Đề xuất xử lý vi phạm pháp luật về an toàn, chất lượng thực phẩm

Dưới đây là bài viết về việc đề xuất xử lý vi phạm pháp luật về an toàn, chất lượng thực phẩm.

Đề xuất xử lý vi phạm pháp luật về an toàn, chất lượng thực phẩm (Hình từ Internet)

Bộ Y tế đang lấy ý kiến dự thảo Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi).

dự thảo Luật 

1. Đề xuất xử lý vi phạm pháp luật về an toàn, chất lượng thực phẩm

Theo Điều 6 dự thảo Luật quy định xử lý vi phạm pháp luật về an toàn, chất lượng thực phẩm như sau:

(1) Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật. 

(2) Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm quy định của dự thảo Luật hoặc các quy định khác của pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. 

(3) Mức phạt tiền đối với vi phạm hành chính quy định tại khoản (1) được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Mức phạt tiền tối đa là 200.000.000 đồng đối với cá nhân và 400.000.000 đồng đối với tổ chức, trừ trường hợp áp dụng mức phạt cao nhất theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà vẫn còn thấp hơn 07 lần giá trị thực phẩm vi phạm thì mức phạt được áp dụng không quá 07 lần giá trị thực phẩm vi phạm. Tiền thu được do vi phạm mà có bị tịch thu theo quy định của pháp luật. 

(4) Chính phủ quy định cụ thể về hành vi, hình thức và mức xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm quy định tại Điều 6 dự thảo Luật. 

2. Chính sách của Nhà nước về chất lượng, an toàn thực phẩm 

Căn cứ Điều 4 dự thảo Luật quy định chính sách của Nhà nước về chất lượng, an toàn thực phẩm như sau:

- Xây dựng các chuỗi giá trị và liên kết các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn chất lượng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật tương ứng, quy định do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành; ưu tiên hỗ trợ phát triển các vùng chuyên canh, theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP); xây dựng các vùng sản xuất nguyên liệu thực phẩm an toàn, chợ đầu mối nông sản thực phẩm, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm quy mô công nghiệp bảo đảm người dân được tiếp cận và sử dụng lương thực, thực phẩm an toàn, bền vững.

- Sử dụng nguồn lực nhà nước và các nguồn lực khác đầu tư nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ phục vụ sản xuất, phân tích nguy cơ đối với an toàn, chất lượng thực phẩm; nâng cao năng lực các phòng thí nghiệm phân tích hiện có; xây dựng mới, nâng cấp một số phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn khu vực, quốc tế.

- Khuyến khích các cơ sở kinh doanh thực phẩm đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất; sản xuất thực phẩm chất lượng cao, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng bảo đảm an toàn; xây dựng thương hiệu và phát triển hệ thống cung cấp thực phẩm an toàn.

- Mở rộng hợp tác quốc tế, đẩy mạnh ký kết điều ước, thỏa thuận quốc tế về công nhận, thừa nhận lẫn nhau trong lĩnh vực thực phẩm.

- Khuyến khích, tạo điều kiện cho hội, hiệp hội, tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư, tham gia vào các hoạt động xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, kiểm nghiệm thực phẩm.

- Tăng đầu tư, đa dạng các hình thức, phương thức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức người dân về tiêu dùng thực phẩm an toàn, chất lượng ý thức trách nhiệm và đạo đức kinh doanh của tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm đối với cộng đồng.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thực phẩm liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành. Phát triển hệ thống thông tin thực phẩm.

- Tăng cường quản lý thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc và kiểm soát thực phẩm.

- Khuyến khích sự tham gia của người dân trong việc giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm. Nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

- Căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, Chính phủ xây dựng nguyên tắc, tiêu chí xác định các nhóm sản phẩm thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm có khả năng sử dụng sai mục đích, dễ bị lạm dụng để có chính sách kiểm soát chặt chẽ.

Nguyễn Thị Mỹ Quyền

7

tin noi bat
Tin mới
Các tin khác