 |
Ảnh minh họa |
6 năm kể từ khi Nghị định về thương mại điện tử số 57/2006/NĐ-CP được
ban hành, văn bản pháp lý này bị đánh giá là đã quá “lạc hậu, lỗi thời”
so với thực tế phát triển thương mại điện tử Việt Nam.
Do đặc thù của hoạt động mua bán trên
Internet là người mua và người bán không gặp mặt trực tiếp mà giao dịch
trên không gian ảo, nên một số quy tắc trong giao dịch truyền thống
không còn phù hợp hoặc thiếu quy định điều chỉnh. Bên cạnh đó hoạt động
kinh doanh qua mạng của các doanh nghiệp hiện nay đang phát triển khá tự
phát và chưa có sự giám sát chặt của cơ quan quản lý nhà nước, từ đó
phát sinh nhiều vấn đề như quảng cáo sai sự thật, lừa đảo, cạnh tranh
không lành mạnh, trốn thuế... gây thiệt hại cho người tiêu dùng, ảnh
hưởng tới sự phát triển kinh tế của đất nước.
Nhằm giải quyết một cách toàn diện những
vấn đề nêu trên, Bộ Công Thương đề xuất xây dựng nghị định về thương
mại điện tử mới thay thế Nghị định 57.
Phạm vi điều chỉnh của nghị định thương
mại điện tử mới dự kiến gồm các hoạt động thương mại trên lãnh thổ Việt
Nam có sử dụng phương tiện điện tử trong một khâu hoặc toàn bộ quy trình
giao dịch. Đối tượng áp dụng là các thương nhân, tổ chức, cá nhân tham
gia hoạt động thương mại điện tử trên lãnh thổ Việt Nam, bao gồm: thương
nhân, tổ chức, cá nhân Việt Nam; cá nhân nước ngoài cư trú tại Việt
Nam; thương nhân, tổ chức nước ngoài có sự hiện diện tại Việt Nam thông
qua hoạt động đầu tư, lập chi nhánh, văn phòng đại diện, hoặc thiết lập
website dưới tên miền của Việt Nam.
Nghị định thương mại điện tử sửa đổi lần
này, tập trung sửa đổi chương III về hoạt động thương mại điện tử là
chương quan trọng nhất và chiếm khối lượng lớn nhất trong toàn bộ nội
dung của nghị định.
Cụ thể về hoạt động của từng loại hình
website thương mại điện tử, bao gồm hai nhóm chính là website thương mại
điện tử bán hàng và website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, trong
đó website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử lại chia thành ba loại:
sàn giao dịch thương mại điện tử, website đấu giá trực tuyến và website
khuyến mại trực tuyến.
Quy định về hoạt động của website thương
mại điện tử bán hàng chủ yếu tập trung vào nghĩa vụ của chủ website
trong việc cung cấp thông tin, từ thông tin về thương nhân cho đến thông
tin về hàng hóa, dịch vụ, giá cả, vận chuyển, thanh toán, và các điều
kiện giao dịch chung. Những quy định này nhằm đảm bảo sự minh bạch thông
tin và bảo vệ lợi ích cho người tiêu dùng khi tham gia giao dịch trên
website thương mại điện tử.
Nếu các website thương mại điện tử bán
hàng giống như các cửa hàng đơn lẻ với một người bán và nhiều người mua,
thì các website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử lại giống như trung
tâm thương mại hoặc chợ điện tử, trên đó tập hợp nhiều người bán và
nhiều người mua. Chủ sở hữu những website dạng này không trực tiếp bán
hàng hóa và dịch vụ đầu cuối đến người tiêu dùng, mà chỉ đóng vai trò
cung cấp môi trường để người mua và người bán gặp gỡ, kết nối nhu cầu và
tiến hành giao dịch.
Mối quan hệ nhiều chiều giữa người mua,
người bán và chủ website khiến sự phân định quyền và trách nhiệm trong
mỗi giao dịch trên website trở nên phức tạp. Để giải quyết vấn đề đó,
chương III nghị định đã quy định cụ thể trách nhiệm của các thương nhân,
tổ chức chủ website và các thương nhân, tổ chức, cá nhân bán hàng hóa,
dịch vụ trên những website dạng này.
Chương III cũng quy định một số nội dung
mang tính đặc thù với mỗi lại hình website khác nhau, như quy chế hoạt
động của giao dịch thương mại điện tử, hợp đồng dịch vụ khuyến mại và
thông tin về hàng hóa dịch vụ được khuyến mại trên website khuyến mại
trực tuyến, hay các yếu tố mang tính kỹ thuật của một quy trình đấu giá
tiến hành trên website đấu giá trực tuyến.
Vấn đề tối quan trọng đối với thương mại
điện tử là sự an toàn an ninh, được quy định tại chương 5 của nghị
định. Cụ thể, chương 5 quy định hai nội dung lớn là bảo vệ thông tin cá
nhân và an toàn thanh toán trong thương mại điện tử.
Theo đó, quy định rõ các nguyên tắc cũng
như cách thức thực hiện các nguyên tắc về bảo vệ thông tin cá nhân, từ
việc thông báo và xin phép người tiêu dùng khi thu thập, sử dụng thông
tin, cho đến nguyên tắc sử dụng, đảm bảo an toàn, kiểm tra, cập nhật và
điều chỉnh cho thông tin cá nhân, cũng như trách nhiệm của các bên trong
việc thực hiện những quy định này.
Đồng thời, quy định các yêu cầu kỹ thuật
đối với một hệ thống thanh toán trực tuyến trên website thương mại điện
tử nhằm giảm thiểu rủi ro, đảm bảo an toàn cho thông tin thanh toán của
khách hàng.
Mai Hoa
3,466
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN