Gần 300 văn bản liên quan
Từ năm 2004 đến
2009, khi Hà Nội cũng như các địa phương đang thực hiện trên 20 Nghị định của
Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật đất đai thì lại ra đời Nghị định 69 ngày
13/8/2009 ra đời “quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất,
bồi thường, hỗ trợ và tái định cư”. Nghị định 69/2009 được đánh giá là cởi mở,
có nhiều điểm mới tháo gỡ vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.

|
Lạc
giữa rừng văn bản liên quan đến GPMB |
Chỉ hơn 1 tháng sau
khi nghị định 69/2009 được ban hành, Hà Nội là địa phương đi đầu “Quy định về bồi
thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố”
bằng quyết định 108/2009/QĐ-UBND ngày 29/9/2009 thay thế quyết định số 18/2008
QĐ-UBND được ký cách đó đúng một năm (ngày 29/9/2008).
Tưởng như vậy đã ổn,
nhưng sau hơn hai năm triển khai, bước đầu phát huy hiệu quả, Thành phố lại có
quyết định 02/2013/QĐ-UBND ngày 07/1/2013 sửa đổi, bổ sung quyết định 108/2009.
Sáu tháng sau, ngày
18/7/2013 thành phố lại ký quyết định 27/2013/QĐ- UBND, sửa đổi, bổ sung một số
điều của quyết định 02/2013.
Do sự thay đổi liên
tục các văn bản, chỉ riêng việc tìm hiểu, rà soát, họp bàn, triển khai cũng đã
khiến các cơ quan thực thi “chóng mặt”. Ông Nguyễn Đình Huệ, Giám đốc Văn phòng
đăng ký nhà đất quận Hà Đông cho biết: trong thời gian ngắn, không dễ gì có thể
hiểu cặn kẽ từng quy định: “Chính sách thay đổi để đáp ứng kịp thời quá trình
thực hiện công việc ra rất nhiều, có những thuận lợi và cả khó khăn. Thứ nhất,
các văn bản của Trung ương hiện nay chúng tôi thực hiện rất nhiều văn bản. Đối
với Hà Nội đặc thù như Hà Đông, chúng tôi đang thực hiện nhiều chính sách của
Hà Tây trước đây. Do đó rất nhiều văn bản từ Trung ương đến địa phương. Để người
làm xem đã vất vả, đó là chưa nói đến người dân, họ lại càng thấy khó
khăn hơn”.
Theo Bộ Tài nguyên
và Môi trường, kể từ khi Luật Đất đai năm 2003 ra đời, Quốc hội đã thông qua 24
luật; Chính phủ ban hành 22 nghị định; các bộ, ngành có tới 230 thông tư hướng
dẫn. Ủy ban Nhân dân thành phố cũng đã ký 23 văn bản quy phạm pháp luật liên
quan trực tiếp đến quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng. Cùng với đó là hơn 800
văn bản đề xuất, hướng dẫn do Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng Hà Nội “sản xuất”
năm 2012 để hướng dẫn các quận, huyện thực hiện đối với từng dự án cụ thể, khiến
Hà Nội như “lạc” vào rừng văn bản pháp luật liên quan đến đất đai.
Nhiều văn bản, lắm chồng chéo
Thay đổi văn bản
trong thời gian ngắn khiến các cơ quan thực thi “trở tay không kịp” bởi sự chồng
chéo, nhất là đền bù đất ở và đất nông nghiệp.
Rối rắm đầu tiên
trong các văn bản của UBND thành phố Hà Nội là quy định “cơ quan được giao xác
định giá đất ở làm căn cứ tính bồi thường, hỗ trợ và tái định cư”. Nếu tại quyết
định 108/2009, “khi mức giá chưa sát với giá chuyển nhượng đất thực tế trên thị
trường, UBND cấp huyện đề xuất, báo cáo Sở Tài chính chủ trì thẩm tra, trình
UBND Thành phố xem xét quyết định”, đến quyết định 02/2013, việc này lại do
“UBND cấp huyện giao Chủ đầu tư thuê tổ chức tư vấn để xác định lại giá đất ở”.
Thế là toàn bộ hồ
sơ, sổ sách, giấy tờ đang làm dở được chuyển từ UBND cấp huyện sang Chủ đầu tư
dự án. Đùng một cái, thành phố lại ban hành quyết định 27/2013, trả lại chức
năng “xác định giá đất ở” cho UBND cấp huyện như quy định lúc đầu trong quyết định
108/2009.
Chồng chéo trong nội
dung các văn bản khiến người trong cuộc như “lạc” vào ma trận, bởi ranh giới
đúng - sai rất mong manh. Chẳng hạn, việc xác định “diện tích đất nông nghiệp
trong địa giới hành chính phường được hỗ trợ” theo quyết định 108/2009 đã khiến
không ít cơ sở lúng túng, bởi mỗi nơi có cách hiểu khác nhau. Ví dụ một cá nhân
có ba mảnh đất nông nghiệp bị thu hồi ở ba dự án khác nhau, phần diện
tích được hỗ trợ là 1 hay cả 3 dự án?. Hiện chưa có quy định cụ thể, Ban Giải
phóng mặt bằng quận, huyện xin ý kiến của các sở ngành; Sở, ngành thấy “vướng”
lại có công văn xin hướng dẫn của Thành phố hoặc của Bộ. Và thế là giải phóng mặt
bằng ở địa phương lại kéo dài vì mất thời gian chờ đợi trả lời. Riêng việc giải
quyết vướng mắc về chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề khi thu hồi đất nông nghiệp,
quận Hà Đông đã có 03 văn bản xin ý kiến thành phố, nhưng gần một năm chưa được
hướng dẫn, trả lời.

|
Ông Nguyễn Thế Thảo kiểm tra tiến độ GPMB
và thi công CTGT Hà Nội tháng 8/2013 |
Trong các phương án
bồi thường, người ký quyết định phải viện dẫn gần 20 văn bản làm căn cứ pháp
lý. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Nguyễn Thế Thảo thừa nhận chậm giải phóng mặt
bằng có nguyên nhân từ thay đổi chính sách. Ông Nguyễn Thế Thảo nói: “Cơ chế
chính sách của chúng ta trong bồi thường giải phóng mặt bằng thường xuyên thay
đổi. Bởi vì để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước ta, thông qua bồi thường
giải phóng mặt bằng làm sao tạo điều kiện cho nhân dân khi phải di chuyển, phải
có điều kiện sống tối thiểu như cũ hoặc tốt hơn. Thế nên cơ chế chính sách của
chúng ta thường xuyên thay đổi. Khi ra đời một văn bản, thủ tục, quy định trình
tự phải làm lại từ đầu, cho nên việc thực hiện cũng lại giãn ra”.
“Điểm tắc” nữa có thể
xảy ra khiến tiến độ giải phóng mặt bằng chậm là cơ chế giải quyết khiếu nại,
tranh chấp thông qua tòa án. Cơ chế này đã góp phần đem lại sự công khai, minh
bạch, bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp cho các bên, song cũng không kém phần
phức tạp nếu tòa cứ “đủng đỉnh” theo thủ tục tố tụng. Với quy trình đó, việc giải
quyết một vụ kiện có thể kéo dài một năm, hai năm hoặc lâu hơn nữa.
Thực tế những năm
qua ở Hà Nội, hàng loạt văn bản liên quan đến giải phóng mặt bằng mới áp dụng
vào thực tế thời gian ngắn, thậm chí chưa kịp triển khai, cán bộ địa chính chưa
kịp hiểu kỹ, địa phương vừa phân loại, kiểm đếm, lên phương án bồi thường…đã có
quy định khác sửa đổi bổ sung, thay thế. Đó là chưa nói đến chất lượng văn bản
với những quy định ít khả thi, gây cản trở tiến độ các dự án của thành phố./.
Ngọc Năm
Theo VOV
3,672
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN