 |
Nhà nước luôn khuyến khích người chăn nuôi heo với
quy trình sạch bệnh nhưng chưa bảo vệ được họ sau các vụ chất tạo nạc bị
phát hiện. Trong ảnh: nhân viên trại heo Suốc Cao (thuộc Công ty cổ
phần Nông súc sản Đồng Nai) chăm sóc đàn heo ở trại với quy mô 7.000 con
- Ảnh: Sơn Định |
Đó là ý kiến của các đại biểu tại hội nghị “Nói không
với chất kích thích tạo nạc beta-agonist trong thức ăn chăn nuôi” do
Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi VN (VFA) và Viện Khoa học kỹ thuật nông
nghiệp miền Nam (IAS) tổ chức sáng 13-4 tại TP.HCM.
Mua 1, bán 10
Tạm giữ gần 100kg chất tạo nạc Ngày
13-4, Đội quản lý thị trường số 11 (thuộc Chi cục Quản lý thị trường
tỉnh Đồng Nai) đã gửi mẫu chất tạo nạc vừa phát hiện của cơ sở kinh
doanh thuốc thú y Hòa Hiệp (ấp Dốc Mơ 1, xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất)
đến cơ quan chuyên môn kiểm nghiệm xem có chất cấm hay không. Trước
đó, khoảng 11g ngày 12-4, Đội quản lý thị trường số 11 phối hợp với
Phòng nông nghiệp huyện Thống Nhất kiểm tra đột xuất điểm bán thuốc thú y
Hòa Hiệp. Trong quá trình kiểm tra, phát hiện tại cơ sở này có chín bao
(loại 10kg/bao) chất tạo nạc với tên gọi BecomlexC-B12 và năm bịch
(1kg/bịch) loại BecomlexC. Hiện gần 1 tạ chất tạo nạc trên đã được niêm
phong chờ kết quả kiểm nghiệm. Bước
đầu, chủ cơ sở này cho biết số hàng trên được nhập về từ một công ty
tại phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa vào đầu năm 2012. NGÔ THIÊN PHÚC |
Ông
Phạm Đức Bình, phó chủ tịch VFA, cho biết trước năm 2000 các chất kích
thích tạo nạc (beta-agonist) được một số công ty sản xuất thức ăn chăn
nuôi đưa vào trong sản phẩm của họ như một bí quyết để thâm nhập và
chiếm lĩnh thị trường nội địa. Từ khi bị cấm vào năm 2002, những chất
cấm này vẫn cứ trà trộn trong ngành chăn nuôi, lúc âm ỉ khi bùng phát.
PGS Lã Văn Kính - phó viện trưởng IAS - cho rằng
nguyên nhân là việc quản lý của VN chưa hiệu quả, trong khi lợi nhuận
trong buôn bán chất cấm rất cao. “Người ta mua chất cấm một đồng nhưng
bán cho người chăn nuôi tới mười đồng. Bản thân người sử dụng chất cấm
cho heo cũng có lợi hơn người nuôi chân chính vì “heo thuốc” bán với giá
cao hơn từ 1.500-2.000 đồng/kg so với heo thường” - ông Kính giải
thích.
Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi, các chất cấm họ
beta-agonist lưu hành ở VN chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Để qua
mặt các cơ quan chức năng, người mua thường vận chuyển qua đường tiểu
ngạch hay pha trộn trong các loại thức ăn chăn nuôi bổ sung với nhiều
tên gọi khác nhau.
“Việc quản lý nhập khẩu các loại thức ăn chăn nuôi bổ
sung như premix, vitamin, khoáng, men tiêu hóa... không chặt chẽ trong
khi đây là nhóm hàng có nguy cơ chứa chất cấm nhiều nhất” - ông Kính cho
biết.
Đồng quan điểm này, ông Lê Bá Lịch - chủ tịch VFA - cho
rằng hiện nay các cơ quan quản lý quá dễ dãi trong việc cấp phép nhập
khẩu các loại premix và phụ gia sản xuất thức ăn chăn nuôi. “Cơ quan nhà
nước chỉ căn cứ vào mô tả của doanh nghiệp là đưa chất đó vào danh mục
được phép nhập khẩu, trong khi lẽ ra phải đem mẫu đến phân tích thì mới
đưa vào danh mục” - ông Lịch nói.
Đề nghị xử lý hình sự
Ông Lã Văn Kính cho rằng nếu không giải quyết triệt để
vấn đề chất cấm, không những sức khỏe người tiêu dùng VN bị đe dọa,
ngành chăn nuôi VN sẽ tiếp tục bị thiệt hại nặng mỗi khi thông tin về
chất cấm được xới lên, chứ chưa nói đến chuyện xuất khẩu thịt heo. Theo
ông Nguyễn Trí Công - chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, thiệt hại
lớn nhất trong việc sử dụng chất kích thích tạo nạc chính là người chăn
nuôi chân chính. Hiện mỗi con heo bán ra người nuôi bị mất từ 500.000-1
triệu đồng.
Ông Công cho biết nhiều người chăn nuôi ủng hộ làm “tới
nơi tới chốn”, giải quyết dứt điểm tình trạng sử dụng chất tạo nạc
trong chăn nuôi. “Nhưng hiện tôi vẫn chưa thấy cách giải quyết thật sự
hiệu quả của các cơ quan chức năng” - ông Công nói. Theo ông Phạm Đức
Bình, khó có thể diệt tận gốc việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nếu
chúng ta vẫn thiếu chế tài xử lý đủ mức răn đe.
“Đã là chất cấm thì công an bắt cứ tịch thu tiêu hủy,
phải răn đe mạnh mẽ bằng cách đưa ra xử lý hình sự, chứ chỉ xử phạt tối
đa đến 25 triệu đồng như vừa qua thì sao cấm nổi” - ông Bình nói. Ông
Phan Xuân Thảo, chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, đồng tình và cho
rằng chế tài đối với chất cấm trong chăn nuôi hiện chưa đủ sức răn đe,
nếu không mạnh tay sẽ còn biến tướng nhiều dạng khác.
Theo ông Thảo, chỉ đòi hỏi nhận thức người nuôi là chưa
đủ, cần phải giám sát quản lý chặt chẽ cả chuỗi thực phẩm. “Cần công bố
những nguồn cung cấp thực phẩm không an toàn, kiểm tra ngay trên thịt
sau giết mổ, nếu phát hiện sẽ tiêu hủy ngay chứ không chỉ kiểm tra trên
vật nuôi sống như hiện nay. Nếu cứ lừng khừng chậm trễ như thế này thì
nguy cơ chất cấm vẫn còn” - ông Thảo kết luận.
Cam kết nói không với chất cấm trong sản xuất thức ăn chăn nuôi Trong
khuôn khổ hội nghị, VFA đã phát động phong trào cam kết nói không với
chất tạo nạc beta-agonist trong sản xuất thức ăn chăn nuôi. Các hội viên
của VFA đã ký cam kết tuyệt đối không tàng trữ, buôn bán, lưu thông
chất cấm trong thức ăn chăn nuôi dưới bất cứ hình thức nào, ký hợp đồng
mua nguyên liệu, yêu cầu nhà cung cấp cam kết nguyên liệu không chứa
chất cấm... (ảnh).  | Ảnh: TRẦN MẠNH |
|
TRẦN MẠNH - VŨ THỦY
4,441
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN