
Dự kiến vận hành các sàn giao dịch các-bon từ ngày 01/6/2025 (Hình từ Internet)
Dự kiến thời gian vận hành các sàn giao dịch các-bon
Theo Hồ sơ dự thảo Nghị định về sàn giao dịch các-bon trong nước tại Công văn 3751/BTC-PC năm 2025 của Bộ Tài chính, việc vận hành các sàn giao dịch các-bon đối với tổ chức hỗ trợ giao dịch như sau:
(1) Về mô hình thị trường có trung gian giao dịch Theo đánh giá của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, việc tổ chức giao dịch, lưu ký, thanh toán trên thị trường các-bon nên được tổ chức dưới hình thức có các trung gian hỗ trợ giao dịch. Mô hình tổ chức giao dịch có trung gian này được áp dụng trên thị trường giao dịch công cụ nợ chính phủ, thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ với các trung gian hỗ trợ giao dịch là các công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại.
Tính đến nay, trên thị trường chứng khoán có gần 100 công ty chứng khoán và ngân hàng thương mại đang làm trung gian giao dịch cho thị trường. Các thành viên này đều đã có hạ tầng công nghệ thông tin kết nối đến các sở giao dịch chứng khoán, tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam để thực hiện các nghiệp vụ hỗ trợ cho hoạt động giao dịch, lưu ký, bù trừ, thanh toán trên thị trường chứng khoán. Trong trường hợp các đơn vị này làm thành viên hỗ trợ giao dịch cho thị trường các-bon thì sẽ thuận lợi cho việc triển khai.
(2) Căn cứ các nội dung theo quy định Luật Chứng khoán, các hoạt động hỗ trợ giao dịch cho thị trường các-bon là dịch vụ tài chính. Bộ Tài chính dự kiến đề xuất quy định tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 06/2022/NĐ-CP là các công ty chứng khoán đáp ứng được các điều kiện về hạ t ng công nghệ thông tin quy định tại Nghị định được cung cấp dịch vụ hỗ trợ giao dịch trên thị trường các - bon. Phương án này cũng phù hợp với quy định tại khoản 5 Điều 86 Luật Chứng khoán. Trong quá trình xây dựng Nghị định sẽ lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị có liên quan đến tiếp tục hoàn thiện.
(3) Qua rà soát, Bộ Tài chính chưa thấy có quy định cho phép các ngân hàng thương mại tham gia làm thành viên hỗ trợ giao dịch, lưu ký cho các giao dịch trên thị trường các-bon. Do đó, Bộ Tài chính đề xuất trước mắt chỉ dự kiến các thành viên hỗ trợ giao dịch trên thị trường các công ty chứng khoán đủ điều kiện.
Theo Điều 45 Dự thảo Nghị định, dự kiến vận hành các sàn giao dịch các-bon, cụ thể:
(1) Các quy định tại Dự thảo Nghị định dự kiến có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 06 năm 2025.
(2) Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam ban hành quy chế hướng dẫn cụ thể các hoạt động nghiệp vụ có liên quan sau khi có ý kiến bằng văn bản của Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Xem thêm tại Dự thảo Nghị định về sàn giao dịch các-bon trong nước.
Trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon trên thị trường các-bon trong nước
Với việc đưa vào hoạt động các sàn giao dịch các-bon, việc trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon trên thị trường các-bon trong nước theo Điều 19 Nghị định 06/2022/NĐ-CP được quy định như sau:
(1) Việc trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ các-bon được thực hiện trên sàn giao dịch tín chỉ các-bon, thị trường các-bon trong nước theo quy định.
(2) Hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ các-bon được giao dịch
- Hạn ngạch phát thải khí nhà kính theo quy định được giao dịch trên sàn. 01 đơn vị hạn ngạch phát thải khí nhà kính bằng 01 tấn CO2 tương đương;
- Tín chỉ các-bon thu được từ chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon được phép chuyển đổi thành đơn vị bù trừ cho hạn ngạch phát thải khí nhà kính trên sàn giao dịch. 01 tín chỉ các-bon bằng 01 tấn CO2 tương đương.
(3) Đấu giá, chuyển giao, vay mượn, nộp trả hạn ngạch phát thải khí nhà kính, sử dụng tín chỉ các-bon để bù trừ phát thải khí nhà kính
- Các cơ sở có thể đấu giá để sở hữu thêm hạn ngạch phát thải khí nhà kính ngoài lượng hạn ngạch phát thải khí nhà kính được phân bổ trong cùng 01 giai đoạn cam kết;
- Các cơ sở có thể chuyển giao lượng hạn ngạch phát thải khí nhà kính chưa sử dụng hết trong năm trước sang các năm tiếp theo trong cùng 01 giai đoạn cam kết;
- Các cơ sở có thể vay hạn ngạch phát thải khí nhà kính được phân bổ cho năm tiếp theo để sử dụng trong năm trước đó trong cùng 01 giai đoạn cam kết;
- Các cơ sở có thể sử dụng tín chỉ các-bon từ các dự án thuộc các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon để bù cho lượng phát thải khí nhà kính vượt quá hạn ngạch phát thải khí nhà kính được phân bổ trong 01 giai đoạn cam kết. Số lượng tín chỉ các-bon để bù trừ phát thải không được vượt quá 10% tổng số hạn ngạch phát thải khí nhà kính được phân bổ cho cơ sở;
- Hạn ngạch phát thải khí nhà kính đã phân bổ sẽ tự động được Bộ Tài nguyên và Môi trường thu hồi khi các cơ sở dừng hoạt động, giải thể hoặc phá sản;
- Nhà nước khuyến khích các cơ sở tự nguyện nộp trả hạn ngạch phát thải khí nhà kính chưa sử dụng hết góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của quốc gia;
- Vào cuối mỗi giai đoạn cam kết, các cơ sở phải nộp tiền thanh toán cho lượng phát thải khí nhà kính vượt quá số hạn ngạch phát thải khí nhà kính được phân bổ sau khi áp dụng các hình thức đấu giá, chuyển giao, vay mượn, sử dụng tín chỉ các-bon để bù trừ. Ngoài việc phải nộp tiền thanh toán, lượng phát thải khí nhà kính vượt quá lượng hạn ngạch được phân bổ sẽ được trừ vào hạn ngạch phân bổ cho giai đoạn cam kết sau đó;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn đấu giá, chuyển giao, vay mượn và nộp trả hạn ngạch phát thải khí nhà kính.
Lê Quang Nhật Minh
63
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN