
Đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép
trên biển Đông - Ảnh: Reuters
Theo Reuters, hôm qua chính quyền Philippines
lên tiếng chỉ trích việc một tàu chiến Trung Quốc nổ súng bắn cảnh cáo một tàu
cá Philippines trên biển Đông.
Bộ trưởng quốc phòng Philippines
Voltaire Gazmin cho biết tàu chiến Trung Quốc đã nổ súng khi tàu cá Philippines
tiến đến gần một đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang xây trái phép trên biển Đông.
“Đây là một mối lo ngại nghiêm trọng” -
Bộ trưởng Gazmin nhấn mạnh.
Giới truyền thông Philippines nhận định
rõ ràng đây là hành vi leo thang căng thẳng rất đáng lo ngại trên biển Đông. Trước
đó, khi máy bay tuần tra P-8 Poseidon của Mỹ và các máy bay quân sự Philippines
bay gần các đảo nhân tạo, hải quân Trung Quốc cũng ra cảnh báo xua đuổi với lý
do đây là “vùng báo động quân sự” của Bắc Kinh.
Dọa
bắn máy bay Úc
Cũng trong hôm qua, tờ Thời báo Hoàn Cầu
lớn tiếng đe dọa Úc bằng giọng điệu đậm mùi súng đạn. Nguyên nhân bởi trước đó
chính quyền Canberra tuyên bố không công nhận các đảo nhân tạo Trung Quốc xây
trái phép trên biển Đông.
Bộ Quốc phòng Úc cho biết quân đội nước
này cũng có kế hoạch điều máy bay do thám P-3 và tàu chiến tới tuần tra trong
vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo bất hợp pháp của Trung Quốc.
Thủ tướng Úc Tony Abbott nhấn mạnh Úc sẽ
“làm tất cả để bảo vệ tự do hàng hải và hàng không” trên biển Đông. Phản ứng lại,
Thời báo Hoàn Cầu đe dọa Úc sẽ phải “trả giá đắt” nếu hợp tác với Mỹ tuần tra
trên biển Đông.
Ấn phẩm của Nhân Dân Nhật Báo hùng hổ:
“Nếu máy bay quân sự Úc bay tới, Trung Quốc cần học tập Nga, dùng biện pháp mạnh
và triển khai máy bay chiến đấu đuổi nó đi. Nếu cách này không được thì chúng
ta cứ việc bắn rơi máy bay đó”.
Dù Thời báo Hoàn Cầu nổi tiếng là cứng rắn
nhưng hiếm khi tờ báo này dùng lời lẽ như vậy để đe dọa Úc, đối tác thương mại
quan trọng của Trung Quốc. Giới truyền thông Úc nhận định lời lẽ của Thời báo
Hoàn Cầu cho thấy nguy cơ xung đột trên biển Đông là rất lớn. Tờ Financial
Review dẫn lời nhà phân tích hàng hải Sandy Galbraith cảnh báo mối đe dọa đối với
tự do thương mại trên biển Đông là quá rõ ràng.
Cựu thủ tướng Úc Bob Hawke mới đây lên
tiếng chỉ trích Trung Quốc gây hấn. Ông Hawke cho rằng Bắc Kinh cần phải mời
Washington vào bàn đàm phán đa phương cùng các nước khu vực để giải quyết tranh
chấp trên biển Đông. “Đây là cơ hội tốt nhất của chúng ta” - ông Hawke nhấn mạnh.
Tuy nhiên đàm phán đa phương luôn là điều Trung Quốc từ chối.
Trong cuộc họp tham vấn cấp cao Trung Quốc
- ASEAN ở Bắc Kinh hôm 4-6, hai bên đạt thỏa thuận sớm hoàn tất đàm phán Bộ quy
tắc ứng xử trên biển Đông (COC). Tuy nhiên giới quan sát nhận định không nên hi
vọng Bắc Kinh tăng tốc đàm phán COC.
“Quyền
lập ADIZ”
Sau vụ tàu chiến Trung Quốc nổ súng và
Thời báo Hoàn Cầu đe dọa Úc, đến lượt đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải
lớn tiếng tuyên bố Bắc Kinh “có quyền” lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ)
trên biển Đông.
Ông Thôi yêu cầu Mỹ “không đưa ra các
tuyên bố và thực hiện các hành vi bắt nạt” trên biển Đông, bác bỏ cáo buộc của
Washington và nhiều nước rằng Bắc Kinh đang thay đổi hiện trạng trên biển Đông.
“Hiện trạng trên biển đã bị các nước
khác thay đổi từ lâu, và những gì chúng tôi đang làm là phục hồi hiện trạng.
Không có lý do gì để cáo buộc Trung Quốc” - ông Thôi ngang ngược nói. Đại sứ
Trung Quốc tại Mỹ khẳng định quan điểm dối trá rằng các đảo nhân tạo Bắc Kinh
xây trái phép trên biển Đông “trong vùng chủ quyền” của nước này.
Ông Thôi thừa nhận Trung Quốc có thiết lập
một số cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo nhưng “chỉ vì mục đích phòng thủ”.
Trước đó Bộ Quốc phòng Mỹ tố cáo Bắc Kinh triển khai pháo tự hành tới một đảo
nhân tạo. Ông Thôi cho rằng Mỹ nên hành động để “hạ nhiệt” căng thẳng trên biển
Đông. Chưa hết, một quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng phản đối Ấn Độ
thăm dò dầu khí trên biển Đông.
Trên tạp chí The Diplomat, nhà phân tích
Denny Roy nhận định tất cả hành động và tuyên bố của Trung Quốc thời gian qua
cho thấy Bắc Kinh không hề có ý định “phòng thủ” trên biển Đông như cách Bộ Ngoại
giao nước này tuyên truyền, mà thực tế đang dàn trận “tấn công”.
Chuyên gia Roy khẳng định rõ ràng Trung
Quốc đang tìm mọi cách thay đổi hiện trạng trên biển Đông. “Các nước trong khu
vực cần phải chống lại chủ nghĩa bành trướng đơn phương của Trung Quốc, bởi khu
vực sẽ thiệt hại nặng nếu biển Đông biến thành ao nhà của Bắc Kinh” - ông Roy
nhấn mạnh.
Philippines
sẵn sàng cho Nhật sử dụng căn cứ quân sự Tổng thống Philippines
Benigno Aquino đang thăm Nhật để tăng cường hợp tác song phương. Theo AFP, tại
Tokyo ông Aquino cho biết Manila sẵn sàng đàm phán thỏa thuận cho phép lực lượng
Nhật sử dụng các căn cứ Philippines để mở rộng hoạt động trên biển Đông.
Ông Aquino và Thủ tướng Nhật
Shinzo Abe đạt thỏa thuận tăng cường các cuộc tập trận chung và Tokyo sẽ hỗ
trợ năng lực của lực lượng cảnh sát biển Philippines. |
HIẾU TRUNG - TRẦN PHƯƠNG
Theo
Tuổi Trẻ
3,547
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN