
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh bắt tay Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại hội nghị ngoại trưởng cấp cao Đông Á ở Myanmar ngày 10-8 - Ảnh: AFP
Trong thông cáo chung, ngoại trưởng các nước ASEAN có mặt ở
thủ đô Naypyitaw của Myanmar “bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần
đây làm leo thang căng thẳng trên biển Đông”. Các ngoại trưởng “thúc giục các
bên liên quan kiềm chế, tránh các hành động gây phức tạp tình hình và làm
phương hại đến hòa bình, ổn định và an ninh ở biển Đông”.
Các bên cần giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp
hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong
đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS).
Ngoại trưởng các nước ASEAN cho rằng các bên cần phải thực
thi hiệu quả Tuyên bố chung về ứng xử trên biển Đông (DOC). Điều quan trọng nhất
là ASEAN và Trung Quốc đàm phán thực chất để sớm xây dựng COC.
Lo ngại chưa từng thấy
"Những gì Trung Quốc nói khác xa với
những gì họ làm" Ngoại trưởng Philippines ALBERT DEL ROSARIO |
Thông cáo chung của các ngoại trưởng ASEAN cũng ghi nhận kế
hoạch ba bước của Philippines nhằm giảm căng thẳng trên biển Đông. Đó là đình
chỉ các hành động khiêu khích, thực thi DOC và giải quyết tranh chấp thông qua
cơ chế trọng tài quốc tế.
Ngoại trưởng Singapore K. Shanmugam cho biết các nước ASEAN ủng
hộ sáng kiến của Manila. Trước đó Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng chính thức
đưa ra lời kêu gọi các bên ngừng lập tức những hành động gây bất ổn và leo
thang căng thẳng trên biển Đông.
AFP dẫn lời một quan chức ngoại giao Mỹ có mặt tại
Naypyitaw tiết lộ tại AMM-47 và ARF, các nước thành viên ASEAN “đã thể hiện rõ
sự lo ngại ngày càng gia tăng đối với hành vi leo thang của Trung Quốc”. Các cuộc
thảo luận tại phòng họp kín cho thấy sự quan ngại “ở mức độ cao chưa từng thấy”.
Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario thẳng thừng phát
biểu rằng cả khu vực đều tận mắt chứng kiến “những hành động khiêu khích, gây hấn
ngày càng gia tăng trên biển Đông, đe dọa hòa bình và an ninh khu vực”.
Ông Del Rosario chỉ đích danh Trung Quốc rằng nước này cần lập
tức ngừng các hành động đi ngược lại DOC, bao gồm việc cải tạo đất trên biển
Đông, xây hải đăng ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hay có ý đồ xây căn cứ
không quân ở quần đảo Trường Sa.
“Trung Quốc đang muốn hiện thực hóa đòi hỏi chủ quyền của họ
trước khi COC được thành lập và tranh chấp được giải quyết ở tòa án trọng tài”
- ông Del Rosario chỉ trích.
Các quan chức Mỹ đánh giá ngôn ngữ của thông cáo chung dù
không trực tiếp nhắc đến Trung Quốc nhưng mang tính chỉ trích cao và cản trở ý
đồ kéo dài thời gian của Trung Quốc. “ASEAN quyết định rằng việc chỉ tập trung
tuyên bố những điểm tích cực là không còn đủ nữa” - quan chức Mỹ bình luận.
Các nhà ngoại giao Mỹ cũng nhấn mạnh Washington không hề có
ý định đối đầu với Bắc Kinh, nhưng muốn bảo vệ các nguyên tắc và lợi ích chung
trong khu vực. “Những gì xảy ra ở đây không chỉ là vấn đề với khu vực hay Mỹ mà
với toàn thế giới” - Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố tại Naypyitaw.
Trung Quốc vẫn hung hăng
Bất chấp phản ứng lo ngại của ASEAN, Trung Quốc vẫn tỏ ra
hung hăng về vấn đề biển Đông. Tại AMM-47, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị
mô tả Bắc Kinh “không phải là bên gây hấn trong vùng biển tranh chấp” và đe dọa
“sẵn sàng thực hiện các hành động mạnh mẽ và rõ ràng để bảo vệ chủ quyền”.
Ông Vương Nghị bác bỏ kế hoạch ba bước của Philippines với
lý do đề xuất này “làm đứt quãng đàm phán giải quyết tranh chấp, hủy hoại lợi
ích chung của Trung Quốc và ASEAN, có ý đồ khác”...
Ông Vương chỉ trích Philippines đã thực hiện trước bước thứ
ba trong kế hoạch ba bước là kiện Trung Quốc ra Tòa án trọng tài thường trực ở
The Hague (Hà Lan). Ngoại trưởng Trung Quốc cũng phản bác lời kêu gọi của Ngoại
trưởng Mỹ John Kerry.
Ông Vương nhấn mạnh Bắc Kinh “sẽ không lùi bước trong việc bảo
vệ chủ quyền biển” và tiếp tục luận điệu cũ rích là chỉ chấp nhận đàm phán song
phương với các nước tranh chấp chủ quyền.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, giáo sư Carl Thayer thuộc
Học viện Quốc phòng Úc nói nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục phớt lờ những
lời kêu gọi giảm căng thẳng. “Kế hoạch của Trung Quốc là cản trở ngoại giao,
trói buộc ASEAN trong các cuộc đàm phán dằng dai, không biết bao giờ mới chấm dứt”
- giáo sư Thayer nhận định.
Trả lời Tuổi Trẻ, giáo sư Renato C. De
Castro thuộc ĐH De La Salle ở Philippines cũng cho rằng Trung Quốc không hề
nghiêm túc trong việc đàm phán bởi nước này đã xác định quyết làm chủ toàn bộ
biển Đông.
Hiếu Trung
Theo Tuổi Trẻ
3,581
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN