Tại báo cáo về nội dung này vừa được gửi đến Quốc hội, Chính
phủ nhắc lại yêu cầu của Quốc hội là đến 31/12/2013 căn bản hoàn thành việc cấp
giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu trong phạm vi cả nước.
Để đạt được mục tiêu này, trong hai năm qua, Chính phủ đã tập
trung chỉ đạo quyết liệt bằng nhiều biện pháp. Và hầu hết các địa phương đã
tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp theo chỉ đạo của Chính
phủ, báo cáo nêu rõ.
Kết quả, đến ngày 30/9/2013, cả nước đã cấp được 38,9 triệu
giấy chứng nhận với tổng diện tích 21,4 triệu ha, đạt 88,4% diện tích các loại
đất cần cấp giấy chứng nhận.
Đến nay, có 39 tỉnh hoàn thành cơ bản (đạt trên 85% tổng diện
tích các loại đất cần cấp giấy chứng nhận). Trong số các tỉnh đạt thấp có Yên
Bái, Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi mới đạt dưới 70% tổng diện tích.
Chính phủ cho hay, dự kiến đến hết 2013 sẽ có thêm 5 tỉnh
hoàn thành cơ bản việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu, nâng số tỉnh,
thành hoàn thành lên 44.
Chỉ ra một trong những hạn chế là tồn đọng giấy chứng nhận
còn nhiều, báo cáo nêu số này chủ yếu tập trung ở 13 tỉnh. Trong đó dẫn đầu là
Lạng Sơn với 199.000 giấy, Hưng Yên 77.000, Bình Phước 70.000…
Phần lớn các trường hợp chưa được cấp giấy, Bộ trưởng Bộ Tài
nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết một trong những nguyên nhân là
không có giấy tờ hợp lệ, nguồn gốc sử dụng đất phức tạp, vi phạm pháp luật đất
đai từ nhiều năm qua chưa được giải quyết.
Riêng với đất ở, tại Tp. HCM, Hà Nội có đến trên 130.000 trường
hợp vi phạm, chủ yếu dưới các hình thức chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất
trái thẩm quyền, lấn chiếm đất công…
Đầu tư kinh phí cho việc cấp giấy chứng nhận cũng được xem
là một nguyên nhân của sự chậm trễ, khi ở nhiều tỉnh mới đáp ứng gần 30% nhu cầu.
Thậm chí có 4 tỉnh trong hai năm qua không đầu tư kinh phí cho việc này. Gồm:
Điện Biên, Ninh Thuận, Quảng Nam, Sóc Trăng.
Đáng chú ý là nghị quyết của Quốc hội ra đời từ giữa năm
2012 song có tỉnh, theo đánh giá của Chính phủ là đến giữa năm 2013 mới thực sự
vào cuộc.
Nguyễn Lê
Theo VnEconomy
3,607
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN