
Cán bộ Hải quan
Hà Nội hỗ trợ DN hoàn thiện thủ tục XNK. Ảnh: Hải Linh
Đồng bộ và phù hợp với các cam kết quốc tế
Dự
thảo Luật Thuế XNK được xây dựng trình Quốc hội gồm 5 chương, trong đó có những
quy định quan trọng liên quan đến căn cứ tính thuế, thời điểm tính
thuế; đối tượng chịu thuế, người nộp thuế; thuế chống bán phá giá,
thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ; giá trị tính thuế, thời điểm tính thuế...
Theo
ý kiến của các chuyên gia kinh tế, việc xây dựng luật và sớm thông qua bộ luật
này là cần thiết và kịp thời. Hiện tại, Việt Nam đã tham
gia 10 hiệp định thương mại tự do (FTAs) khác nhau, trong đó có nhiều
FTAs đã đến thời hạn hiệu lực, cần ngay những đổi mới về thuế XNK cho
phù hợp.
Hiệp
định Đối tác xuyên Thái bình dương (TPP) cũng đang trong quá trình hiện thực
hóa, sắp tới nếu có được thông qua và có hiệu lực cũng cần ngay chính sách thuế
đồng bộ, phù hợp cam kết.
Dự
thảo Luật Thuế XNK có nhiều nội dung cải cách thủ tục hành chính sẽ tạo thuận
lợi, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) giảm giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh
tranh; đảm bảo cơ sở pháp lý để thực hiện cam kết TPP khi được Quốc hội thông
qua, cũng như các FTAs đang thực hiện hoặc vừa ký kết.
Đồng
thời, Dự thảo Luật Thuế XNK cũng đưa vào các nội dung đảm bảo phù hợp với
TPP (như thuế xuất khẩu ưu đãi, tiền thuế tối thiểu không thu, miễn thuế đối
với hàng mẫu không có giá trị thương mại, ấn phẩm quảng cáo...).
Nâng cao chất lượng quản lý
Điểm
đáng lưu ý là Dự thảo Luật Thuế XNK còn có nhiều điểm bổ sung, điều chỉnh đối
tượng tác động để phù hợp với công tác quản lý.
Để
thống nhất với một số luật hiện hành, đồng thời khắc phục vướng mắc trong quá
trình thực hiện, dự thảo Luật Thuế XNK đã sửa đổi một số nội dung về phạm vi và
đối tượng điều chỉnh, bổ sung thêm và quy định rõ hơn về đối tượng chịu thuế,
người nộp thuế... nhằm phù hợp với công tác quản lý thuế hiện nay.
Cụ
thể, dự thảo luật đã bổ sung một chương quy định về các biện pháp phòng vệ về
thuế. Để bảo đảm tính bao quát, tại điều 1 đã sửa đổi, bổ sung quy định về phạm
vi điều chỉnh như sau: “Luật này quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng
không chịu thuế, người nộp thuế, căn cứ tính thuế, miễn thuế, giảm thuế, hoàn
thuế, thời hạn nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các biện pháp phòng vệ về
thuế áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu”.
Bên
cạnh đó, để áp dụng chính sách thuế một cách thống nhất đối với các loại hàng
hóa có cùng bản chất, cùng phương thức quản lý, dự thảo luật cũng đã bổ sung
“hàng hóa trung chuyển” vào đối tượng không chịu thuế như đối với hàng hóa quá
cảnh, chuyển khẩu, đồng thời không quy định hàng mượn đường là đối tượng không
chịu thuế.
Để
thống nhất với Luật Quản lý thuế, dự thảo luật sửa khái niệm “đối
tượng nộp thuế” thành “người nộp thuế”; đồng thời quy định chi tiết về các tổ
chức, cá nhân là người nộp thuế, cụ thể đó là: Chủ hàng hoá xuất khẩu, nhập
khẩu; Tổ chức nhận ủy thác xuất khẩu, nhập khẩu; Cá nhân có hàng hoá xuất khẩu,
nhập khẩu khi xuất cảnh, nhập cảnh, gửi hoặc nhận hàng hoá qua cửa khẩu, biên
giới Việt Nam.
Bảo vệ sản xuất trong nước
Dự
thảo Luật Thuế XNK còn dành một chương quy định về áp dụng thuế phòng vệ thương
mại. Đây là điểm mới, có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh Việt Nam hội
nhập ngày càng sâu, rộng với nền kinh tế khu vực và thế giới.
Thuế
phòng vệ thương mại là loại thuế nhập khẩu mang tính đặc thù, đánh vào
hàng hóa của các DN nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam. Đây là một
trong nhiều biện pháp bảo vệ sản xuất trong nước, khi bị ảnh hưởng bởi hoạt
động bán phá giá, trợ cấp của các nhà xuất khẩu nước ngoài vào thị trường
Việt Nam.
Thuế
này khi được tạm áp dụng sẽ không được chuyển ngay vào NSNN mà do Bộ Công
Thương quản lý. Chỉ khi Bộ Công Thương kết luận doanh nghiệp nước ngoài có vi
phạm thì mới được chuyển vào NSNN. Nếu kết luận là không vi phạm, khoản thuế
này sẽ được trả cho doanh nghiệp nước ngoài.
Các
biện pháp này được quyết định dựa trên kết quả điều tra về chống bán phá giá,
chống trợ cấp và tự vệ do Bộ Công Thương tiến hành, khi có dấu hiệu về thiệt
hại đối với thị trường trong nước. Việc quyết định mức thuế suất sẽ phụ thuộc
vào kết quả điều tra của Bộ Công Thương.
Đồng bộ với pháp luật hải quan
Để
bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Hải quan 2014, dự thảo Luật Thuế XNK
sửa đổi đã bổ sung quy định về trị giá tính thuế, thời điểm tính thuế để tránh
chồng chéo và tạo thuận lợi hơn cho người khai hải quan.
Dự
thảo luật quy định trị giá tính thuế theo quy định của Luật Hải quan. Cụ thể,
để phản ánh đúng bản chất của trị giá hải quan phù hợp với Hiệp định trị giá
hải quan của WTO (GATT), tạo thuận lợi cho người nộp thuế xác định chính xác
trị giá tính thuế hàng hoá XNK, Điều 86 Luật Hải quan 2014 đã quy định: trị giá
hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu (XK) là giá bán của hàng hóa tính đến cửa
khẩu xuất, không bao gồm phí bảo hiểm và phí vận tải quốc tế. Trị giá hải quan
đối với hàng hóa nhập khẩu (NK) là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập
đầu tiên, phù hợp với pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt nam là
thành viên.
Về
thời điểm tính thuế, theo quy định hiện hành tại Điều 14 Luật Thuế XNK: Thời
điểm tính thuế XK, thuế NK là thời điểm đối tượng nộp thuế đăng ký tờ khai hải
quan với cơ quan hải quan. Còn theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Luật Hải quan
2014 thì chính sách thuế đối với hàng hóa XK, NK được áp dụng tại thời điểm
đăng ký tờ khai hải quan.
Để
bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Hải quan 2014, dự thảo Luật Thuế XNK
sửa đổi đã bổ sung quy định với trường hợp thay đổi mục đích sử dụng và sửa đổi
theo hướng:
“Thời
điểm tính thuế XK, thuế NK là thời điểm đăng ký tờ khai hải quan theo quy định
của Luật Hải quan 2014. Đối với hàng hóa XK, NK thuộc đối tượng không chịu
thuế, miễn thuế XK, thuế NK hoặc áp dụng thuế suất trong hạn ngạch thuế quan
nhưng được thay đổi về đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, áp dụng thuế suất
trong hạn ngạch thuế quan theo quy định của pháp luật thì thời điểm tính thuế
là thời điểm đăng ký tờ khai hải quan mới”./.
Hải Anh
Thời báo Tài chính Việt Nam
3,033