Mới đây, Trung Quốc công bố một bản đồ chính thức mới về
lãnh thổ của nước này. Đây là sự nối tiếp những hành động gây hấn của Trung Quốc
thời gian gần đây như thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên biển Hoa
Đông và đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Tấm bản đồ mới với một “đường lưỡi bò” gồm 10 đoạn nuốt gần
trọn biển Đông khiến các nước láng giềng của Trung Quốc trong khu vực Đông Nam
Á, và thậm chí cả Ấn Độ, quan ngại. Trong một bài viết khác, tác giả Harry
Kazianis của The Diplomat gọi cách tiếp cận của Trung Quốc là “mapfare” (tạm dịch:
“phương pháp bản đồ”).
Bằng cách tung ra những tấm bản đồ, Bắc Kinh tiếp tục thúc đẩy
“phiên bản sự thật” của họ trên thực địa từ đó tạo cơ sở cho các tuyên bố như
ADIZ, các hoạt động thăm dò tài nguyên đầy trơ trẽn, và các cuộc tuần tra của lực
lực tuần duyên. Về các cuộc tuần tra của lực lượng tuần duyên Trung Quốc,
Philippines đã “có dịp” mục sở thị vào năm 2012 ở khu vực tranh chấp bãi Hoàng
Nham (Scarborough Shoal).
Một trong những điều khiến dư luận thế giới hiện nay tò mò với
những tấm bản đồ chính thức mà Trung Quốc đưa ra tiếp tục nằm ở “đường 9 đoạn”,
gần đây nhất là “đường 10 đoạn”. Câu hỏi đặt ra là, tại sao Bắc Kinh không “hô
biến” những đoạn đứng quãng này thành một đường hải giới liên tục?
Trước hết, đâu là lợi ích của Bắc Kinh khi duy trì đường 9
(10) đoạn thay vì một đường hải giới liên tục? Để đưa ra câu trả lời cho vấn đề
này, trước hết hãy nói tới những tấm bản đồ.
Ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, những tấm bản đồ có vai
trò quan trọng. Mỗi quốc gia tuyên bố chủ quyền trên biển Đông đều có một tấm bản
đồ riêng về khu vực. Đến nay, khu vực mà tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên
vùng biển này vẫn là rộng lớn nhất và được thể hiện bằng 10 đường đứt đoạn dựa
trên những tấm bản đồ mà Quốc dân đảng sử dụng vào năm 1947.
Có nhiều ý kiến nhận định, tác dụng đầu tiên của những đường
đứt đoạn này là sự mơ hồ có tính toán. Theo Bắc Kinh, các đường đứt đoạn không
thể hiện tuyên bố chủ quyền không thể xâm phạm đối với toàn bộ khu vực nằm
trong đó, mà trên thực tế thể hiện phạm vi tối đa mà ở đó Trung Quốc có quyền
kiểm soát.
The Diplomat bình luận, cách tuyên bố này thể hiện sự xảo
quyệt của Trung Quốc trong vấn đề biển Đông, và sự xảo quyệt đó liên tục vấp phải
sự phản đối trong các cuộc tranh cãi đương đại về chủ quyền trên biển Đông.
Bởi, bằng cách duy trì các đường đứt đoạn, Bắc Kinh thực chất
coi lập trường của mình trong các tuyên bố chủ quyền trên biển là có thể hòa giải
và để ngỏ cho đàm phán với các nước tuyên bố chủ quyền trên biển Đông khác.
Trong một cuộc thảo luận kênh 2 (ngoại giao kênh 1 chủ yếu
là các cuộc đối thoại về an ninh và chính trị giữa các quan chức cấp cao, còn
ngoại giao kênh 2 là những biện pháp ngoại giao bên ngoài kênh chính thức của
chính phủ) giữa các học giả phương Tây và Trung Quốc vào năm 2009, phía Trung
Quốc nói, “nếu các quốc gia có tuyên bố chủ quyền đối với thềm lục địa rộng lớn
rút lại tuyên bố như vậy, thì sẽ có một số khu vực bên trong đường đứt đoạn phù
hợp với việc khai thác chung”.
Thực tế đã thay đổi kể từ khi những tuyên bố ràng buộc này
được đưa ra vào năm 2009. Tuy nhiên, sự mập mờ căn bản của tuyên bố chủ quyền của
Trung Quốc bằng đường 9 (10) đoạn trên biển Đông vẫn tiếp tục duy trì.
Mỹ đã phản đối những tấm bản đồ có “đường lưỡi bò” của Trung
Quốc, cho những những tuyên bố chủ quyền như vậy không có căn cứ bằng luật pháp
quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hiệp quốc về luật biển (UNCLOS). UNCLOS sử dụng
các thực thể lãnh thổ và thềm lục địa làm căn cứ để thiết lập các vùng đặc quyền
kinh tế. Trung Quốc đã phê chuẩn công ước này vào năm 1996.
Đến nay, Trung Quốc chưa hề biến đường 9 (10) đoạn thành một
đường liền mạch hay tìm cách thiết lập một ADIZ trên biển Đông tương tự như đã
làm trên biển hoa Đông bởi lẽ, hai hành động như vậy sẽ khiến Bắc Kinh đánh mất
đi sự mập mờ trong các tuyên bố chủ quyền của mình, mà lại chẳng thu được lợi
ích gì - The Diplomat lý giải. Bằng cách này, Bắc Kinh âm mưu giành quyền kiểm
soát lãnh thổ trên biển Đông mà không cần dẫn chứng lịch sử. Nhưng cũng chính bởi
thế mà tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông càng thêm phần nực cười
nếu xét đến luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.
Nói tóm lại, việc Trung Quốc chọn cách tuyên bố chủ quyền đối
với gần như toàn bộ biển Đông bằng đường đứt đoạn có nguyên nhân sâu xa.
Đường 9 (10) đoạn của Trung Quốc không thực sự là một biên
giới. Đường này không khẳng định thứ mà Trung Quốc có, mà thay vào đó là thứ mà
Trung Quốc “sẽ có” một khi các tranh chấp trên biển Đông không còn.
Đây không phải là một cách tiếp cận “sạch sẽ” trong vấn đề
ngoại giao trên biển Đông, nhưng có lẽ “phương pháp bản đồ” này của Trung Quốc
sẽ không sớm có sự thay đổi - The Diplomat kết luận.
Diệp Vũ
Theo VnEconomy
2,991
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN