Dưới đây là một số lễ phục ngày Tết của các nước gần Việt Nam như Trung
Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trung Quốc
Cũng giống như áo dài Việt
Nam, sườn xám của Trung Quốc là
trang phục truyền thống mang đậm nét văn hóa dân tộc của người Hoa, dân tộc
chiếm đa số ở Trung Quốc. Sườn xám ôm sát thân, tôn lên đường cong tự nhiên vốn
có của cơ thể, để lộ kín đáo thân hình uyển chuyển, đôi vai tròn và vòng eo
thon nhỏ của phụ nữ. Cách thể hiện này phù hợp với cách biểu đạt ý nhị và nhã
nhặn của phụ nữ phương Đông về vẻ đẹp hình thể.Sườn xám là loại váy áo liền thân, thường được may bằng gấm, tơ tằm. Phần
cổ áo được dựng ôm khít cổ, cùng hàng cúc chéo sang một bên. Áo được may sát
thân, và có tà xẻ cao lên đến tận đùi tạo nên sự thướt tha và quyến rũ cho
người mặc. Điểm nhấn của trang phục này thường là những đường viền áo được thêu
bằng chỉ màu rực rỡ với những họa tiết phong phú. Người dân cũng thường diện
trang phục này trong những ngày hội, ngày trọng đại và mỗi dịp Tết đến xuân về.
Sườn xám còn được gọi là áo dài Thượng Hải hay gọi theo phiên âm tiếng
Quảng Châu là kỳ bào.
Kỳ bào được cho là bắt nguồn từ thời Xuân Thu Chiến Quốc cách đây hơn
2000 năm, ban đầu được gọi là Bào phục. Vào thời nhà Hán, Bào phục được mặc để
hầu triều. Phong cách của Bào phục cũng được thay đổi theo thời gian. Bào phục
thời Hán màu sẫm, đến thời nhà Đường được thay thế bằng mổ sườn có tà. Đến thời
nhà Minh thân Bào phục trở nên thẳng đứng và rộng, đa số các phần tử trí thức
và giai cấp thống trị thường mặc, từ đó dần trở nên thịnh hành. Sau khi triều
đình Mãn Thanh sụp đổ, những chiếc áo kỳ bào vẫn tồn tại. Tại Thượng Hải – Kinh
đô thời trang của Trung Quốc, những chiếc kỳ bào đã được cách tân, góp phần đưa
áo dài Thượng Hải đến “thời kì hoàng kim” vào những năm 1930-1940. Đó cũng là
lý do tại sao mỗi khi nhắc đến sườn xám, người ra thường gắn với Thượng Hải như
là nơi bắt nguồn của chiếc áo này. Thời kì này, kỳ bào đã được cắt giảm để trở
nên gọn gàng hơn, tạo sự tao nhã cho người mặc, các hoa văn và đường viền trang
trí không còn to như trước. Những năm 1920, do chịu ảnh hưởng của văn hóa
phương Tây, áo dài Thượng Hải đã có sự thay đổi về đường nét và được may ôm sát
ở phần eo. Từ đó nhiều ý tưởng mới đã ra đời và liên tục làm thay đổi kiểu dáng
của áo dài Thượng Hải.
Ngày nay, sườn xám đã có nhiều cách tân hơn như tay áo lúc hẹp lúc loe,
vạt dài hay ngắn và cổ có thể cao hoặc thấp tùy theo sở thích cá nhân. Người
dân cũng không chỉ mặc trang phục này trong các dịp lễ hội mà còn sử dụng trong
ngày thường.
Nhật Bản
Nhắc đến xứ sở hoa anh đào, không ai có thể quên được đường nếp bộ kimono
điệu đà. Những bộ kimono nổi bật với một lớp vải định hình vòng eo, bộ lễ phục
này mang đến sự uyển chuyển cho người mặc. Và cũng giống với các đất nước châu
Á khác, người Nhật cũng rất chuộng sắc màu tươi sáng cho bộ kimono ngày Tết của
mình. Bên cạnh đó, những bông hoa hay hình ảnh chùa tháp cũng được khắc họa cho
bộ kinono thêm phần thú vị và nổi bật hơn.
Trong tiếng Nhật, kimono có nghĩa là hòa phục, danh từ chỉ quần áo để mặc
nói chung. Tuy nhiên ngày nay, kimono đã trở thành cái tên chỉ trang phục
truyền thống của Nhật Bản được nhiều người biết tới.
Trước đây, kimono được cả nam và nữ sử dụng hằng ngày. Nhưng ngày nay
thường chỉ có nữ giới sử dụng như nghi phục chính thức còn nam giới chỉ thấy
trong các đám cưới hoặc dịp lễ truyền thống khác.
Về cấu tạo, áo kimono gồm 4 mảnh chính là hai mảnh thân áo, 2 mảnh tay áo
và các mảnh nhỏ tạo cổ và miếng lót hẹp. Ngoài ra còn có các phụ kiện đi kèm
như thắt lưng (obi), dây cột, áo lót... Chính vì thiết kế cầu kỳ như vậy mà
kimono có cách mặc phức tạp và được bán với giá khá cao.
Kimono của nam và nữ có sự khác biệt về họa tiết. Áo kimono cho phụ nữ
thường có các họa tiết hoa, lá và các biểu tượng thiên nhiên khác, phản ánh
tình yêu thiên nhiên của người Nhật Bản. Còn kimono cho nam giới thường không
có hoa văn, màu tối, có in gia huy của dòng họ, thường màu đen là màu sang trọng
nhất. Nhìn vào màu sắc kimono, ta có thể dễ dàng nhận biết vị trí xã hội hay
tuổi tác của người mặc. Những màu có gốc sáng, đặc biệt là màu đỏ, được dùng
cho trẻ em và phụ nữ trẻ chưa chồng. Màu sắc của kimono thường để biểu thị cho
các mùa trong năm.
Kimono có nhiều loại, mỗi loại có một ý nghĩa và đặc trưng riêng, như Furisodelà loại dành riêng cho con gái
chưa chồng với tay áo rộng, thường mặc trong các ngày lễ lớn. Yukatalà loại kimono thông thường, mặc
vào mùa hè. Còn Houmongilà trang
phục đi lễ của phụ nữ đã có chồng, dùng đi dự đám cưới hay tiệc trà. Tomesodalà loại y phục trang trọng dành
cho phụ nữ đã có gia đình, Omesodeđen có thêu phù hiệu gia tộc dùng để mặc trong các sự kiện trang trọng như đám
cưới của một người thân. Shiromaku là trang phục cưới của con gái Nhật, với
đuôi váy tròn, trải dài...
Hàn Quốc
Trong dịp Tết năm mới, người Hàn Quốc thường mặc Hanbok, một loại trang
phục cổ truyền đậm chất văn hóa của xứ nhân sâm. Hanbok tượng trưng cho nét đẹp
truyền thống của phụ nữ Hàn Quốc và cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc
thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống của đất nước này. Tuy hình dáng của
Hanbok không ôm sát nhưng lại khoe khéo vẻ đáng yêu, e ấp như hoa nở của người
phụ nữ nơi đây. Đặc trưng của Hanbok là có màu sắc vô cùng sặc sỡ, do vậy đường
phố ngày Tết của Hàn Quốc cũng rực rỡ sắc màu tươi vui.
Đây là loại trang phục có thể che kín cơ thể, giúp người mặc cử động
thoải mái nhưng vẫn thể hiện được nét đẹp tinh tế và quyến rũ của người phụ nữ
sau mỗi bước đi.
Từ xưa đến nay, người Hàn Quốc đều chọn mặc Hanbok trong các dịp lễ
truyền thống, ngày tết cổ truyền hoặc những ngày vui như cưới hỏi, hội hè… Thậm
chí kể cả trên thảm đỏ ngày nay, chúng ta vẫn bắt gặp những ngôi sao nổi tiếng
trong trang phục Hanbok với những thiết kế cách điệu phù hợp với vẻ đẹp truyền
thống và hiện đại.
Về cơ bản, Hanbok của phụ nữ gồm áo khoác ngoài (jeogori) và váy dài (chima),
Hanbok của nam giới gồm áo khoác ngoài và quần ống rộng có túi (baji). Phần áo khoác ngoài được cả nam
và nữ sử dụng gồm gil (phần lớn nhất của chiếc áo), gitlà dải lụa trang trí cho cổ áo,dongjeong là phần cổ áo màu
trắng và goreumlà sợi thắt lưng.
Hanbok được phân loại thành trang phục mặc hằng ngày, lễ phục và trang
phục đặc biệt. Lễ phục được chia thành lễ phục trong dịp lễ Tết, sinh nhật, lễ
cưới hoặc lễ tang. Tuy nhiên dù là loại nào thì hanbok vẫn mang lại cho người
mặc sự cân đối, hài hòa và tinh tế.
Nguyễn Chiến (sưu tầm)
Theo
Chinhphu.vn
5,009
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN