Trong ngày làm việc đầu tuần thứ 6 kỳ họp thứ 7 (ngày 23/6), Quốc hội sẽ thông qua Luật Hải quan (sửa đổi) và Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Luật Hải quan sẽ thiết lập một số thay đổi trong nguyên tắc
tổ chức và hoạt động của Hải quan, cơ quan quản lý Nhà nước về hải quan, xác định
rõ trách nhiệm của Bộ Tài chính với tư cách là cơ quan chịu trách nhiệm trước
Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý Nhà nước về hải quan.
Trong bộ luật này, hệ thống tổ chức hải quan được quy định
theo hướng đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về hải quan và sự phát triển kinh tế
- xã hội, bảo đảm hệ thống tổ chức hải quan chặt chẽ, tinh gọn, hiệu quả. Đây
cũng là xu hướng tổ chức của hải quan các nước trên thế giới.
Luật Hải quan cũng đẩy mạnh phương thức quản lý từ tiền kiểm
sang hậu kiểm, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa nhưng cũng bảo đảm kiểm
soát chặt chẽ quá trình tuân thủ pháp luật của người khai hải quan khi xác định
chế độ kiểm tra sau thông quan là khâu quan trọng, đồng thời tăng thẩm quyền xử
lý hành vi buôn lậu, xử lý vi phạm cho lực lượng hải quan.
Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được tập trung sửa đổi theo
hướng làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường
theo nguyên tắc Nhà nước quản lý thống nhất về bảo vệ môi trường; quyền và
nghĩa vụ của các tổ chức chính trị, xã hội, các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng
về bảo vệ môi trường; xác định rõ hơn nguồn lực tài chính cho bảo vệ môi trường
và nhiệm vụ được chi từ kinh phí sự nghiệp môi trường; bổ sung thêm nội dung mới
về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; gắn kết bảo vệ tài nguyên và bảo vệ
môi trường với biến đổi khí hậu; nhấn mạnh tăng trưởng xanh, khuyến khích phát
triển công nghiệp và đô thị sinh thái; khuyến khích sản xuất và tiêu thụ thân
thiện với môi trường.
Cũng trong ngày hôm nay, Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Luật
Đầu tư (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân
sự./.
Nguyên Linh
Theo Báo điện tử Chính phủ
3,739
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN