
Sáp nhập tỉnh: Dự kiến chính sách đối với cán bộ công chức sau sắp xếp đơn vị hành chính (Hình từ internet)
Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (gọi tắt là dự thảo Nghị quyết).
 |
Dự thảo Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính |
Sáp nhập tỉnh: Dự kiến chính sách đối với cán bộ công chức sau sắp xếp đơn vị hành chính
Theo đó, tại Điều 13 dự thảo Nghị quyết đề xuất về số lượng lãnh đạo, quản lý và số lượng, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, tổ chức sau sắp xếp đơn vị hành chính như sau:
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, tổ chức sau sắp xếp đơn vị hành chính, bảo đảm tinh giản gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, phù hợp với thực tiễn của địa phương.
- Số lượng cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị hành chính cấp tỉnh mới sau sắp xếp tối đa không vượt quá tổng số cán bộ, công chức, viên chức có mặt tại các đơn vị hành chính cấp tỉnh trước sắp xếp. Số lượng cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị hành chính cấp xã mới sau sắp xếp tối đa không vượt quá tổng số cán bộ, công chức có mặt tại các đơn vị hành chính cấp xã trước sắp xếp và số lượng cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện được bố trí xuống làm việc tại đơn vị hành chính cấp xã mới.
- Số lượng lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, tổ chức ở đơn vị hành chính cấp tỉnh mới sau sắp xếp tối đa không vượt quá tổng số lãnh đạo, quản lý có mặt của các cơ quan, tổ chức ở đơn vị hành chính cấp tỉnh trước sắp xếp. Số lượng lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, tổ chức ở đơn vị hành chính cấp xã mới thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
Chậm nhất sau 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã có hiệu lực thi hành, số lượng lãnh đạo, quản lý và cần bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan, tổ chức ở đơn vị hành chính sau sắp xếp cơ bản theo quy định.
- Bảo lưu chế độ, chính sách tiền lương và phụ cấp chức vụ (nếu có) hiện hưởng của cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã được bố trí làm việc tại đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã mới trong thời gian 06 tháng. Sau thời hạn bảo lưu, thực hiện chế độ, chính sách và phụ cấp chức vụ theo quy định của pháp luật.
- Căn cứ quy định của Chính phủ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh kịp thời thực hiện các chế độ, chính sách tinh giản biên chế đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, tổ chức sau sắp xếp đơn vị hành chính bảo đảm đúng đối tượng và quyền, lợi ích của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chịu tác động do sắp xếp đơn vị hành chính.
Như vậy, dự kiến, sau sắp xếp cán bộ, công chức sẽ được bảo lưu chế độ, chính sách tiền lương và phụ cấp chức vụ (nếu có) hiện hưởng tại đơn vị mới trong thời gian 06 tháng. Sau thời hạn bảo lưu, thực hiện chế độ, chính sách và phụ cấp chức vụ theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, ủy ban nhân dân cấp tỉnh cũng sẽ thực hiện các chế độ, chính sách tinh giản biên chế đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, tổ chức sau sắp xếp đơn vị hành chính.
Đề xuất tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp tỉnh, xã sau sắp xếp
(1) Tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp tỉnh hình thành sau sắp xếp
- Đơn vị hành chính cấp tỉnh hình thành sau sắp xếp phải đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số của đơn vị hành chính tương ứng theo quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, trừ trường hợp sắp xếp tỉnh đã được định hưởng thành thành phố trực thuộc trung ương thì tinh sau sắp xếp phải đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thành phố trực thuộc trung ương.
- Trường hợp việc sắp xếp đơn vị hành chính đã phù hợp với định hướng của cấp có thẩm quyền và bảo đảm các quy định của Nghị quyết này thì không xem xét điều kiện và tiêu chuẩn khác theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
(2) Tiêu chuẩn và số lượng của đơn vị hành chính xã, phường sau sắp xếp
(i) Xã mới sau sắp xếp có đồng thời diện tích tự nhiên và quy mô dân số đạt từ 300% trở lên tiêu chuẩn của xã quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
Riêng đối với tiêu chuẩn quy mô dân số của xã miền núi, vùng cao hoặc có đường biên giới quốc gia trên đất liền mà có từ 30% trở lên dân số là người dân tộc thiểu số thì mức tối thiểu là 7.500 người.
(ii) Phương mới sau sắp xếp có đồng thời diện tích tự nhiên từ 35km trở lên; quy mô dân số từ 50.000 người trở lên; riêng phường ở miền núi, vùng cao có quy mô dân số từ 35.000 người trở lên.
(iii) Trường sắp xếp từ 04 đơn vị hành chính cấp xã trở lên thành 01 xã, phường mới thì không phải đánh giá tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định tại khoản (i) và khoản (ii).
(iv) Trường hợp việc sắp xếp đơn vị hành chính đã phù hợp với định hướng của cấp có thẩm quyền và bảo đảm các quy định của Nghị quyết này thì không xem xét điều kiện và không đánh giá tiêu chuẩn khác theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
(v) Tổng số lượng đơn vị hành chính xã, phường sau sắp xếp giảm tối thiểu 70% và giảm tối đa 75% so với tổng số lượng đơn vị hành chính cấp xã trước sắp xếp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trường hợp đặc biệt không thể đáp ứng quy định tại khoản (i), (ii) và (iii) thì Chính phủ báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
(Điều 5, 6 dự thảo Nghị quyết)
125