Tại
Nghị quyết 01/NQ-CP vừa
ban hành, Chính phủ khẳng định: Việc thực hiện thắng lợi kế hoạch năm
2012 có ý nghĩa rất quan trọng, vừa bảo đảm giải quyết những khó khăn
vướng mắc, tạo nguồn lực cần thiết để bảo đảm an sinh xã hội, vừa tạo
tiền đề vững chắc góp phần thực hiện cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020.
Nghị quyết nêu rõ
mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 đã
được Quốc hội thông qua là: Ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế
vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức
hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế,
nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; bảo đảm phúc lợi xã
hội, an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định
chính trị, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an
toàn xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Các chỉ tiêu chủ yếu
của năm 2012 như sau: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6% -
6,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 13%; tỷ lệ nhập siêu khoảng 11 % -
12% trên tổng kim ngạch xuất khẩu, trong điều kiện cho phép, phấn đấu
giảm nhập siêu xuống dưới 10% tổng kim ngạch xuất khẩu; bội chi ngân
sách phấn đấu dưới 4,8%; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển xã hội khoảng
33,5% GDP; chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 10%. Ngoài ra, phấn đấu tạo
việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành
thị khoảng 4%, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%, riêng các huyện nghèo giảm 4; tỷ
lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 79%; tỷ lệ
che phủ rừng đạt 41%...
Để thực hiện có kết
quả các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
và dự toán ngân sách năm 2012, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, UBND
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, điều hành, tổ
chức thực hiện 7 nhóm giải pháp chủ yếu.
Thứ nhất, tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô,
trong đó phải thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh
hoạt; tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả; tăng
cường kiểm soát thị trường, giá cả, tổ chức tốt thị trường trong nước;
khuyến khích xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, hạn chế nhập siêu.
Cụ thể về giải pháp
thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt, Chính phủ
yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ
quan, địa phương thực hiện các nhiệm vụ sau: (i) Điều hành chính sách
tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt, phối hợp hài hoà giữa chính
sách tiền tệ và chính sách tài khoá để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu
đề ra. Điều hành chủ động và linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ,
nhất là chính sách lãi suất, cho vay tái cấp vốn và nghiệp vụ thị trường
mở, kiểm soát mức tăng trưởng tín dụng cả năm 2012 khoảng 15% - 17%,
tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 14% - 16%, bảo đảm thanh khoản
của các tổ chức tín dụng, giảm mặt bằng lãi suất ở mức hợp lý với diễn
biến kinh tế vĩ mô; (ii) Thực hiện các giải pháp khuyến khích và hỗ trợ
các tổ chức tín dụng ưu tiên vốn tín dụng phục vụ các lĩnh vực: nông
nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, công
nghiệp nhỏ và vừa, sử dụng nhiều lao động, các dự án hiệu quả; kiểm soát
tỷ trọng dư nợ cho vay các lĩnh vực không khuyến khích ở mức hợp lý;
tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ cho vay bằng ngoại
tệ để đảm bảo tăng trưởng tín dụng ngoại tệ phù hợp khả năng huy động và
chủ trương hạn chế tình trạng đô la hoá trong nền kinh tế; (iii) Điều
hành tỷ giá, thị trường ngoại hối linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị
trường và tình hình cung cầu ngoại tệ, góp phần khuyến khích xuất khẩu,
giảm nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế và tăng dự trữ
ngoại hối nhà nước; (iv) Thực hiện các biện pháp đồng bộ, hiệu quả để
kiểm soát thị trường ngoại tệ và thị trường vàng; phối hợp với Bộ Công
an, các cơ quan chức năng, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kịp
thời phát hiện và xử lý nghiêm các hoạt động kinh doanh vàng, thu đổi
ngoại tệ trái pháp luật. Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tăng
cường quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng;
thực hiện tốt công tác dự báo và công khai, minh bạch thông tin thị
trường tiền tệ, tín dụng, ngoại tệ, vàng; có giải pháp phù hợp để quản
lý, kiểm soát được luân chuyển vốn, tín dụng giữa các thị trường này.
Thứ hai, tập
trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới
mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, khả năng cạnh tranh. Cụ
thể là: Tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; tái cơ cấu hệ
thống tài chính, ngân hàng, trọng tâm là các ngân hàng thương mại; tái
cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là doanh nghiệp nhà nước; Chuyển đổi cơ
cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; Tập trung nguồn lực
phát triển nông nghiệp, nông thôn; Bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất và
tiêu dùng.
Thứ ba, nâng cao chất lượng nhân lực, đẩy nhanh ứng dụng khoa học và công nghệ, trong đó Chính
phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương hoàn thành quy hoạch của Bộ,
ngành, địa phương triển khai thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực cả
nước giai đoạn 2011 – 2020, chú trọng việc phối hợp, liên kết trong đào
tạo; từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ở tất cả các cấp,
gắn chặt với nhu cầu của ngành, địa phương và toàn xã hội. Ngoài ra, Bộ
Giáo dục và Đào tạo chủ trì và phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương,
Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng Đề án đổi mới cơ bản, toàn diện giáo
dục và đào tạo, trình Chính phủ cho ý kiến trong quý II/2012 trước khi
trình Ban Chấp hành Trung ương để có Nghị quyết về nội dung này.
Thứ tư, bảo đảm
an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng công tác chăm
sóc sức khỏe, bảo đảm đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Chính
phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các
Bộ, cơ quan, địa phương hoàn thiện và triển khai chương trình mục tiêu
quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2011- 2015, trong đó chú trọng tập trung
chỉ đạo và nguồn lực để giảm nghèo 4% đối với các huyện nghèo, xã nghèo
và thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Thứ năm, tăng cường phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó Chính
phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các cơ
quan liên quan tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, để nâng
cao năng lực dự báo thời tiết, khí tượng thủy văn phục vụ sản xuất và
đời sống; Hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình
mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu...
Thứ sáu,
tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính,
nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thực hành tiết kiệm, chống
lãng phí, tăng cường phòng chống tham nhũng.
Thứ bảy, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.
Để
thực hiện được 7 nhóm giải pháp trên, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành,
địa phương phải khẩn trương xây dựng, ban hành và triển khai chương
trình hành động cụ thể ngay trong tháng 1/2012; xác định rõ mục tiêu,
nhiệm vụ, thời gian, đơn vị chủ trì thực hiện. Đồng thời, phải tập trung
chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả các giải pháp trong
Nghị quyết, phân công một đồng chí lãnh đạo chủ trì, chỉ đạo trực tiếp
triển khai thực hiện Nghị quyết.
SN
3,980