Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ giữa tháng 5/2025

Danh mục vị trí việc làm về công tác pháp chế trong cơ quan, tổ chức hành chính; Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đối với ngạch pháp chế viên cao cấp;...là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ giữa tháng 5/2025 (từ ngày 11/05/2025 - 20/5/2025).

Danh mục vị trí việc làm về công tác pháp chế trong cơ quan, tổ chức hành chính

Ngày 31/3/2025, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư 02/2025/TT-BTP hướng dẫn vị trí việc làm về công tác pháp chế trong cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo đó, danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc và khung cấp độ xác định yêu cầu về năng lực đối với vị trí việc làm về công tác pháp chế được Bộ Tư pháp quy định tại Thông tư 02/2025/TT-BTP như sau:

- Danh mục vị trí việc làm về công tác pháp chế thực hiện theo quy định tại Phụ lục II và Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư 06/2024/TT-BNV (sửa đổi Thông tư 12/2022/TT-BNV) hướng dẫn về vị trí việc làm công chức lãnh đạo, quản lý; nghiệp vụ chuyên môn dùng chung; hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan, tổ chức hành chính và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung; hỗ trợ, phục vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập.

- Bản mô tả công việc và Khung cấp độ xác định yêu cầu về năng lực đối với vị trí việc làm về pháp chế trong cơ quan, tổ chức hành chính quy định tại Phụ lục I và Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 02/2025/TT-BTP.

- Bản mô tả công việc và Khung cấp độ xác định yêu cầu về năng lực đối với vị trí việc làm về pháp chế trong đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại Phụ lục III và Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư 02/2025/TT-BTP.

Xem thêm tại Thông tư 02/2025/TT-BTP có hiệu lực từ 15/5/2025.

Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đối với ngạch pháp chế viên cao cấp

Ngày 31/3/2025, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư 03/2025/TT-BTP quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch pháp chế viên.

Tại Thông tư 03/2025/TT-BTP thì Bộ Tư pháp đã quy định về tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đối với ngạch pháp chế viên cao cấp được quy định cụ thể như sau:

- Am hiểu sâu sắc và vận dụng thành thạo các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan, văn bản của cấp trên, các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội về ngành, lĩnh vực được giao; nắm vững tình hình, xu thế phát triển trong nước và thế giới về ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước được giao;

- Có kiến thức, hiểu biết chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ công tác pháp chế và văn bản quy phạm pháp luật của ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước được giao; áp dụng thành thạo các kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ công tác pháp chế trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao;

- Có năng lực đề xuất, tham mưu hoạch định chính sách; có kỹ năng chuyên sâu trong việc soạn thảo, góp ý, thẩm định các văn bản liên quan đến chức trách, nhiệm vụ được giao;

- Có năng lực hướng dẫn áp dụng pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ về pháp chế theo ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước được giao;

- Có khả năng làm việc độc lập, làm việc nhóm và phối hợp tốt với cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ được giao;

- Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và ngoại ngữ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Xem thêm tại Thông tư 03/2025/TT-BTP có hiệu lực từ 15/5/2025.

Sửa đổi điều kiện đối với tổ chức tín dụng Việt Nam bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài từ 19/5/2025

Ngày 18/3/2025, Chính phủ ban hành Nghị định 69/2025/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 01/2014/NĐ-CP về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam.

Theo đó, điều kiện đối với tổ chức tín dụng Việt Nam bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài từ 19/5/2025 được quy định tại  Nghị định 69/2025/NĐ-CP như sau:

Tổ chức tín dụng chuyển đổi hình thức pháp lý thành tổ chức tín dụng cổ phần phải có phương án cổ phần hóa, phương án chuyển đổi được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật, trong đó có phương án bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.

Tổ chức tín dụng cổ phần phải có phương án tăng vốn điều lệ, phương án bán cổ phiếu quỹ được Đại hội đồng cổ đông thông qua, trong đó có phương án chào bán cổ phần, phát hành cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Tổ chức tín dụng cổ phần có tỷ lệ sở hữu của Nhà nước trên 50% vốn điều lệ thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật về quản lý tài chính của doanh nghiệp nhà nước trước khi trình Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ, phương án bán cổ phiếu quỹ.

Xem thêm tại  Nghị định 69/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ 19/5/2025.

05 nguyên tắc quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 13/3/2025, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh 2025.

Theo đó, nguyên tắc quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh bao gồm:

- Tuân thủ Hiến pháp 2013, pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

- Đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam; sự quản lý thống nhất của Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

- Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhiệm vụ chính trị đặc biệt, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, trong đó Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là lực lượng nòng cốt.

- Bảo đảm tính khoa học, tính lịch sử, thể hiện được phong cách trong sáng, giản dị, gần gũi Nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

- Kết hợp quản lý, bảo vệ với phát huy ý nghĩa chính trị, lịch sử - văn hóa của Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; tuyên truyền về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Xem thêm tại Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh 2025 có hiệu lực từ 19/5/2025.

17

tin noi bat
Tin mới
Các tin khác