Văn phòng Luật sư Đất Việt do Luật sư
Phạm Quốc Việt, ĐLS TP Hà Nội thành lập năm 2008, có địa chỉ tại phố
Hàng Quạt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Theo quy định của Luật Luật sư, kể từ
ngày tổ chức hành nghề này được khai sinh thì cái tên “Đất Việt” sẽ là
độc quyền của tổ chức này, các Sở Tư pháp trong cả nước không được phép
cấp tên này cho tổ chức hành nghề luật sư nào nữa.
Tuy nhiên, trong năm 2011, Luật sư Phạm
Quốc Việt phát hiện trên mang Internet xuất hiện nhiều Văn phòng Luật
sư Đất Việt “giả”, quảng cáo rầm rộ về việc cung cấp dịch vụ pháp lý, tư
vấn pháp luật, cử luật sư tham gia tố tụng. Trên trang web có địa chỉ
http://luatdatviet.vn, chủ nhân của trang web này quảng cáo một loạt
dịch vụ pháp lý, như: tư vấn pháp luật về hôn nhân và gia đình, đại diện
trong các vụ án kinh tế, tranh tụng tại tòa, từ vấn pháp luật về thừa
kế…
Trên một trang web rao vặt có địa chỉ
“raovat.vn”, một tổ chức khác có địa chỉ tại 68 Út Tịch, quận Tân Bình,
TP Hồ Chí Minh cũng quảng cáo là “Văn phòng Luật sư Đất Việt” và thám tử
tư có chức năng tư vấn pháp luật. Theo đoạn quảng cáo này thì chủ nhân
của nó có thể tư vấn các lĩnh vực pháp luật, từ dân sự, hôn nhân gia
đình để thành lập doanh nghiệp và thương mại.
Theo Luật sư Phạm Quốc Việt, chủ nhân
của trang web “luatdatviet.vn” là một doanh nghiệp TNHH được Sở Kế hoạch
và Đầu tư Hà Nội cấp đăng ký kinh doanh và không có chức năng, thẩm
quyền cung cấp dịch vụ pháp lý. Tuy rất bất bình với những quảng cáo mà
ông cho là bất hợp pháp này nhưng theo luật sư Việt, có thể những người
đưa thông tin quảng cáo “không hiểu” rằng chỉ có luật sư mới được tư vấn
pháp luật và cũng có thể họ không hiểu được rằng, pháp luật cấm sử dụng
tên tổ chức hành nghề sư khác để quảng cáo về dịch vụ của mình, nên mới
quảng cáo như vậy.
Vì thế, ông muốn khuyên bảo chủ nhân
của những đoạn quảng cáo này chấm dứt sử dụng tên văn phòng luật sư của
ông, cũng như chấm dứt quảng cáo dịch vụ mà họ không được làm. Tuy
nhiên, trái ngược với những thiện ý của Luật sư Phạm Quốc Việt, ông đã
nhận được sự thách đố “ông làm gì được tôi”?
Trường hợp như nêu trên không phải là
cá biệt. Trên Internet, nhan nhản các trang web quảng cáo về tư vấn pháp
luật. Nhưng, khi tìm hiểu về các tổ chức quảng cáo này thì họ không
phải là tổ chức hành nghề luật sư mà chỉ là các doanh nghiệp kinh doanh
dịch vụ, trong đó có “dịch vụ hành chính”.
Thực tế, do thủ tục hành chính còn
nhiều “rắc rối và phiền hà” nên một bộ phận người dân và doanh nghiệp
vẫn phải nhờ đến một lực lượng đông đảo những người làm dịch vụ hành
chính, như: đăng ký kinh doanh, đăng ký mã số thuế, mã vạch, khắc dấu...
Đây vốn dĩ là dịch vụ pháp lý mà nhiều tổ chức hành nghề luật sư trong
cả nước cung cấp. Tuy nhiên, do tính chất đơn giản nên không chỉ luật sư
mà những người thạo về thủ tục hành chính cũng có thể làm được. Song,
để tăng uy tín với “khách hàng”, họ thường gắn mác “tư vấn luật” hoặc
“văn phòng luật sư”.
Những thông tin quảng cáo như trên có
thể gây nhầm lẫn cho người dân và doanh nghiệp khi có nhu cầu về dịch vụ
pháp lý. Có thể, họ sẽ tìm đến các tổ chức không có chức năng tư vấn
pháp luật để mời… luật sư. Hậu quả là nhãn tiền là “tiền mất tật mang”.
Để tình trạng này không diễn ra thì các cơ quan quản lý cần xử lý nghiêm
những trường hợp mạo danh và quảng cáo không đúng đang lan tràn trên
Internet.
Để làm rõ hơn mức độ vi phạm của những đoạn quảng cáo trên, chúng
tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Minh Anh, Trưởng VPLS Trí Minh
về vấn đề này. Thưa Luật sư, một doanh nghiệp không có chức năng tư vấn
pháp luật mà quảng cáo rằng họ có chức năng tư vấn pháp luật thì vi
phạm pháp luật như thế nào? Trước hết, Luật Doanh nghiệp quy định kinh doanh dịch vụ pháp lý và
tư vấn pháp luật là nghề nghiệp phải có chứng chỉ hành nghề. Chứng chỉ
hành nghề ở đây chính là chứng chỉ hành nghề luật sư. Nói cách khác, để
thành lập các tổ chức kinh doanh dịch vụ pháp lý phải là luật sư. Cơ
quan cấp đăng ký hoạt động là Sở Tư pháp, khác với các lĩnh vực kinh
doanh khác là do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp. Do đó, một doanh nghiệp không phải là Cty TNHH luật, Cty luật hợp
danh hay văn phòng luật sư thì không có quyền kinh doanh dịch vụ pháp
lý. Nếu họ quảng cáo rằng, họ cung cấp dịch vụ pháp ký, tư vấn pháp luật
là quảng cáo không đúng về dịch vụ. Các hợp đồng mà họ thực hiện, nếu
có tranh chấp thì có thể bị tòa án tuyên bố là vô hiệu do yếu tố không
trung thực khi giao kết hợp đồng. Hiện nay, tại sao nhiều doanh nghiệp không phải là tổ
chức hành nghề luật sư vẫn có thể cung cấp các dịch vụ pháp lý như tư
vấn pháp luật chuyên ngành và đại diện làm thủ tục hành chính, thưa ông? Trong dịch vụ pháp lý thì tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng là
những lĩnh vực đặt thù mà chỉ có luật sư mới có thể thực hiện được.
Nhưng có một số dịch vụ trong lĩnh vực hành chính, như: đăng ký kinh
doanh, đăng ký mã số thuế, mã số, mã vạch thì các tổ chức hành nghề luật
sư cũng chỉ cử nhân viên thực hiện. Vì, đây là những việc đơn giản mà
những người có hiểu biết pháp luật cũng có thể làm được. Hơn nữa, khi
thực hiện, không nhất thiết phải là luật sư. Vì lý do này, nhiều doanh nghiệp không phải là tổ chức hành nghề
luật sư cũng đứng ra nhận làm dịch vụ hành chính này. Nhiều doanh nghiệp
còn được thành lập để tư vấn pháp luật chuyên ngành, như: tư vấn pháp
luật về sở hữu trí tuệ, pháp luật về thuế… Theo ông, việc quảng cáo không đúng của các doanh nghiệp trên có cần thiết phải xử lý không? Các doanh nghiệp làm dịch vụ hành chính thích đặt tên doanh nghiệp
có chữ “luật” và quảng cáo dịch vụ giống như quảng cáo dịch vụ pháp lý,
gây nhầm lẫn cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là các quảng cáo
trên Internet. Theo tôi, để đảm bảo trật tư trong kinh doanh và tránh các vi phạm
pháp luật và tranh chấp phát sinh thì cần phải xử lý nghiêm các quảng
cáo không đúng trên và hướng dẫn các tổ chức này quảng cáo đúng dịch vụ
của họ. Hiện nay, pháp luật có quy định về xử lý vi phạm hành chính
trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại và sử dụng Internet. Các quy định
này cần được cơ quan có thẩm quyền áp dụng để lập lại trật tự trong việc
quảng cáo trên Internet.
Xin cảm ơn ông! |
Bình Minh