấy, sơ chế, bảo quản, cung cấp cà phê nguyên liệu... để đảm bảo chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Khuyến khích đầu tư các nhà máy sử dụng công nghệ mới, hiện đại chế biến cà phê rang xay, cà phê hòa tan. Đến năm 2030, sản lượng cà phê chế biến sâu đạt khoảng 20-25% tổng sản lượng cà phê cả nước. Khối lượng cà phê xuất khẩu đến năm 2030 đạt khoảng 80-85% tổng sản lượng cà phê cả nước; trong đó, cà phê rang xay chiếm khoảng 5-6%, cà phê hòa tan từ 19-20%.
Quy định hỗ trợ bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật
Căn cứ quy định tại Điều 4, Điều 5 Nghị định 9/2025/NĐ-CP, quy định hỗ trợ bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật như sau:
- Đối tượng hỗ trợ
Cá nhân, hộ gia đình, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân (không bao gồm các doanh nghiệp thuộc lực lượng vũ trang) có hoạt động trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, sản xuất muối (sau đây gọi là cơ sở sản xuất) bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật.
- Mức hỗ trợ bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật
Mức hỗ trợ đối với cây trồng bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật căn cứ vào diện tích cây trồng lâu năm:
+ Vườn cây ở thời kỳ kiến thiết cơ bản: thiệt hại trên 70% diện tích trồng trọt, hỗ trợ 12.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 6.000.000 đồng/ha;
+ Vườn cây ở thời kỳ kinh doanh thiệt hại đến năng suất thu hoạch nhưng cây không chết: thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 20.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 10.000.000 đồng/ha;
+ Vườn cây ở thời kỳ kinh doanh thiệt hại làm cây chết hoặc được đánh giá là cây không còn khả năng phục hồi trở lại trạng thái bình thường; vườn cây đầu dòng ở giai đoạn được khai thác vật liệu nhân giống: thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 30.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 15.000.000 đồng/ha;
+ Cây giống trong giai đoạn vườn ươm được nhân giống từ nguồn vật liệu khai thác từ cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng: thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 60.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 30.000.000 đồng/ha.
Xem nội dung chi tiết tại Quyết định 431/QĐ-BNN-TT có hiệu lực từ ngày 26/01/2024.
Thùy Dương
20
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN