
Trao đổi với phóng viên
Báo Đầu tư, nhiều doanh nghiệp (DN) ô tô cho biết, hướng dẫn mới này của hải
quan rất rõ ràng và rành mạch, giúp DN dễ thực hiện hơn. Hơn nữa, hướng dẫn này
cũng khiến giấy tờ phải xuất trình giảm đáng kể.
Công văn 1193/TCHQ-GSQL
vừa được Tổng cục Hải quan ban hành cách đây ít ngày đã nêu rõ, thời gian qua,
Tổng cục Hải quan nhận được một số phản ánh về vướng mắc liên quan đến thủ tục
nhập khẩu xe ô tô. Cụ thể, một số cục hải quan địa phương không chấp nhận
Purchase Order (PO) như một chứng từ tương đương hợp đồng, khi DN đăng ký làm
thủ tục hải quan; hoặc yêu cầu DN phải nộp hợp đồng (mà DN đã ký với hãng xe ở
nước ngoài) cho từng chiếc xe nhập khẩu.
Để giải quyết câu chuyện
này, Tổng cục Hải quan đã đưa ra hướng dẫn cụ thể. Theo đó, căn cứ điểm c,
khoản 2, Điều 7, Nghị định số 154/2005/NĐ-CP
ngày 15/12/2005 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan
về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, thì hồ sơ hải quan gồm có:
“Hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương hợp đồng
(bản sao); hóa đơn thương mại (bản chính); vận tải đơn (bản copy chính)”.
Căn cứ khoản 1, Điều 2,
Thông tư số 205/2010/TT-BTC
ngày 15/12/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 40/2007/NĐ-CP
ngày 16/3/2007 của Chính phủ quy định về việc xác định trị giá hải quan đối với
hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thì: “Hợp đồng mua bán hàng hóa là thỏa thuận mua
bán hàng hóa được xác lập bằng văn bản hoặc các hình thức có giá trị tương
đương văn bản, bao gồm: điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu”.
Do vậy, trường hợp DN nộp
PO cho cơ quan hải quan thể hiện được các điều khoản của một bản hợp đồng mua
bán hàng hóa (tên của bên bán, bên mua; tên hàng; số lượng; đơn giá; thời gian,
điều kiện giao hàng được quy định theo Incoterms; điều kiện thanh toán…) đủ làm
cơ sở cho cơ quan hải quan xác định được chính sách quản lý hàng hóa xuất nhập
khẩu, chính sách thuế của hàng hóa thì cơ quan hải quan chấp nhận như một chứng
từ tương đương hợp đồng để làm thủ tục hải quan.
Tổng cục Hải quan cũng
yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị hải quan trực thuộc
hướng dẫn người khai hải quan nộp/xuất trình cho cơ quan hải quan chứng từ trong
bộ hồ sơ hải quan nhập khẩu xe ô tô theo quy định tại khoản 2, Điều 7, Nghị
định số 154/2005/NĐ-CP
ngày 15/12/2005 của Chính phủ; Điều 12, Thông tư số 128/2013/TT-BTC
ngày 10/9/2013 của Bộ Tài chính; Điều 8, Thông tư số 196/2012/TT-BTC
ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính; Thông tư số 20/2011/TT-BCT
ngày 12/5/2011 của Bộ Công thương và các văn bản pháp luật hiện hành.
Với trường hợp DN đã nộp
giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng
sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất,
kinh doanh loại ô tô đó đã được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước
ngoài hợp pháp hóa lãnh sự (theo quy định tại Thông tư số 20/2011/TT-BCT
ngày 12/5/2011 của Bộ Công thương) (gọi tắt là hợp đồng đại lý) cho lô hàng xe
ô tô nhập khẩu tại Chi cục Hải quan cửa khẩu, thì khi DN làm thủ tục nhập khẩu
lô hàng tiếp theo tại cùng Chi cục Hải quan cửa khẩu, cơ quan hải quan hướng
dẫn DN nộp/xuất trình PO trong bộ hồ sơ hải quan để làm thủ tục nhập khẩu hàng
hóa, không yêu cầu DN phải nộp hợp đồng đại lý nêu trên.
Trong số các nơi nhận văn
bản này, ngoài Cục Hải quan các địa phương, còn có cả Phòng Thương mại châu Âu
tại Việt Nam (EuroCham). Điều này không khỏi khiến người ta liên tưởng đến câu
chuyện cải cách hành chính về thủ tục giấy tờ với ngành công nghiệp ô tô Việt
Nam mà EuroCham đã nhắc tới trong Sách Trắng 2014 được công bố vào tháng
11/2013.
Khi đó, EuroCham cho
rằng, việc các thủ tục hành chính nhiều một cách không cần thiết đang không chỉ
gây lãng phí thời gian, tạo áp lực cho các bộ và cơ quan hải quan, mà còn tốn
kém giấy mực. Theo tính toán dựa trên con số 25.000 ô tô nguyên chiếc nhập khẩu
năm 2012, thì dù có được co lại cỡ chữ và in hai mặt, thì mỗi năm, cơ quan hải
quan và nhà nhập khẩu vẫn phải in ấn, sao chép và lưu trữ tới 1,5 triệu tờ
giấy.
Khi đó, EuroCham đã kiến
nghị, ngành hải quan nên cho phép các nhà nhập khẩu đăng ký trong thời hạn một
vài năm, cùng thời hạn và sử dụng cùng loại giấy tờ với cơ quan đăng kiểm. Một
phương án khác là, nên xác nhận mỗi năm một lần và có thể áp dụng số tham chiếu
của nhà nhập khẩu để bãi bỏ yêu cầu DN phải nộp một bản sao hợp đồng để thông
quan cho từng chiếc xe. Bởi nếu yêu cầu quá nhiều các thủ tục, thì những chi
phí phát sinh không cần thiết sẽ làm tăng giá bán lẻ ô tô cho người tiêu dùng
Việt Nam.
Hoàng Nam
Theo
baodautu.vn
4,067
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN