 |
Tàu cá Trung Quốc. Ảnh: Chinanews
|
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao
Philippines Raul Hernandez cho hay, lực lượng phòng vệ bờ biển nước này sẽ kiểm
tra vị trí của đội tàu cá Trung Quốc ở Biển Đông, để đảm bảo rằng họ sẽ không
tiến vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của Philippines.
“Nếu các tàu này đi vào EEZ của
chúng tôi, chúng tôi sẽ kháng nghị vì đây là EEZ của chúng tôi và chỉ có
Philippines có chủ quyền thăm dò, khai thác và quản lý tài nguyên ở khu vực đó",
ông nói với báo giới. “Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của
Philippines", ông nhấn mạnh.
Hải quân Philippines chờ lệnh
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao
Philippines dẫn thông tin một đội tàu gồm 30 tàu đánh cá từ tỉnh Hải Nam của
Trung Quốc đã tới Trường Sa, ngang nhiên lên kế hoạch đánh bắt cá ở khu
vực này.
Trong khi đó, một người phát ngôn
quân đội Philippines cho hay, hải quân nước này đã sẵn sàng chờ lệnh để triển
khai tàu nhằm bảo vệ chủ quyền đất nước ở các khu vực tranh chấp tại Biển Đông.
"Chúng tôi sẽ thực hiện bất cứ lệnh nào mà cấp trên giao phó",
Đại tá Arnulfo Burgos Jr. người phát ngôn các lực lượng vũ trang Philippines
nói.
Ông Burgos đã trả lời các câu hỏi
từ phóng viên về việc quân đội sẽ làm gì khi tàu nước ngoài tiến sát khu vực mà
Philippines tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. "Nhiệm vụ của chúng tôi là bảo
vệ chủ quyền đất nước", ông khẳng định.
Philippines và Trung Quốc đã có
cuộc đụng độ xung quanh vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông kể từ đầu tháng 4
khi tàu chính phủ Trung Quốc ngăn không cho hải quân Philippines bắt giữ ngư dân
tại bãi cạn Scarborough. Manila cáo buộc ngư dân Trung Quốc đã xâm nhập và đánh
bắt trái phép ở vùng biển thuộc chủ quyền của Philippines.
Philippines đã rút các tàu khỏi
bãi cạn với nỗ lực làm dịu căng thẳng. Nhưng Trung Quốc không có động thái
tương tự, Hernandez cho biết. Ông nói, một máy bay phòng vệ bờ biển của
Philippines hôm thứ sáu đã phát hiện ra 3 tàu chính phủ Trung Quốc, 6 tàu cá vẫn ở quanh bãi cạn Scarborough.
Tại diễn đàn khu vực gần đây ở Campuchia,
Philippines đã cáo buộc Trung Quốc "trở mặt" và "đe dọa" trong tranh chấp ở Biển
Đông. Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền với hầu như toàn bộ Biển Đông (kể cả
những vùng sát cạnh bờ biển nước khác) bất chấp chồng lấn chủ quyền với một số
quốc gia Đông Nam Á.
TQ có thể đưa siêu tàu lặn ra
Biển Đông
Trong khi đó, Nhật báo Trung Quốc loan tin, một siêu tàu lặn có tên Giao Long
có thể được giao nhiệm vụ ở Biển Đông vào
năm tới. Hiện tàu này đang neo đậu tại Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông,
sau khi hoàn thành sứ mệnh lặn sâu kỷ lục 7.020m dưới mực nước biển ở rãnh
Mariana của Thái Bình Dương.
Theo giới phân tích, ngoài mục
tiêu thăm dò và khai thác tài nguyên biển sâu, Giao
Long có thể thâm nhập
hệ thống cáp quang dưới đáy biển để ngăn chặn những bí mật ngoại giao và thương
mại, tìm lại các vũ khí hạt nhân và tên lửa thất lạc, tạo ra các bản đồ đáy
biển có độ phân giải cao để hỗ trợ hoạt động của hạm đội tàu ngầm Trung Quốc ngày càng
mạnh.
Thái An (tổng hợp)