Dùng miệng để hút xăng?
Sau khi Thanh Niên đăng tải loạt phóng sự điều tra về tình
trạng “rút ruột” và pha chế xăng dầu dỏm, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ
Công an đã làm việc và lấy lời khai của các tài xế, phụ xe ăn cắp được
nêu đích danh trên báo. Theo lời khai ban đầu của các đối tượng này, họ
chỉ ăn cắp mỗi chuyến từ 15 - 20 lít. Đặc biệt, có tài xế, phụ xe làm
việc từ năm 2005 đến nay, song họ cho rằng chỉ bắt đầu ăn cắp từ vài
tháng trở lại đây.
Theo tài xế, khi lấy xăng từ tổng kho, có một vài cần bơm cũ thường
bơm dư xăng so với những cần bơm khác nên các tài xế tranh nhau vào lấy
xăng tại cần bơm này. Sau đó, tài xế lợi dụng lượng xăng bơm dư để ăn
cắp từ 15 - 20 lít mà không cần pha gì vào xăng.
 Tài xế rút xăng dầu ngay bên dưới xe
|
Rất dễ nhận thấy sự vô lý trong lời khai này bởi lẽ cần bơm tại tổng
kho được điều chỉnh mặc định bằng hệ thống vi tính, cho nên lượng xăng
bơm dư - nếu có - không thể lên đến con số 15 - 20 lít/chuyến. Nếu
chuyến nào cũng bơm dư với lượng trên, thì chỉ cần 100 chuyến, tổng kho
đã lỗ hàng nghìn lít xăng, đây là một con số thất thoát lớn, khó chấp
nhận. Bên cạnh đó, nếu chỉ đơn thuần lợi dụng ăn cắp xăng bơm dư từ cần
bơm thì tài xế phải múc xăng từ cả 4 hầm trên xe, mỗi hầm một ít; trong
khi ở các đoạn phim mà Thanh Niên quay được, tài xế luôn chỉ ăn cắp xăng từ 2 trong số 4 hầm.
Lý giải hành động dùng vòi bơm một thứ chất lỏng vào hầm xăng trên xe mà Thanh Niên
ghi hình được, tài xế cho rằng đó là họ đang hút xăng dư chứ không phải
bơm. Khi được hỏi hút bằng cách nào, các đối tượng này cho rằng, phụ xe
ở trên nóc xe cầm vòi, còn tài xế ở bên dưới dùng miệng để hút cho xăng
chảy xuống. Lời khai này phi lý ở chỗ, vòi bơm này to cỡ cổ tay người
lớn, dài ít nhất 3 - 4 mét, như vậy, liệu có tài xế nào đủ sức hút xăng
từ dưới hầm chảy ngược lên vòi rồi chảy xuống phía dưới?
 Nhiều can 50 lít đầy xăng bị rút ruột từ xe 57K-8275
|
Thực tế, không hầm xăng nào được đổ đầy mà phải chừa khoảng trống bên
trên để phòng trường hợp xăng giãn nở do nhiệt. Nếu quan sát kỹ đoạn
video clip sẽ thấy phụ xe chỉ đưa ống vừa đủ vào miệng hầm chứa xăng chứ
không đưa sâu xuống để hút xăng như họ khai. Rất dễ thấy cảnh sau khi
bơm chất lỏng trong suốt vào bồn, lúc rút ống ra, lượng chất lỏng còn
sót trong ống vẫn tiếp tục chảy ra.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tất cả các xe “làm bùa” đều ăn cắp xăng
dầu bên dưới và bơm chất lỏng khác vào bên trên theo nguyên tắc “hút
đáy, xả đỉnh”. Các xe này đều ăn cắp từ 4 - 8 can hoặc thùng loại 50
lít, tùy vào thời tiết càng nóng thì ăn cắp số lượng càng nhiều.
Ăn cắp chỉ để thu hơn… 100.000 đồng/ngày
Cũng theo lời khai của tài xế, lượng xăng dầu ăn cắp được bán ngay
cho chủ bãi đáp với giá 16.000 đồng/lít dầu và 18.000 đồng/lít xăng, mỗi
chuyến tài xế và phụ xe được tổng cộng 300.000 - 360.000 đồng. Như vậy,
mỗi chuyến họ chỉ được hơn 150.000 - 180.000 đồng/người, chưa kể trong
trường hợp phải ăn chia với nhân viên kiểm hàng cây xăng để bỏ qua việc
niêm chì bị đứt, thì món lợi mang lại là quá nhỏ. Liệu tài xế, phụ xe có
liều lĩnh làm chuyện phi pháp chỉ để thu được bấy nhiêu hay không?
 Người của bãi pha chế trút xăng ăn cắp vào các thùng phuy - ảnh chụp từ video clip
|
Chưa kể, đã tính toán ăn cắp lâu dài, có tổ chức (có bãi đáp, có cả
dây chuyền tiêu thụ xăng dầu ăn cắp), dám thực hiện hành vi rất dễ bị
phát hiện là cắt niêm chì, không thể có chuyện tài xế chỉ tính toán ăn
cắp một tỷ lệ rất nhỏ là 15 - 20 lít/chuyến (chỉ chiếm khoảng 1 phần
nghìn so với xe bồn chở 16.000 lít). Bởi, mức lợi nhuận quá ít ỏi không
thể bù đắp cho cách thức tổ chức quy mô và chuyên nghiệp đến như vậy.
Với chủ các bãi đáp, họ cho rằng mỗi ngày thu mua được khoảng 300 lít
từ các xe bị “rút ruột”, sau đó bán cho đầu nậu với giá 20.000 đồng/lít
xăng, ăn chênh lệch 2.000 đồng/lít, tức khoản thu lợi bất chính chỉ
trên dưới 600.000 đồng. Điều này là rất vô lý, bởi khoản lợi này không
đủ chi phí để nuôi 4 - 6 nhân công chuyên làm công việc cảnh giới, đóng
mở cổng và trực tiếp tham gia vào quá trình “rút ruột”, chưa kể nhiều
chi phí khác.
Sự không trung thực của các tài xế, các chủ bãi đáp chắc chắn sẽ bị cơ quan điều tra vạch trần.
Đó là kiểu khai tượng trưng Những người phạm tội một khi không thể chối tội được thì
thường nhận tội nhẹ hơn so với mức mình gây ra. Do đó, cơ quan điều tra
không thể đưa ra kết luận chỉ dựa trên lời khai của riêng đối tượng phạm
tội mà còn phải thu thập các chứng cứ, nếu lời khai của bị can phù hợp
với các chứng cứ đó, lúc ấy lời khai mới có thể được xác nhận hành vi. Vụ việc này hoàn toàn có thể khởi tố vụ án hình sự và
truy tố những đối tượng này tội “trộm cắp tài sản” theo điều 138 bộ luật
Hình sự. Còn việc tài xế đã pha gì vào xăng dầu thì cần tiếp tục điều
tra, làm rõ sau, khi đã xác định được có thể truy tố hình sự về tội “sản
xuất, buôn bán hàng giả” (điều 156) với hành vi pha chế các chất phụ
gia làm ảnh hưởng và không đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn xăng dầu
quy định. LS Trần Công Ly Tao - Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM |
Phương Thanh - Trần Hơn
4,696
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN