
Sáp nhập xã: Cán bộ không chuyên trách nghỉ việc được hưởng chế độ theo quy định nào? (Hình từ internet)
1. Sáp nhập xã: Cán bộ không chuyên trách nghỉ việc được hưởng chế độ theo quy định nào?
Theo khoản 3 Điều 2 Nghị định 29/2023/NĐ-CP thì một trong những đối tượng thực hiện chính sách tinh giản biên chế có người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp thôn, tổ dân phố khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nghỉ trong thời gian 12 tháng kể từ khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền.
Theo đó, tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 29/2023/NĐ-CP quy định cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nghỉ trong thời gian 12 tháng kể khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền thì được hưởng trợ cấp như sau:
- Đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố giữ các chức danh bầu cử: Cứ mỗi tháng nghỉ trước so với thời điểm kết thúc nhiệm kỳ thì được hưởng trợ cấp bằng 1/2 mức phụ cấp hàng tháng hiện hưởng.
Riêng đối tượng có thời điểm nghỉ hưu trước thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp thì số tháng được hưởng trợ cấp được tính bằng số tháng nghỉ trước so với thời điểm nghỉ hưu nêu trên;
- Đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố giữ các chức danh không do bầu cử: Cứ mỗi tháng nghỉ trước so với thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp được hưởng trợ cấp bằng 1/2 mức phụ cấp hàng tháng hiện hưởng.
Riêng đối tượng có thời điểm nghỉ hưu trước thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp thì số tháng được hưởng trợ cấp được tính bằng số tháng nghỉ trước so với thời điểm nghỉ hưu nêu trên.
Như vậy, khi sáp nhập xã, cán bộ không chuyên trách nghỉ việc do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã được hưởng trợ cấp theo quy định tại Nghị định 29/2023/NĐ-CP về tinh giản biên chế.
2. Người hoạt động hoạt không chuyên trách cấp xã gồm những ai?
Căn cứ theo quy định điểm a khoản 3 Điều 34 Nghị định 33/2023/NĐ-CP thì chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã sẽ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quy định dựa trên căn cứ vào quỹ phụ cấp được ngân sách Trung ương khoán cho mỗi cấp xã, mỗi thôn, tổ dân phố; nguồn kinh phí ngân sách chi cho cải cách chính sách tiền lương của địa phương; các quy định của pháp luật có liên quan và đặc thù của từng cấp xã, từng thôn, tổ dân phố.
Như vậy, sẽ tùy vào địa phương mà chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp xã sẽ khác nhau.
Đơn cử, theo Nghị quyết 02/2024/NQ-HĐND quy định các chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp xã tại TP HCM bao gồm:
(1) Văn phòng Đảng ủy;
(2) Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy;
(3) Thường trực Khối vận;
(4) Tuyên giáo;
(5) Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
(6) Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam;
(7) Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;
(8) Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam;
(9) Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Việt Nam;
(10) Chủ tịch Hội Người cao tuổi;
(11) Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ;
(12) Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự;
(13) Bình đẳng giới - Trẻ em;
(14) Công nghệ thông tin;
(15) Dân số - Kế hoạch hóa gia đình;
(16) Lao động - Thương binh và Xã hội;
(17) Phụ trách kinh tế;
(18) Thủ quỹ - Văn thư - Lưu trữ.
3. Sáp nhập xã: Thông qua nghị quyết sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính trước 30/6/2025
Ngày 20/3/2025, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 đã ban hành Công văn 43-CV/BCĐ về Kế hoạch tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Theo đó, để việc sáp nhập đơn vị hành chính theo mô hình địa phương 02 cấp bảo đảm đúng mục tiêu tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả gắn với tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18 yêu cầu các ban đảng, cơ quan, đơn vị của Đảng ở Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và khẩn trương thực hiện một số nội dung, nhiệm vụ.
Trong đó, tại nhiệm vụ cần triển khai sau khi có nghị quyết, kết luận của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Ban chỉ đạo đã giao Đảng ủy Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo:
(i) Việc thực hiện các quy trình và sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (hoàn thành trước ngày 30/6/2025).
(ii) Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã (hoàn thành trước ngày 30/6/2025); Quốc hội thông qua nghị quyết sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh (tổ chức của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) (hoàn thành trước ngày 30/6/2025).
(iii) Thông qua các luật, nghị quyết có liên quan để triển khai chủ trương sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013, tiếp tục sắp xếp các đơn vị hành chính, xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp…
Như vậy, trước ngày 30/6/2026, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã.
24
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN