
Luật bảo vệ môi trường quy định
17 hành vi bị nghiêm cấm. Ảnh minh họa
Luật bảo vệ môi trường
trình TVQH sáng 20/2, đa số các ý kiến đồng tình với chủ trương cần ban hành
luật này. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị những nội dung quy định trong Luật
phải phù hợp với Hiến pháp vừa được thông qua.
Đề cập đến phạm vi lãnh
thổ, theo Chủ nhiệm Ủy ban giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc
hội, GS Đào Trọng Thi đề nghị cần phải nhấn mạnh bao gồm cả vùng đất, vùng biển
và vùng trời.
Chủ nhiệm UBTCNS Phùng
Quốc Hiển lưu ý với quy định cho phép nhập phế liệu, vì ông cho rằng “nguyên
liệu đã bỏ đi rồi thì nhập về làm gì”. Ông Hiển đề nghị phải cân nhắc quy định
này, nếu không Việt Nam sẽ trở thành bãi phế liệu.
Chủ tịch Hội đồng dân tộc
Ksor Phước đề nghị luật phải quy định một điều về bảo vệ môi trường rừng. Bởi
lý do: “Mất rừng con người bị suy giảm khả năng kháng thể, mất không gian văn
hóa của người dân bản địa”.
Dự thảo Luật bảo vệ môi
trường trình TVQH đưa ra 17 hành vi bị nghiêm cấm. Trong đó luật quy định cấm
phá hoại, khai thác trái phép rừng, các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác; cấm
khai thác, đánh bắt các nguồn tài nguyên sinh vật bằng phương tiện, công cụ,
phương pháp hủy diệt, không đúng thời vụ và sản lượng theo quy định của pháp
luật.
Dự thảo Luật đang được
Quốc hội cho ý kiến cũng cấm khai thác, kinh doanh, tiêu thụ, sử dụng các loài
thực vật, động vật hoang dã quý hiếm thuộc danh mục cấm do cơ quan nhà nước có
thẩm quyền quy định. Lệnh cấm cũng áp dụng đối với việc chôn lấp chất độc, chất
phóng xạ, chất thải và chất nguy hại khác không đúng nơi quy định và quy trình
kỹ thuật về bảo vệ môi trường.
Nhóm vấn đề khác cũng rất
đáng quan tâm khi Luật bảo vệ môi trường cũng nghiêm cấm thải chất thải chưa
được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; các chất độc, chất phóng xạ và
chất nguy hại khác vào đất, nguồn nước và không khí; cấm thải khói, bụi, khí có
chất hoặc mùi độc hại vào không khí; phát tán bức xạ, phóng xạ, các chất ion
hóa vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường cho phép.
Quy định này cũng áp dụng
đối với các trường hợp nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện, nguyên liệu,
nhiên liệu, hóa chất, hàng hóa không đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường; cấm nhập
khẩu, quá cảnh chất thải từ nước ngoài dưới mọi hình thức; cấm nhập khẩu, quá
cảnh động vật, thực vật chưa qua kiểm dịch; vi sinh vật ngoài danh mục cho phép…
Đối với các chủ dự án,
trước khi đưa dự án vào vận hành chính thức phải có trách nhiệm thực hiện các
biện pháp bảo vệ môi trường trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và giai đoạn thi
công xây dựng dự án; quan trắc môi trường theo yêu cầu của quyết định phê duyệt
báo cáo đánh giá tác động môi trường…
Chủ dự án cũng phải thiết
kế, xây lắp các công trình bảo vệ môi trường; vận hành thử nghiệm các công
trình xử lý chất thải của dự án; nghiệm thu các công trình bảo vệ môi trường
theo quy định của pháp luật; lập, phê duyệt và thực hiện kế hoạch thu dọn vệ
sinh vùng lòng hồ trước khi tích nước trong trường hợp dự án có xây dựng hồ
chứa thủy lợi hoặc hồ chứa thủy điện…
Nguyễn Dũng
Theo infonet.vn
7,745
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN