
Công văn 3987: Bộ Tài chính chỉ đạo công tác quản lý thuế với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (Hình từ Internet)
Ngày 31/3/2025, Bộ Tài chính ban hành Công văn 3987/BTC-CT về việc chỉ đạo công tác quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh; đẩy mạnh triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.
Công văn 3987: Bộ Tài chính chỉ đạo công tác quản lý thuế với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh
Ngày 04/01/2024, Bộ Tài chính đã có Công văn 95/BTC-TCT gửi các đồng chí Bí thư, Chủ tịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị quan tâm, chia sẻ và phối hợp trong chỉ đạo điều hành công tác thu ngân sách nhà nước, trong đó tập trung chỉ đạo công tác quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh nhằm hiện đại hóa công tác quản lý thuế, góp phần cải thiện chỉ số cải cách hành chính của địa phương, tăng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn.
Thời gian qua, được sự quan tâm và phối hợp chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo các tỉnh, thành phố, công tác quản lý thu của ngành thuế đã đạt được những kết quả tích cực. Số thu từ hộ, cá nhân kinh doanh năm 2024 là 25.953 tỷ đồng, bằng 120% số thu năm 2023. Bộ Tài chính xin trân trọng cảm ơn các đồng chí đã thường xuyên quan tâm phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính cũng như chỉ đạo các Sở, ngành phối hợp, giúp đỡ cơ quan thuế trong chỉ đạo điều hành công tác thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế xã hội của địa phương nói riêng và cả nước nói chung.
Trong thời đại nền kinh tế số phát triển, hoạt động kinh doanh của hộ, cá nhân kinh doanh cũng phát triển nhanh chóng không chỉ hoạt động theo mô hình truyền thống mà còn phát triển mạnh mẽ với nhiều hình thức kinh doanh mới như: kinh doanh thương mại điện tử, hợp tác kinh doanh với tổ chức, kinh doanh trong mô hình kinh tế chia sẻ, kinh doanh cung cấp dịch vụ số xuyên biên giới... Sự đa dạng về mô hình hoạt động và số lượng lớn hộ, cá nhân kinh doanh tham gia kinh doanh đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp số thu vào ngân sách nhà nước. Theo công bố của Tổng cục Thống kê, GDP danh nghĩa ước năm 2024 là khoảng 11,2 triệu tỷ đồng, tăng gần 40% so với GDP danh nghĩa năm 2020, trong khi số thu từ khu vực hộ, cá nhân kinh doanh (không kể thu từ cá nhân cho thuê tài sản) năm 2024 của nhiều địa phương tăng không đáng kể so với năm 2020, chưa đảm bảo sự đồng tốc trên địa bàn các tỉnh, thành phố.
Tại Thông báo 56/TB-VPCP ngày 23/02/2025 của Văn Phòng Chính phủ về việc kết luận Phiên họp tổng kết hoạt động Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Đề án 06 năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 thống nhất chủ đề chuyển đổi số năm 2025 là: “Chuyển đổi số toàn dân, toàn diện, toàn trình để tăng tốc, bứt phá phát triển kinh tế số", trong đó có giao nhiệm vụ Bộ Tài chính trong thời gian tới: “Trong 6 tháng đầu năm 2025, tập trung triển khai công tác quản lý thu thuế khoán đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong các lĩnh vực cửa hàng bán lẻ, cửa hàng ăn, uống và triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền nhằm chống thất thu thuế".
Thực hiện nhiệm vụ trên và để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước nói chung, công tác quản lý thuế nói riêng đối với hộ, cá nhân kinh doanh trong năm 2025 và các năm tiếp theo, Bộ Tài chính đề nghị các đồng chí quan tâm chỉ đạo chính quyền địa phương và các Sở, ngành liên quan (Tài chính, Ngân hàng, Công thương, Công an, Xây dựng, Quản lý và phát triển thị trường, Y tế, Thống kê ...) trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong công tác quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh đặc biệt là hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán trong các lĩnh vực cửa hàng bán lẻ, cửa hàng ăn, uống và triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền nhằm chống thất thu thuế, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm.
Đơn cử, nhiệm vụ thứ nhất là: Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh chỉ đạo các bộ phận chức năng, Ủy ban nhân xã, phường, thị trấn phối hợp với cơ quan thuế trong công tác quản lý hộ, cá nhân kinh doanh. Cụ thể:
- Các phòng chức năng, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn phối hợp với cơ quan thuế tổ chức tuyên truyền, phổ biến về pháp luật thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh. Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến các kỹ năng số cơ bản cho người dân, hộ kinh doanh như: tra cứu và phản hồi thông tin về hộ kinh doanh trên Bản đồ số hộ kinh doanh, đăng ký, kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng thông tin điện tử của Cục Thuế, các kênh giao dịch điện tử của Ngân hàng và ứng dụng Etax Mobile của ngành Thuế. Phối hợp với Ngân hàng thương mại phát động phong trào thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn quản lý với nhiều hình thức hỗ trợ người dân tạo thói quen thanh toán không dùng tiền mặt.
- Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ cơ quan thuế trong công tác quản lý thường xuyên tại địa bàn và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về thuế.
- Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện phối hợp với cơ quan quản lý thuế trong việc cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo cơ chế một cửa liên thông.
Các bộ phận chức năng chia sẻ, cung cấp thông tin về các cơ sở giáo dục và hoạt động xây dựng nhà ở riêng lẻ do Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp phép.
- Đồng chí Chủ tịch và các thành viên của Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế để xác định doanh thu, mức thuế của các hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán trên địa bàn và đôn đốc các hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với ngân sách nhà nước theo quy định.
Xem thêm chi tiết tại Công văn 3987/BTC-CT ngày 31/3/2025.
95
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN