Anh Phạm Thanh Trình, tài xế của Công ty ABA Miền Đông (công
ty vận tải, trụ sở tại tỉnh Bình Dương), cho biết trưa 26-5, anh lái xe tải nhẹ
chở hàng đông lạnh từ siêu thị Metro trên đường Nguyễn Ái Quốc (phường Quang
Vinh, TP Biên Hòa), khi chạy về phía cầu Hóa An khoảng 200 m rồi vòng lại được
khoảng 400 m theo lộ trình thì bị CSGT thổi còi và lập biên bản xử phạt lỗi quá
tốc độ với vận tốc lên đến 84 km/giờ. “Tôi không tin kết quả của hệ thống báo lỗi
tự động” - anh Trình nói.
Thông số lệch nhau
Như thường lệ, một ngày anh Trình chạy khoảng 2-3 chuyến chở
hàng trao đổi từ Metro Đồng Nai về Bình Dương. Hôm đó, xe anh chạy đến trước trụ
sở Công an TP Biên Hòa (ở trung tâm TP) thì bị CSGT ra hiệu lệnh dừng và lập
biên bản xử phạt. Theo kết quả xử lý, phân tích lỗi của hệ thống camera tự động
thì xe anh chạy với tốc độ lên đến 84 km/giờ, vượt quá tốc độ tối đa cho phép đến
34 km/giờ (tốc độ tối đa cho phép là 50 km/giờ). Quá bất ngờ, anh Trình trình
bày, khiếu nại tại chỗ nhưng không thay đổi được gì trước kết quả đưa ra “giấy
trắng, mực đen”.

Hình ảnh giao thông ở các khu vực “nóng” của TP Biên Hòa, tỉnh
Đồng Nai đều được theo dõi qua màn hình lớn ở trung tâm kiểm soát
Do không tin tưởng, anh Trình thu thập các thông số, dữ liệu
liên quan đến hành trình để tiếp tục khiếu nại. Theo đó, anh nhờ trích xuất dữ
liệu quản lý hành trình qua mạng mà công ty đã thuê trước đó. Hệ thống dịch vụ
này quản lý vận hành vận tải bằng cách sử dụng hộp đen GPS kết hợp với công nghệ
truyền dữ liệu không dây (GPRS) và bản đồ số (GIS) giúp quản lý hành trình,
phương tiện, tài sản cho các đơn vị doanh nghiệp hoạt động liên quan đến vận tải.
Kết quả của hệ thống này cho ra những thông số hoàn toàn khác. Trên sơ đồ (và cả
bản đồ chi tiết) báo rõ ngày tháng, địa điểm, biển số xe, thời gian dừng và đỗ
(chi tiết đến từng giây), trong đó vận tốc lớn nhất mà xe của anh Trình vận
hành chưa đến 50 km/giờ.
Anh Nguyễn Đăng Thái cũng là tài xế xe tải chở hàng đông lạnh
với hành trình như trên. Đầu giờ chiều 10-6, xe của anh bị tổ CSGT lập biên bản
xử phạt lỗi chạy quá tốc độ với vận tốc 68/50 km/giờ. Cũng sử dụng hệ thống quản
lý hành trình qua mạng để đối chiếu, anh Thái nhận được kết quả thời điểm đó, vận
tốc xe của anh chạy nhanh nhất chỉ 32 km/giờ. “Chúng tôi muốn kiểm tra lại để
làm rõ chứ lương tài xế 4 triệu đồng/tháng mà mỗi lần bị phạt lỗi quá tốc độ phải
nộp từ 2-5 triệu đồng thì khổ lắm!” - anh Thái than thở.
Không chỉ tài xế xe tải, anh Nguyễn Quên, một người điều khiển
xe máy, cũng phản ánh vào đầu tháng 6 đã bị thổi phạt vì vượt quá tốc độ ở khu
vực trên nhưng không chính xác. “Xe tôi mới mua, còn đồng hồ đo tốc độ, lại vừa
đi vừa nói chuyện trong nội ô nên không thể chạy nhanh được. Thêm nữa, người bạn
đi xe cạnh tôi lại không bị báo lỗi…” - anh Quên nói.
Hàng đắt tiền nên... chính xác!
Hệ thống camera tự động theo dõi và phân tích lỗi ngay trên
máy được Công an tỉnh Đồng Nai đưa vào sử dụng từ ngày 20-5 (Báo Người Lao Động
đã thông tin). Theo đơn vị này, hệ thống camera tự động sẽ giúp CSGT xử phạt cả
“nóng” và “nguội” các hành vi vi phạm của người đi đường, đồng thời xử lý nhanh
các tình huống giao thông xảy ra tại tất cả điểm nóng trên toàn TP Biên Hòa. Tổng
kinh phí cho toàn bộ dự án này là 92 tỉ đồng.
Trao đổi với chúng tôi về các trường hợp bị xử phạt, thiếu
tá Trần Trọng Thủy, Đội trưởng Đội CSGT Công an TP Biên Hòa, cho biết tất cả
trường hợp bị CSGT lập biên bản xử phạt đều có thể khiếu nại trong thời hạn
theo quy định của pháp luật. Sau khi nhận khiếu nại, đơn vị chịu trách nhiệm sẽ
tiến hành kiểm tra làm rõ và trả lời. Riêng với các trường hợp phản ánh nêu
trên, các bộ phận thuộc CSGT TP Biên Hòa đã tiến hành kiểm tra bước đầu và xác
định việc định vị, xác định lỗi là chính xác. Qua camera ghi hình và phân tích
lỗi ngay tại thời điểm đó cho thấy các xe vi phạm khá rõ ràng. Như vậy, việc lập
biên bản xử phạt là hoàn toàn có cơ sở chính xác. “Ngay lúc hệ thống camera xác
định lỗi, tổng đài lập tức báo cho tổ CSGT đang làm nhiệm vụ bên ngoài để xử
lý, đồng thời hệ thống cũng tự lưu lại toàn bộ chi tiết nên hoàn toàn bảo đảm
tính khách quan” - thiếu tá Thủy nói.
Trả lời câu hỏi hệ thống này được sản xuất từ đâu, làm sao để
xác định là “chuẩn” để người dân khỏi thắc mắc, có khi nào nó bị lỗi dẫn đến
thiếu chính xác và nếu vậy thì “đo” ở đâu, thiếu tá Thủy cho biết sẽ có những
đơn vị chịu trách nhiệm, tương tự như ở các cục đo lường hoặc đăng kiểm. “Chúng
tôi đã kiểm tra và thời gian qua cho thấy hệ thống này vận hành tốt, không có
trục trặc gì cả. Đây là hệ thống camera chất lượng, hiện đại, hàng đắt tiền thì
phải chính xác”- thiếu tá Thủy quả quyết.
Theo thượng tá Trần Tiến Đạt, Chánh Văn phòng Công an tỉnh Đồng
Nai, lắp đặt hệ thống camera kiểm soát giao thông là chủ trương của công an tỉnh
và được chuẩn bị kỹ lưỡng, dù mới đưa vào hoạt động nhưng tin rằng sẽ không có
những sai sót quá lớn.
Luật sư Hoàng Như Vĩnh, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng
Nai, cho rằng với những trường hợp trên, nếu người bị xử phạt chứng minh được bản
chất sự việc có thể không chính xác, không hợp lý (chẳng hạn như có kết quả
chính xác từ hộp đen - một loại thiết bị đã được xác định chuẩn) thì có quyền
khiếu nại. “Vì vậy, nhất thiết phải có sự kiểm tra, xác định rõ để đem đến kết
quả “chuẩn” nhất. Đặc biệt là khi các kết quả tham khảo cho thấy có sự chênh lệch
quá lớn và đang trong giai đoạn thử nghiệm. Trường hợp một bên chưa thỏa mãn,
có thể phải nhờ đến tòa án phân xử” - luật sư Vĩnh nói.
Vi phạm giao thông giảm 50% Thiếu tá Trần Trọng Thủy cho biết sau gần 1 tháng đưa vào
sử dụng hệ thống camera kiểm soát giao thông tự động, thống kê bước đầu cho
thấy tình trạng vi phạm giao thông đã giảm gần 50% (từ khoảng 400 xuống còn
200 trường hợp trong 1 tháng), ý thức người tham gia giao thông tốt hơn.
Riêng với việc phạt “nguội”, do mới hoạt động trong thời gian ngắn nên chưa
có kết quả cụ thể. |
Bài và ảnh: Xuân Hoàng
Theo Người Lao động
2,039
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN