Ông Trần Thu Tâm (157/5 Tô Hiến Thành,
phường 12, quận 10, TP.HCM) phản ánh sau nhiều lần làm hồ sơ để xóa án
tích nhưng yêu cầu của ông vẫn chưa được TAND quận 10 giải quyết.
Đi
xóa án tích, cán bộ tòa không nhận
Ông Tâm kể, giữa năm 1994, ông bị TAND
quận 10 tuyên phạt 30 tháng tù do liên quan đến một vụ gây rối trật tự công
cộng. Hai năm sau, do cải tạo tốt, đã bồi thường hết cho phía người
bị hại nên ông được ra tù trước thời hạn. Sau đó do lu bu công việc nên
ông quên làm thủ tục xóa án tích. Mãi đến năm 2013, sau khi đi tìm
việc và gặp rắc rối do nhân thân có tì vết, ông mới nhớ là cần
phải làm thủ tục này. Tuy nhiên, đã nhiều lần ông lên TAND quận 10 để
nộp hồ sơ nhưng cán bộ tiếp nhận từ chối rồi cũng không có hướng dẫn
gì.
“Suốt thời gian qua, tôi cố gắng trở
thành một công dân tốt, muốn tìm được một công việc để nuôi sống bản thân và
gia đình. Tuy nhiên, với bản án đã mang, tôi nộp đơn xin việc rất khó khăn, đi
chỗ nào người ta cũng lắc đầu vì đã từng vào tù. Để được nhận làm nhân viên bảo
vệ, nhiều công ty bảo tôi phải có quyết định xóa án tích. Vậy mà tòa đã
không hỗ trợ cho tôi” - ông Tâm than thở.
Cũng theo ông Tâm, hai năm trước, để
làm hồ sơ, ông phải mất hàng tháng trời liên hệ với công an và ủy ban địa phương
xin xác nhận nhân thân. Làm hồ sơ xong, ông tưởng mọi chuyện sẽ thuận lợi,
ai ngờ lại vướng ở tòa.
“Suốt từ đó đến giờ, tôi phải chấp
nhận cảnh làm việc của những người không giấy tờ vì sợ đưa lý lịch ra thì
người ta lại không nhận vào làm. Tôi muốn có một công việc ổn định lâu
dài, đề nghị tòa phải làm thủ tục xóa án tích cho tôi theo đúng quy
định” - ông Tâm mong mỏi.

Ông Tâm mong mỏi sớm được tòa xóa
án tích để dễ dàng tìm việc làm. Ảnh: NH
Sẽ
xem xét hỗ trợ người dân
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Cao
Thanh Hùng, Chánh án TAND quận 10 (TP.HCM), cho biết: Qua xác minh lại thì
thấy cán bộ thụ lý có sai sót. Với hồ sơ ông Tâm nộp lúc ấy thì
lý ra phải giải quyết cho ông. Ngoài sai sót của cán bộ tòa, một
điều đáng tiếc là lý ra nếu khi không được nhận hồ sơ, ông Tâm khiếu nại
ngay lên chánh án hoặc lên tòa cấp trên thì có lẽ đã được giải quyết sớm.
Phóng viên đặt vấn đề trường hợp của
ông Tâm hiện nay, để được xóa án tích thì ông phải làm như thế nào?
Ông Cao Thanh Hùng cho biết thêm với hồ
sơ của ông Tâm cung cấp thì hiện chỉ cần ông bổ sung lại đơn đề nghị cấp giấy
chứng nhận không phạm tội mới tại công an quận và đơn đề nghị chứng nhận thái độ
chấp hành pháp luật tại địa phương của UBND phường, nơi ông đang thường trú, từ
thời gian chấp hành xong bản án đến thời điểm hiện tại. Vì trước đây những giấy
tờ trên chỉ xác nhận đến năm 2013, đến hôm nay lại dùng xác nhận này để
giải quyết thì không đúng quy định. Sau khi có hồ sơ, tòa sẽ hỗ trợ ông
hoàn tất việc xóa án tích để ông có điều kiện thuận lợi nhất hòa
nhập cuộc sống.
Thủ
tục xóa án tích Theo quy định của Bộ luật
Hình sự, các trường hợp sau đương nhiên được xóa án tích: Người được miễn
hình phạt; người bị kết án không phải về các tội quy định tại chương XI (các
tội xâm phạm an ninh quốc gia) và chương XXIV (các tội phá hoại hòa bình, chống
loài người và tội phạm chiến tranh), nếu từ khi chấp hành xong bản án (về
hình phạt và các khoản tiền án phí, tiền phạt hoặc khoản tiền bồi thường dân
sự khác) hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành án, người đó không phạm tội mới
trong thời hạn: Một năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo
không giam giữ hoặc phạt tù cho hưởng án treo; ba năm trong trường hợp phạt
tù đến ba năm; năm năm trong trường hợp phạt tù trên ba năm đến 15 năm. Về việc làm thủ tục xóa án
tích, theo quy định Bộ luật Tố tụng hình sự, người có yêu cầu xóa án tích đến
nộp đơn yêu cầu chánh án tòa án đã xử sơ thẩm vụ án cấp giấy chứng nhận xóa
án tích. Hồ sơ gồm đơn theo mẫu xin cấp giấy chứng nhận xóa án tích kèm các
tài liệu như giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù của trại giam nơi thụ
hình án cấp; giấy xác nhận của cơ quan thi hành án dân sự về việc thi hành
xong các khoản bồi thường, án phí, tiền phạt; giấy chứng nhận không phạm tội
mới do công an quận (huyện) nơi người đó thường trú cấp (theo mẫu quy định
của ngành công an), bản sao hộ khẩu; bản sao chứng minh nhân dân… |
NGUYỄN HIỀN
Theo
Pháp luật TP.HCM
7,470
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN