Theo dự thảo thông tư của Bộ Giao thông Vận tải về
phương án thu phí bảo trì đường bộ, từ ngày 1/6, phí ôtô sẽ do cơ quan
đăng kiểm đảm trách, còn với xe máy sẽ do chính quyền cấp tỉnh, thành
phố quyết định tùy thuộc theo đặc điểm địa phương.
Dự thảo thông tư nêu rõ, chi phí tổ chức thu phí đối
với môtô không quá 5% tổng số thu. Số kinh phí được để lại này chi cho
công tác tổ chức thu, như: in ấn chỉ, chi tiền lương, tiền công, tiền
thưởng, vật tư văn phòng…
Theo một lãnh đạo Tổng cục Đường bộ, phương án tối ưu
nhất là giao cho chính quyền phường xã thu phí bảo trì vì tổ dân phố nắm
sát nhất các hộ gia đình có bao nhiêu xe máy. “Chính quyền cơ sở phải
có trách nhiệm tạo nguồn thu để có kinh phí cải tạo hạ tầng trên địa
bàn”, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ nói.
Tuy nhiên, trao đổi với VnExpress, hầu hết
lãnh đạo phường xã ở Hà Nội cho rằng giao cho cấp phường xã thu là không
khả thi. Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà
Trưng, giải thích nhân lực cấp phường có hạn, trong khi công việc hiện
nay rất nhiều, chắc chắn không đủ người để đi thu phí. Nếu giao cho tổ
trưởng dân phố thì không đúng chức năng và quyền hạn hiện có. Hiện lực
lượng này chỉ đảm nhận chi trả lương hưu, thu thuế đất, còn thu phí bảo
trì là lĩnh vực hoàn toàn khác.
Ông Hải cho rằng, nếu giao thêm quyền thu phí cho tổ
trưởng dân phố thì vẫn phải có cảnh sát khu vực đi kèm thì người dân mới
chấp hành nộp phí. Song vẫn có trường hợp hộ dân không nộp đủ phí của
số xe sở hữu, ví dụ một gia đình có 4 xe máy song người ta chỉ kê khai 2
và không hợp tác thì lực lượng của phường rất khó thuyết phục và khó
kiểm tra số xe thực tế của gia đình này.
 |
Ôtô, xe máy bắt đầu thu phí bảo trì từ ngày 1/6. Ảnh: Hoàng Hà. |
“Tình trạng thu sót là đương nhiên, tỷ lệ này sẽ rất
lớn và nảy sinh chuyện bất bình đẳng giữa các gia đình, có hộ đóng ít,
hộ đóng nhiều. Quan trọng nhất là phải tạo đồng thuận cho dân, người dân
phải tự giác đóng phí bảo trì theo số xe máy của gia đình”, ông Hải
nói.
Với nguồn kinh phí được trích lại, lãnh đạo phường
Thanh Nhàn cho biết, phường có 5.000 hộ, mỗi hộ tính trung bình 2 xe
máy, nếu được trích lại 1-2% nguồn thu thì số tiền được trích lại mỗi
năm khoảng 20-30 triệu đồng. Nếu chia cho 75 tổ dân phố thì thù lao cho
người đi thu rất ít ỏi.
“Thù lao phải tương xứng chứ ít quá thì lại lợi bất
cập hại. Nếu ép các phường thu phí này thì sẽ phản tác dụng và gây khó
khăn cho phường, trong khi lượng việc của chính quyền cơ sở rất nhiều”,
ông Hải bày tỏ.
Đồng quan điểm, ông Vũ Cao Minh, Phó bí
thư quận Thanh Xuân, nhận định công tác thu phí bảo trì đường bộ qua các
phường sẽ gặp khó khăn, bởi chức năng của phường hiện chưa có việc thu
phí bảo trì đường. Nếu bổ sung chức năng thì phường cũng không thể đủ
người đi thu mà phải huy động các tổ trưởng dân phố, cảnh sát khu vực.
“Phải trích lại phần thu được cho phường
một mức thích đáng, theo tôi ít nhất là 5% để trả công cho người đi thu
và tuyên truyền cho người dân. Nếu quá thấp thì người ta không có động
lực và nhiệt tình làm việc”, ông Minh nói.
Theo Bí thư quận Thanh Xuân, các tổ
trưởng dân phố sẽ rất ngại đi thu tiền vì thường gặp một số người dân có
nhận thức kém. Ngay cán bộ công ty môi trường đi thu phí vệ sinh của
từng hộ mà còn rất vất vả, nhiều hộ cố tình trây ỳ, trong khi loại phí
này gắn với hộ dân hơn là phí đường bộ.
“Cần có cơ chế đủ mạnh và việc tuyên
truyền, vận động người dân nghiêm túc nộp phí, nếu để cho dân tự đến
phường nộp thì rất khó. Nhà nước cũng có chế tài phạt, ví dụ trong khi
lưu hành, nếu cảnh sát không thấy giấy tờ nộp phí thì có thể phạt nặng”,
ông Minh bày tỏ.
Theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tải, dự tính mỗi
năm số tiền thu từ đầu ôtô trong cả nước đạt hơn 6.800 tỷ đồng; số tiền
thu được từ 50% số môtô, xe máy đã đăng ký sẽ đạt 2.400 tỷ đồng.
TT | Mức thu đối với xe máy | Mức thu (ngàn đồng/năm) |
1 | Dung tích xy lanh dưới 70 cm3 | 80-100 |
2 | Dung tích xy lanh 70 cm3 đến 100 cm3 | 100- 120 |
3 | Dung tích xy lanh trên 100 cm3 đến 175 cm3 | 120-150 |
4 | Dung tích xy lanh trên 175 cm3 | 150-180 |
Đoàn Loan
3,165
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN