Khắp Bệnh viện đa khoa Vân Đình những ngày này, ở
phòng bệnh nào người ta cũng bàn tán, tỏ ra căm phẫn trước những hành
động dã man tàn ác đối với bà Phạm Thị Phương - người giúp việc cho một
chủ nhà ở phường Kim Mã.
 |
Bà Phương rên rỉ nằm trên giường bệnh, không mặc được quần vì các vết thương rỉ nước, tróc da. Ảnh:Anh Thư.
|
Bác sĩ Đào Văn Luật, Phó khoa ngoại bệnh viện đa khoa
Vân Đình cho biết bà Phương nhập viện sáng 5/1 trong tình trạng tỉnh,
không sốt nhưng trông tiều tụy và ốm yếu.
“Kiểm tra bệnh nhân, chúng tôi thấy có nhiều vết xây
xước ở vùng mặt, vùng tai, vùng ngực bị bầm tím và có những vết xước tạo
thành đám có vẩy”, bác sĩ Luật nói.
Cũng theo ông Luật, toàn bộ từ vùng bụng, mông bệnh
nhân trở xuống bị bỏng lột da, một số chỗ bị nhiễm trùng, rỉ nước, vùng
sinh dục bị bỏng độ 1, hai chân bị phù thũng…
Cơ thể đầy vết thâm tím, các vết bỏng ở khắp vùng
lưng, bụng, vùng kín còn chưa liền sẹo, có chỗ vẫn rỉ nước khiến bệnh
nhân chưa thể mặc được quần áo ấm. Trong phòng bệnh được canh gác nghiêm
ngặt, bà Phương chỉ có thể thều thào kể về những ngày kinh hoàng vừa
qua. Bà cũng không đủ sức ăn cơm mà chỉ có thể uống sữa, húp cháo.
Các bác sĩ kết luận bà bị bỏng khoảng 18%. Bệnh nhân
đã được điều trị bằng cách bù nước điện giải, uống kháng sinh, thuốc
chống uốn ván và xử lý các vết thương rỉ nước.
“Do không được chữa trị kịp thời nên một số vết bỏng
bị nhiễm trùng. Chúng tôi lo ngại về vấn đề nhiễm trùng huyết, uốn ván
và di chứng về bỏng. Chính vì vậy mà chúng tôi đang nỗ lực và tích cực
điều trị, nếu diễn tiến bệnh trầm trọng hơn, khả năng sẽ phải chuyển lên
tuyến trên”, bác sĩ Luận cũng là người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân
Phương cho biết.
Cũng theo ông, những
thương tích trên người bệnh nhân có những điểm phù hợp với lời khai là
bị bắt ăn ớt cay, uống nước sôi hay xả nước nóng già vào vùng bụng trở
xuống…Thêm nữa việc hai chân bị phù cũng cho thấy dấu
hiệu suy dinh dưỡng, phù hợp với lời khai của bà Phương là thường xuyên
bị gia chủ bỏ đói.
Ông Phạm Quốc Kỳ, em trai bà Phương cho biết, bà là
con thứ 2 trong gia đình (trước bà là người anh trai liệt sĩ). Không có
chồng con nên bà ở cùng người mẹ già 95 tuổi, ngay gần nhà ông. Do tuổi
cao không đủ sức làm công việc đồng áng, hoàn cảnh khó khăn nên bà
Phương đi làm giúp việc.
“Hôm chị tôi về, nhìn thấy cảnh chị đi tập tễnh, mệt
nhọc, người héo như tàu lá, rồi sau đó nghe chị kể lại chuyện, gia đình
tôi vô cùng phẫn nộ. Giữa thủ đô mà người ta hành hạ chị tôi, tra tấn
chị tôi dã man như thế, không còn gì tính người nữa”, ông Kỳ bức xúc
nói.
Ngay sau đó, gia đình đã đưa bà nhập viện (cách nhà
khoảng chục km). Người thân duy nhất chăm bà là cô em dâu, bởi người em
trai còn phải chăm sóc bà mẹ 95 tuổi ở nhà.
Chia sẻ với nỗi đau của bà Phương, nhiều bệnh nhân ở
các phòng bên cạnh cũng phẫn nộ. Ông Nguyễn Hà Thủy, ở xã Đinh Xuyên,
Ứng Hòa bức xúc: "Tôi chưa bao giờ nghe ở xã hội này có cảnh bắt người
ta ăn phân, thật quá tàn nhẫn và không còn tính người".
Còn ông Nguyễn Văn Sinh (ở huyện Ứng Hòa) chia sẻ: "Xã
hội có sự phân công công việc, người ta khó khăn mới đi ở, làm thuê
nhưng không có nghĩa là chủ nhà muốn đối xử thế nào cũng được. Mọi người
đều có quyền bình đẳng, kể cả người làm thuê”.
Nhiều bác sĩ, y tá ở các khoa khác khi biết chuyện
cũng tới phòng bệnh để được nghe và chứng kiến tận mắt người đàn bà 60
tuổi bị hành hạ dã man trong thời gian làm giúp việc. Tất cả đều mong
công an sẽ sớm điều tra rõ chân tướng vụ việc.
Theo tố cáo của bà Phạm Thị Phương, giữa tháng 9/2011,
bà đến làm giúp việc cho một gia đình ở ngõ 95 Kim Mã. Do có tuổi và
làm việc chậm chạp, lại bị nghi lấy trộm 5 triệu đồng, bà thường xuyên
bị chủ chửi bới, không cho ăn, dùng dép đánh... Tuần trước, chủ nhà ép
bà vào nhà tắm, lột quần áo và xối nước nóng vào người... Sáng 5/1, chủ
nhà gọi xe ôm đưa bà về nhà, trả công một triệu đồng, dọa không được nói
về việc bị đánh đập, hành hạ.
Hiện công an quận Ba Đình (Hà Nội) đã triệu tập người bị tố cáo để tìm hiểu sự việc.
Anh Thư
3,017
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN