“Vì những bất cập, thiếu sót, tồn tại... ảnh hưởng xấu, gây
bức xúc cho các doanh nghiệp, thay mặt lãnh đạo bộ xin lỗi các doanh nghiệp vận
tải. Sau khi lắng nghe các ý kiến, chúng tôi sẽ cho xử lý ngay những vấn đề
trong thẩm quyền, những vấn đề vượt quá thẩm quyền cũng sẽ báo cáo Chính phủ
ngay, làm sao đáp ứng được yêu cầu siết chặt quản lý vận tải nhưng phải tạo điều
kiện cho các doanh nghiệp phát triển”, ông Thăng nói.
Tại buổi đối thoại, các doanh nghiệp có dịp thẳng thắn bày tỏ
bức xúc, trong khi đó, lãnh đạo các sở, các đơn vị chuyên môn vụ, cục của bộ
GTVT phải đăng đàn trả lời trực tiếp ngay sau đó để tháo gỡ cho doanh nghiệp.
Quá nhiều bức xúc
5
tháng gần 25.000 xe quá tải Thống
kê của Bộ GTVT từ 16-12-2013 đến 31-5-2014, 63 trạm kiểm tra tải trọng trên cả
nước đã kiểm tra trên 100.000 xe, phát hiện và lập biên bản gần 25.000 trường
hợp vi phạm, xử phạt nộp kho bạc nhà nước 77 tỷ đồng, tạm giữ 536 phương tiện,
xử lý hạ tải trên 7.000 xe vi phạm với trên 30.000 tấn hàng. |
Mở đầu buổi đối thoại, ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội vận
tải Hải Phòng, cho rằng sau khi áp dụng quy định về xử phạt tải trọng trục xe
đã khiến nhiều doanh nghiệp hoang mang, một số doanh nghiệp đã phải dừng chạy
xe vì bị xử phạt nặng, điều này gây thiệt hại rất lớn. Ông Tiến đề nghị Bộ GTVT
nghiên cứu tới đây không tiến hành xử lý xe quá tải trục mà chỉ xử lý quá tải cầu
đường.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Cầu, Tổng thư ký Hiệp hội xi
măng Việt Nam, cho rằng đặc thù tải trọng xe chở xi măng là khá lớn, do vậy Bộ
GTVT cần nghiên cứu nâng tải trọng cầu đường lên, đồng thời các loại xe cải tiến
phù hợp, đáp ứng được cần nghiên cứu cho lưu thông. Ông Cầu nêu dẫn chứng sau
thời điểm kiểm tra tải trọng xe tới nay, chi phí vận tải của ngành tăng lên gấp
đôi, gây thiệt hại không nhỏ.
Cùng chung băn khoăn, ông Nguyễn Ngọc Xuân, Chủ tịch Hiệp hội
vận tải An Giang, nêu dẫn chứng tuyến đường từ Vàm Cống đi Long Xuyên (An
Giang) có 7 cây cầu (trọng tải 15-20 tấn) đã khiến cho rất nhiều xe qua cầu bị
phạt, đề nghị Bộ GTVT cần nâng tải trọng cho những cầu đảm bảo yêu cầu. Ngoài
ra, có tình trạng thiết bị giám sát hành trình trên một số xe sóng đôi lúc chập
chờn khiến xe bị xử phạt oan. “Đề nghị Bộ GTVT xem lại đơn vị cung cấp thiết bị
chứ không nên đè đầu nhà xe ra xử phạt trong trường hợp này”, ông Xuân bày tỏ.
Trong khi đó, đại diện Chi nhánh Công ty vận tải Phương
Trang (Cần Thơ) “tố” với bộ trưởng về việc đơn vị này phải chịu giá xuất bến rất
cao, trung bình mỗi tháng thiệt hại 800 triệu đồng. Ông này vừa dứt lời, bộ trưởng
Đinh La Thăng yêu cầu ông giám đốc Sở GTVT Cần Thơ phải đăng đàn trả lời luôn
trong cuộc họp.
Theo vị giám đốc sở này, việc giá xuất bến cao là do thời
gian vừa qua đội giá nhiều, ngoài ra doanh nghiệp cũng đã có thỏa thuận trước
đó với Công ty Cầu phà - đơn vị tư nhân khai thác dịch vụ vận tải trên tuyến.
“Như vậy anh là cơ quan quản lý nhà nước mà lại để doanh nghiệp tự ý tăng
giá?”, bộ trưởng Thăng vặn lại. Bí lời, vị giám đốc sở đề nghị phó giám đốc
Công ty Cầu phà trả lời Công ty Phương Trang. Một lúc sau, trước những giãi bày
dài dòng của ông giám đốc công ty, bộ trưởng Thăng đột ngột ngắt lời: “Trả lời
thế tôi chẳng hiểu gì cả, tôi giao cho thanh tra Bộ thanh tra đột xuất ngay việc
này và trong tháng 7 phải có kết quả báo cáo Bộ”.
Sau đại diện Công ty Phương Trang, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch
Hiệp hội taxi Hà Nội, nêu một loạt bức xúc. Thứ nhất, ông Bình cho rằng hiệp hội
có nhiều băn khoăn cần gặp gỡ, giải đáp từ Vụ vận tải, Vụ pháp chế (Bộ GTVT)
nhưng gửi email theo yêu cầu tới ba lần đều không có phản hồi. Ngoài ra, ông
Bình cho rằng không rõ lý do vì sao Hà Nội hiện nay đột ngột ngừng cấp phù hiệu
taxi.
“Bao giờ cấp trở lại, Sở GTVT Hà Nội đâu trả lời đi”- bộ trưởng
Thăng lên tiếng. Bị bộ trưởng yêu cầu trả lời ngay, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội
Nguyễn Hoàng Linh cho rằng sở này căn cứ trên nghị định về điều kiện kinh
doanh, trong đó có taxi, từ đó rà soát các doanh nghiệp đủ và không đủ để xem
xét cấp phép hay dừng cấp phép.
Ngoài ra, ông Linh cũng cho rằng sở căn cứ trên đề án quy hoạch
về phát triển taxi trên địa bàn Thủ đô đã được phê duyệt để cân đối tuyến vận tải
giữa taxi và các loại hình khác. Ngắt lời, bộ trưởng Thăng hỏi: “Vậy quy hoạch
có được công khai không? Việc ngừng cấp phép có phải vì đã đủ số lượng hay
không anh Linh phải nói rõ?”. Hồi đáp ông Thăng, ông Linh thừa nhận sở này căn
cứ vào phương án kinh doanh và quy hoạch sẽ tiếp tục cấp phép cho taxi. Kết
thúc phần tranh luận này, sau khi hỏi ông Đỗ Quốc Bình “đã thỏa mãn chưa”, bộ
trưởng Thăng đề nghị “hai anh Linh và Bình nên chuyển chỗ ngồi trong hội trường
tới cạnh nhau để trao đổi thêm cho tiện”. Riêng liên quan tới việc đối thoại với
doanh nghiệp, bộ trưởng giao Vụ vận tải và Vụ pháp chế tới đây phải tiếp nhận ý
kiến phản ánh của doanh nghiệp một cách kịp thời và cầu thị.
Nhiều trạm cân xe “buông” kiểm tra xe quá tải
Tại TP.HCM có khoảng 50 doanh nghiệp vận tải, cảng, và các
hiệp hội vận tải cảng biển VN, Sở giao thông vận tải…tham dự hội nghị trực tuyến
với Bộ Giao thông vận tải.
Ông Thái Văn Chung - tổng thư ký Hiệp hội vận tải hàng hóa
TP.HCM, cho biết mặc dù hoạt động vận tải hàng hóa đường bộ đã xác lập lại khi
Bộ GTVT tổ chức cân xe trong phạm vi cả nước. Tuy nhiên tình hình vẫn diễn
biến phức tạp, nhiều trạm kiểm tra tải trọng xe vẫn buông lỏng quản lý để cho
xe chở hàng quá tải qua trạm, hoặc vô tình hay cố ý chọn vị trí đặt trạm không
phù hợp để tạo cơ hội cho lái xe tránh né.
Tương tự, ông Lê Tuấn Anh – phó giám đốc Công ty Tân Cảng
Sài Gòn, cho rằng các trạm kiểm tra nằm ở nhiều vị trí không hợp lí. Công tác
kiểm tra chủ yếu diễn ra vào ban ngày, trong khi chủ phương tiện cho hoạt động
vào ban đêm như vậy không phát hiện ra được các trường hợp vi phạm, hoạt động
kiểm tra kém hiệu quả. Do đó, cần có biện pháp kiểm tra đồng bộ để chủ xe
không tránh né kiểm tra.
Cùng dự hội nghị trực tuyến này ở TP.HCM, ông Hồ Kim
Lân - Tổng thư kí Hiệp hội cảng biển Việt Nam, đề nghị “ Đẩy mạnh phát triển dịch
vụ vận tải đường sông, đường biển, đường sắt… để chia bớt vận tải đường bộ” .
Theo ông Lân loại xe container nên qui định tải trọng theo chuẩn quốc tế.
Bên cạnh thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm ngăn chặn, hạn chế quá tải, Bộ
GTVT cần quan tâm nhiều hơn đến liên kết cảng biển, liên kết đường bộ, đường sắt…
Để xử lý triệt để xe quá tải, hiệp hội đề nghị Bộ GTVT, Bộ
Tư Pháp kiến nghị Chính Phủ đưa thêm đối tượng cấp hàng (chủ hàng) bên cạnh tổ
chức xếp hàng ( tổ chức bốc xếp và các cảng ) và người vận chuyển (chủ xe và
lái xe) vào khung phạt hành chính liên quan đến hành vi để xe chở hàng quá tải.
Ba đối tượng này phải chịu chế tài xử phạt như nhau. Riêng người điều khiển
phương tiện thì bỏ chế tài xử phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe vì họ chỉ
là người lao động.
Đồng tình với kiến nghị của Hiệp hội vận tải hàng hóa TP,
ông Đỗ Xuân Phú-giám đốc Công ty Cổ phần dịch vụ vận tải Minh Liên (TP.HCM) đề
nghị ban hành tiêu chí cho phép sử dụng vỏ xe tương ứng thay thế vỏ xe nhập khẩu.
Bởi vì điều bất hợp lý hiện nay là trung tâm đăng kiểm không chấp nhận vỏ
xe không đúng chủng loại vỏ của nhà sản xuất xe và buộc phải dùng đúng loại
như lần đăng kiểm đầu tiên. Thế nhưng, do loại xe này nhập khẩu cách đây
nhiều năm nên lại không có trên thị trường.
Theo ông Thái Văn Chung, nhiều văn bản của Bộ GTVT rất mập mờ
khó hiểu. Cụ thể như thông tư 03/2011/TT-BGTVT, thông tư số
07/2010/TT-BGTVT và văn bản hợp nhất số 06/VBHN-BGTVT quy định về tải trọng của
xe cơ giới, trong đó có tải trọng của tổ hợp xe đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc,
nhưng việc hiểu rõ tải trọng trục đối với từng loại sơ mi rơ moóc là không rõ
ràng, nhiều doanh nghiệp không hiểu tại sao đã đưa loại xe phù hợp vận chuyển
đúng loại hàng hóa rồi mà vẫn bị xử phạt về lỗi quá tải trọng trục xe, trong
khi tổng trọng tải không vi phạm.
Không xử phạt xe quá tải đầu trục nữa
Theo ông Phạm Quang Ngọc, Giám đốc Công ty vận tải Hoàng Hà,
hiện nay còn có quá nhiều bất cập trong việc cân tải trọng xe khiến doanh nghiệp
gặp khó. “Cách tính theo đầu trục là quá phức tạp, làm sao xếp dàn đều cho đúng
đầu trục tải trọng được vì việc bốc dỡ hoàn toàn thủ công”, ông Ngọc băn khoăn.
Giải đáp băn khoăn này, ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục
đăng kiểm, cho biết liên quan tới tải trọng đầu trục, Bộ GTVT đã có văn bản gửi
Thủ tướng Chính phủ đề nghị ban hành nghị định về kiểm soát tải trọng xe. Ông
Hình nói hiện nay Bộ công an, Bộ tư pháp đã đồng ý, dự kiến cuối tuần này Thủ
tướng sẽ ký ban hành để triển khai trong tuần kế tiếp. Cắt ngang lời ông Hình,
bộ trưởng Đinh La Thăng quả quyết: “Ngay từ ngày mai (4-7) sẽ không xử phạt xe
quá tải đầu trục nữa”. Ông Thăng vừa dứt lời, hội trường vang lên nhiều tiếng vỗ
tay tán thưởng.
Giải đáp thắc mắc trước đó của đại diện một doanh nghiệp vận
tải về việc không thống nhất trong số liệu đăng kiểm với ba chiếc xe cùng một
loại, ông Trần Kỳ Hình cho rằng việc xác định tải trọng khác nhau là do văn bản
ban hành các thời kỳ khác nhau dẫn tới. “Tôi mong anh mang xe đến trung tâm
đăng kiểm để chỉnh lại cho, nếu trung tâm nào không giải quyết, tôi sẽ xử lý
cán bộ trung tâm đó”, ông Hình hồi đáp.
Chưa hài lòng với cách giải quyết của ông Hình, bộ trưởng
Thăng đề nghị Cục đăng kiểm cần phải tiến hành kiểm định luôn với những xe
doanh nghiệp nhập về. “Xe nhập về thế nào thì cứ để nguyên sử dụng, những cái
nào hoán cải rồi thì phải quay về vị trí cũ thì mới đăng kiểm, không chấp nhận
hoán cải”, ông Thăng chỉ đạo.
Chưa thỏa mãn, ông Phạm Quang Ngọc tiếp tục chất vấn: “Bộ phải
đưa ra thông số đúng như thế nào, nếu không doanh nghiệp chẳng khác nào “lạc
vào rừng cây”. Chúng tôi mua xe về, các anh kiểm định rồi nhưng khi lưu thông lại
bị tuýt còi… Lần này tôi đề nghị anh (ông Hình, cục trưởng Cục Đăng kiểm) cung
cấp thông số chuẩn”. Không chờ ông Hình trả lời, bộ trưởng Thăng đáp ngắn gọn:
“Tôi đồng ý”.
Tiếp tục giải đáp thắc mắc về tải trọng xe, ông Trần Kỳ Hình
cho rằng trước đây khi các doanh nghiệp nhập xe về không có việc kiểm soát tải
trọng trục, tuy nhiên sau khi hợp nhất các văn bản cũ và việc kiểm soát tải trọng
trục mới được áp dụng. Trước giải thích của ông Hình, bộ trưởng Đinh La Thăng đặt
vấn đề: “Vậy như việc xử phạt các doanh nghiệp trước đó có sai không, phải rà
soát, nếu sai phải trả lại tiền cho các doanh nghiệp”. Ông Thăng đồng thời đặt
luôn câu hỏi với Vụ trưởng Vụ vận tải Khuất Việt Hùng (cũng là Phó chủ tịch UB
An toàn giao thông quốc gia): “Vậy trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý nhà nước
hay là thuộc về doanh nghiệp?”.
Ông Hùng đáp lời: “Với phương tiện tổng tải trọng không vi
phạm sẽ không xử phạt nữa, hiện nay đã trình Chính phủ phương án, sáng mai sẽ
có văn bản trên bàn bộ trưởng”. “Không chờ tới sáng mai, tối nay phải có luôn
cho tôi”- ông Thăng dứt khoát trong tiếng vỗ tay tán dương của đại diện các
doanh nghiệp vận tải.
Kết luận buổi đối thoại, ông Thăng thừa nhận về nguyên tắc
văn bản quy phạm pháp luật phải đảm bảo công bằng trong cách hiểu, cách xử lý
giữa các bên ban hành, thực thi và doanh nghiệp, người dân. Tuy nhiên thời gian
vừa qua trong lĩnh vực giao thông vận tải còn có một số văn bản chưa rõ, tăng
chi phí bất hợp lý, gây bất lợi cho doanh nghiệp.
Về việc kiểm soát xe quá tải trọng, ông Thăng khẳng định
Chính phủ sẽ tìm ra phương án tối ưu nhất làm sao vừa đảm bảo hạ tầng vừa tạo
điều kiện cho doanh nghiệp vận tải phát triển. Đối với những bến xe, nhà ga, bến
cảng nếu để xếp hàng quá tải, bộ sẽ tiến hành xử lý trách nhiệm người đứng đầu.
Ngoài ra, hàng loạt giải pháp sẽ được bộ tiến hành ngay, như thay đổi hệ thống
biển báo cho phù hợp, kiểm định lại và công bố công khai tải trọng các cầu. Rà
soát, xử lý nghiêm các tiêu cực ở các trung tâm đăng kiểm, trạm cân... “Chốt lại
cuối năm nay, Chính phủ sẽ xử lý xong dứt điểm vấn đề xe quá tải, quá khổ”, bộ
trưởng Đinh La Thăng nói.
Đề nghị kiểm điểm 19 đơn vị đăng kiểm Đó là đề nghị của Thanh tra Bộ GTVT sau khi tiến hành
thanh tra, kiểm tra công tác đăng kiểm, đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới
đường bộ trên cả nước. Theo đó, yêu cầu 19 đơn vị đăng kiểm kiểm điểm trách
nhiệm của bộ phận, cá nhân có liên quan đến sai phạm khi kiểm định phương tiện.
Yêu cầu Cục Đăng kiểm, Sở GTVT có liên quan đình chỉ hoạt động một tháng đối
với hai trung tâm đăng kiểm 1101S ,1402S; thu hồi chứng nhận đăng kiểm viên
phương tiện thủy nội địa của ba đăng kiểm viên; giao thanh tra sở GTVT xử phạt
vi phạm hành chính đối với 37 đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ và một đơn
vị đăng kiểm. |
Lâm Hoài - Thu Dung -
N.Ẩn
Theo Tuổi Trẻ
3,674