
Luật sư Phan Trung Hoài tại một phiên
tòa - Ảnh: THUẬN THẮNG
LS PHAN TRUNG HOÀI - phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam,
một trong những thành viên tham gia hội thảo, hội nghị chuyên sâu lấy ý kiến dự
thảo các dự án luật - cho biết:
- Trong số các
dự án luật được đưa ra lấy ý kiến lần này, dự thảo Bộ
luật tố tụng hình sự (BLTTHS) sửa
đổi được dành nhiều thời gian mổ xẻ, tranh luận sôi nổi và quyết liệt.
Theo đó, nhiều
vấn đề liên quan việc bảo đảm quyền con người, nâng cao trách nhiệm của các cơ
quan và người tiến hành tố tụng hướng đến một tiến trình tố tụng dân chủ và
minh bạch, thuận tiện đang được dư luận và người dân hết sức quan tâm.
* Thưa ông, vấn đề cốt lõi trong dự thảo BLTTHS (sửa đổi) lần này
là gì và có những điểm mới, tiến bộ nào theo tinh thần Hiến pháp 2013?
- Dự thảo
BLTTHS đã thể chế hóa chủ trương cải cách tư pháp của Đảng, cụ thể hóa các quy
định của Hiến pháp năm 2013, tham khảo kinh nghiệm tố tụng hình sự tiến bộ của
các nước trên thế giới, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn điều
tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự.
Trong đó phải
kể đến việc làm rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan và người có thẩm quyền
tiến hành tố tụng; phân định thẩm quyền hành chính với thẩm quyền tư pháp; tăng
quyền, tăng trách nhiệm cho điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán...
Trong tổng thể
những vấn đề nêu trên, việc bảo đảm quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người
khác bào chữa (gọi chung là quyền bào chữa), nâng cao vị thế đội ngũ luật sư và
bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử có thể coi là những giá trị cốt lõi
thể hiện bước chuyển lớn trong dự thảo BLTTHS.
* Cụ thể, những đổi mới trong dự thảo BLTTHS lần này có đề cập
“quyền im lặng”, một cụm từ mà lâu nay dư luận hết sức quan tâm và người bị
buộc tội có quyền nhờ cậy đến luật sư bảo vệ họ ở bất cứ thời điểm nào hay
không?
- Dự thảo đã
tiếp cận sớm hơn thời điểm người bị tố giác, báo tin tội phạm, kiến nghị khởi
tố có quyền nhờ luật sư tư vấn, bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho
mình đến khi bị bắt, tạm giữ, tạm giam.
Trong một
chừng mực nhất định là phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, mức độ phát
triển dân chủ và truyền thống văn hóa pháp lý.
Dự thảo không
đề cập trực diện khái niệm “quyền im lặng”, nhưng cụ thể hóa thông qua các quy
định như người bị buộc tội có quyền trình bày lời khai, không bị ép buộc phải
đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc bị ép buộc phải nhận mình có tội,
cũng như được quyền tiếp cận ngay với người bào chữa.
Dự thảo cũng
bổ sung một số quyền của người bào chữa thu thập, đưa ra và đánh giá chứng cứ;
trình tự giải quyết các yêu cầu của kiểm sát viên và người bào chữa trước khi
mở phiên tòa và trình tự xét hỏi, hướng đến việc bảo đảm phán quyết của tòa án
phải xuất phát từ kết quả tranh tụng tại phiên tòa.
Đây là một
bước tiến dài trên hành trình dân chủ hóa hoạt động tố tụng.
* Lâu nay, việc tiếp cận người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị
cáo của giới luật sư còn nhiều khó khăn. Để đảm bảo quyền bào chữa, bảo đảm
quyền lợi cho người bị buộc tội, người bị hại và các đương sự khác, Liên đoàn
Luật sư Việt Nam đã đề xuất, kiến nghị giải pháp gì để đổi mới dự thảo BLTTHS?
- Liên đoàn
Luật sư Việt Nam đã đề xuất rất nhiều kiến nghị và giải pháp, trong đó nhấn
mạnh việc thể chế hóa quyền bào chữa trong Hiến pháp, làm sao bất cứ ai khi bị
đặt trong vòng nghi vấn buộc tội đều có quyền tiếp cận và nhận được sự trợ giúp
về mặt pháp lý nhanh chóng, minh bạch và công bằng.
Muốn vậy cần
tập trung tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong thực tế, hủy bỏ thủ tục cấp
giấy chứng nhận (hay đăng ký) người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương
sự.
Tôi nghĩ không
thể dùng thủ tục hành chính để ngăn cản thực hiện quyền hiến định đương nhiên
của con người, từ đó nâng cao vị thế, vai trò và trách nhiệm của đội ngũ luật
sư tham gia tố tụng trong các vụ án hình sự (kể cả trong thủ tục dân sự, hành
chính)...
Liên đoàn cũng
đã đề xuất xây dựng một chương mới về bào chữa và bảo vệ quyền lợi cho người bị
buộc tội, người bị hại và các đương sự khác trong tố tụng hình sự.
Thực hiện
quyền hiến định, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị giải pháp cụ thể khi bị
bắt, tạm giữ, tạm giam, thân nhân của họ khi nhờ luật sư thì cơ quan điều tra
cần bố trí, tạo thuận lợi cho luật sư tiếp xúc ngay với người bị buộc tội; luật
sư chủ động được gặp, hỏi riêng với người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo
đang bị tạm giam.
Nhằm bảo đảm nguyên tắc
tranh tụng cần đổi mới trình tự xét hỏi tại phiên tòa theo hướng đại diện viện
kiểm sát thực hành quyền công tố và luật sư phải là người hỏi chính, hội đồng
xét xử là người hỏi sau cùng. Chủ tọa phiên tòa làm nhiệm
vụ điều khiển việc xét hỏi và tranh luận giữa bên buộc tội và bên bào chữa;
xem xét lại quy định về phòng xử án theo hướng quy định chỗ ngồi của kiểm sát
viên và người bào chữa là bình đẳng, ngang hàng nhau. Luật sư Phan Trung Hoài |
Hoàng Khang
Theo Tuổi trẻ
3,333
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN