
|
Biểu đồ tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ được
đánh giá Tốt, Khá và Trung bình theo mức độ ứng dụng CNTT tổng thể |
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, từ năm 2008, Bộ đã
triển khai đánh giá thường niên đối với Trang/Cổng thông tin điện tử
(Website/Portal) của cơ quan Nhà nước. Đến năm 2010, công tác đánh giá được mở
rộng đối với cả việc triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ
quan Nhà nước.
Năm 2012, công tác khảo sát, đánh giá mức độ ứng dụng CNTT của
cơ quan Nhà nước được thực hiện với 22 bộ, cơ quan ngang bộ, 8 cơ quan thuộc
Chính phủ và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Mức độ triển khai ứng dụng CNTT của các cơ quan Nhà nước được
đánh giá trên 5 nhóm tiêu chí là: 1- Hạ tầng kỹ thuật CNTT; 2- Triển khai ứng dụng
CNTT; 3- Công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; 4- Cơ chế chính sách và
quy định thúc đẩy ứng dụng CNTT; 5- Nhân lực đầu tư cho ứng dụng CNTT.
Trong đó, triển khai Ứng dụng CNTT được đánh giá theo 2
nhóm thành phần là: Ứng dụng CNTT trong hoạt động nội bộ của cơ quan Nhà nước
và Ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp (cung cấp thông tin và dịch
vụ công trực tuyến trên Website/Portal của cơ quan Nhà nước).
Bộ Thông tin và Truyền thông, Đà Nẵng là 2 đơn vị dẫn đầu
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trong năm 2012, về mức độ
ứng dụng CNTT tổng thể, tỷ lệ các cơ quan đạt mức Tốt, Khá tăng; mức độ ứng dụng
CNTT phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và phục vụ người dân và doanh nghiệp của
các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương có tiến bộ so với năm 2011. Tuy nhiên, vẫn còn sự chênh lệch lớn
giữa các đơn vị đứng đầu và các đơn vị phía dưới.
Xếp hạng mức độ Ứng dụng CNTT tổng thể của các bộ, cơ quan
nganh bộ, Bộ Thông tin và Truyền thông dẫn đầu với 444,09/577 điểm; Bộ Công
Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lần lượt xếp thứ 2 và 3 với trên 411/577 điểm.
Xếp hạng mức độ Ứng dụng CNTT tổng thể của các tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương, TP. Đà Nẵng dẫn đầu với 575,82/706 điểm; Thủ đô Hà Nội
xếp thứ 2 với 540,75/706 điểm; Thanh Hóa xếp thứ 3 và TP. Hồ Chí Minh xếp thứ
4.
100% bộ, ngành, địa phương có Website/Portal
Về cung cấp thông tin trên Website/Portal, trong năm 2012 mỗi
bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã cung cấp
hàng nghìn tin bài lên Website/Portal và các tin bài cũng được cập nhật hằng
ngày, nhiều cơ quan tin bài được cập nhật nhiều lần trong ngày.
Tỷ lệ Website/Portal của các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương đạt mức Khá và Tốt tăng nhiều so với năm 2011: số lượng
Website/Portal đạt mức Khá tăng 10,3% và mức Tốt tăng 8,2%.
Đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, số lượng Website/Portal đạt
mức Khá tăng 2,8% nhưng số lượng đạt mức Tốt lại giảm 5,2%.
Đặc biệt trong năm 2012, Bộ Quốc phòng đã chính thức đưa Cổng
thông tin điện tử của Bộ vào hoạt động. Với sự kiện này, mục tiêu 100% các
bộ, cơ quan ngang bộ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Trang/Cổng
thông tin điện tử đã hoàn thành.
Website Bộ Thông tin và Truyền thông đạt xếp hạng tốt, đứng
đầu trong tiêu chí thành phần về website/portal (cung cấp thông tin chức năng hỗ
trợ người sử dụng và công tác quản lý) của các bộ, cơ quan ngang bộ. Đây là năm
thứ hai liên tiếp Website Bộ Thông tin và Truyền thông đứng đầu trong tiêu chí
này.
Về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Bộ Ngoại giao đứng đầu
bảng xếp hạng các bộ, cơ quan ngang bộ; An Giang đứng đầu xếp hạng các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương.
Bên cạnh đó, các cơ quan tiêu biểu có số lượng hồ sơ tiếp nhận
và giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến lớn là: Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao,
Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thanh Hóa.
Thanh Hoài
2,752
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN