Hội thảo do Bộ Nội vụ tổ chức
sáng nay (26/12) ở Hà Nội, với sự tham dự của đại diện Sở Nội vụ, Sở Tài chính và Ban Tổ
chức tỉnh, thành ủy các tỉnh phía Bắc.
Rất ít chuyên gia giỏi
Góp ý cho chiến lược
cải cách lương, các đại biểu bàn nhiều về cơ chế xây dựng đội ngũ trong sạch và
phân tích hệ lụy từ thang bảng lương bất cập hiện nay.
 |
Vụ trưởng Vụ Tiền lương, Bộ Nội vụ Đoàn Cường. Ảnh: Lê Nhung |
Ông Trần Quốc Toản nêu ý kiến,
tình trạng tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, công chức là do lương không đủ sống.
Đây là yếu tố phải phân tích kỹ để từ đó đưa ra được một chính sách cải cách phù
hợp.
Bên cạnh đó, rất cần phân biệt rõ
hai đặc thù công việc của nhóm cán bộ, công chức: một đội ngũ chuyên tham mưu,
tư vấn chính sách và đội ngũ còn lại làm công tác thừa hành. Phân biệt như vậy
để có cơ chế trả lương phù hợp, cũng đồng thời khuyến khích cán bộ, công chức
chuyên tâm công việc, cống hiến, không tìm mọi cách để được thăng quan tiến
chức. Bởi, thậm chí, chuyên gia tư vấn giỏi có thể nhận mức thu nhập cao hơn
lãnh đạo.
"Bộ máy rất cần những chuyên gia
giỏi, không khuyến khích việc chạy theo chức vụ, thăng quan tiến chức", ông Toản
nói. Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng nêu một thực tế là các cơ
quan đầu não Chính phủ hiện nay rất ít chuyên gia giỏi. Ngay những vị cựu lãnh
đạo sau khi về hưu chuyển sang hưởng chế độ làm việc như chuyên gia song không
thể coi họ là chuyên gia theo đúng nghĩa.
Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội Nguyễn Hữu Dũng chỉ rõ, cải cách lương phải đặt trọng
tâm là lành mạnh hóa nền hành chính, nếu không sẽ lại tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn như những lần cải cách trước đó. "Nếu công chức vẫn không thể sống được bằng lương, đó sẽ là một tai họa",ông nói.
Người đứng đầu có quyền tuyển dụng
Theo ông Dũng, với cán bộ, công
chức, nên trao quyền cho người đứng đầu trong việc tuyển dụng, sử dụng và tiến
tới từng bước trả lương theo vị trí công việc, tiêu chuẩn chức danh và
hiệu suất công tác. Lấy thang bảng lương của cán bộ, công chức làm gốc để áp
dụng cho viên chức (phần cứng có nguồn từ ngân sách). Cho phép cơ sở cung cấp
dịch vụ công được tự xây dựng quy chế phân phối tiền lương nội bộ (phần mềm từ
nguồn thu trong cung cấp dịch vụ).
Ông Dũng cũng đưa ra nhiều sáng
kiến về cơ chế tạo nguồn, về áp dụng tiền lương tối thiểu cho các đối tượng.
Còn theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nội
vụ Thang Văn Phúc, việc làm thế nào để trả lương một cách hiệu quả nhất phụ
thuộc vào đánh giá của người đứng đầu. Riêng với 14 mức phụ cấp chức vụ đang áp
dụng hiện nay, ông Phúc cho là nên rút gọn xuống còn 5 loại.
Thứ nhất là phụ cấp dành cho đối
tượng lao động đặc thù. Thứ hai, phụ cấp thâm niên áp dụng chung. Trả tiền
phụ cấp thâm niên sẽ tạo cơ hội cho những người cống hiến lâu năm trong cơ quan
yên tâm với mức sống của mình, không tìm cách kìm hãm cơ hội phát triển của
những người trẻ.
Các mức phụ cấp cần thiết khác là
phụ cấp đắt đỏ (cho hai thành phố lớn), phụ cấp khuyến khích Việt kiều về nước
làm việc và phụ cấp thu hút áp dụng cho cán bộ vùng sâu vùng xa.
Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban các
vấn đề xã hội QH Đặng Như Lợi góp ý, đề án nên làm rõ mục tiêu: tiền lương phải là
nguồn thu nhập chính đảm bảo cuộc sống của bản thân, gia đình, giúp họ yên tâm
làm việc, đào thải được cán bộ, công chức, viên chức không bảo đảm yêu cầu.
Chống bình quân, cào bằngvà đảm bảo tương quan hợp lý giữa đội ngũ này với lực
lượng vũ trang và với viên chức trong khu vực sản xuất, kinh doanh. Giảm và tiến
tới xóa bỏ các chế độ bồi dưỡng trong hội họp, tiền ăn trưa và các thu nhập
tương tự khác.
Trước đó, Vụ trưởng Vụ Tiền
lương, Bộ Nội vụ Đoàn Cường đã cho hay, đề án cải cách nêu mục tiêu nâng
mức lương tối thiểu của cán bộ, công chức từng bước đảm bảo mức sống tối thiểu
và tương quan với mặt bằng tiền lương trên thị trường lao động... Tiến tới tiền
lương (gồm cả phụ cấp) sẽ đạt mức trung bình khá trên thị trường lao động, để
giữ và thu hút lao động có chất lượng làm việc trong cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ
chức chính trị - xã hội.
Theo đề án, mức lương tối thiểu của cán bộ công chức giai đoạn 2013 - 2020 có 3 phương án: bằng mức tối thiểu vùng 1, khu vực doanh nghiệp (2 triệu đồng); bằng mức bình quân của các mức lương tối thiểu vùng của khu vực doanh nghiệp (1,680 triệu đồng) và căn cứ nhu cầu của bản thân người lao động, bằng mức chi tiêu đầu người bình quân của cả nước cộng thêm nhu cầu nuôi dưỡng cha mẹ, con cái (3,150 triệu đồng). |
Lê Nhung