
Quy định mới về chuyển dữ liệu cá nhân ra nước ngoài 01/01/2026 (Hình từ Internet)
Tại Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân quy định việc chuyển dữ liệu cá nhân ra nước ngoài là hoạt động sử dụng không gian mạng, thiết bị, phương tiện điện tử hoặc các hình thức khác chuyển dữ liệu cá nhân của công dân Việt Nam tới một địa điểm nằm ngoài lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc sử dụng một địa điểm nằm ngoài lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để xử lý dữ liệu cá nhân của công dân Việt Nam, bao gồm:
- Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chuyển dữ liệu cá nhân của công dân Việt Nam cho tổ chức, doanh nghiệp, bộ phận quản lý ở nước ngoài để xử lý phù hợp với mục đích đã được chủ thể dữ liệu đồng ý;
- Xử lý dữ liệu cá nhân của công dân Việt Nam bằng các hệ thống tự động nằm ngoài lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân, Bên Xử lý dữ liệu cá nhân phù hợp với mục đích đã được chủ thể dữ liệu đồng ý.
Quy định mới về chuyển dữ liệu cá nhân ra nước ngoài 01/01/2026
Ngày 26/06/2025, Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân 2025 (Luật số 91/2025/QH15), có hiệu lực từ 01/01/2026.
Theo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân 2025 quy định việc chuyển dữ liệu cá nhân xuyên biên giới như sau:
(1) Các trường hợp chuyển dữ liệu cá nhân xuyên biên giới bao gồm:
- Chuyển dữ liệu cá nhân đang lưu trữ tại Việt Nam đến hệ thống lưu trữ dữ liệu đặt ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam chuyển dữ liệu cá nhân cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài;
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam hoặc ở nước ngoài sử dụng nền tảng ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để xử lý dữ liệu cá nhân được thu thập tại Việt Nam.
(2) Cơ quan, tổ chức, cá nhân chuyển dữ liệu cá nhân xuyên biên giới thực hiện các hoạt động quy định tại (1) phải lập hồ sơ đánh giá tác động chuyển dữ liệu cá nhân xuyên biên giới và gửi 01 bản chính cho cơ quan chuyên trách bảo vệ dữ liệu cá nhân trong thời gian 60 ngày kể từ ngày đầu tiên chuyển dữ liệu cá nhân xuyên biên giới, trừ trường hợp quy định tại (6).
(3) Đánh giá tác động chuyển dữ liệu cá nhân xuyên biên giới được thực hiện 01 lần cho suốt thời gian hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó và được cập nhật theo quy định tại Điều 22 của Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân 2025.
(4) Cơ quan chuyên trách bảo vệ dữ liệu cá nhân quyết định việc kiểm tra chuyển dữ liệu cá nhân xuyên biên giới định kỳ không quá 01 lần trong năm hoặc kiểm tra đột xuất khi phát hiện hành vi vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân hoặc khi xảy ra sự cố lộ, mất dữ liệu cá nhân.
(5) Cơ quan chuyên trách bảo vệ dữ liệu cá nhân quyết định yêu cầu ngừng chuyển dữ liệu cá nhân xuyên biên giới của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi phát hiện dữ liệu cá nhân được chuyển để sử dụng vào hoạt động có thể gây tổn hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia.
(6) Các trường hợp không phải thực hiện quy định về đánh giá tác động chuyển dữ liệu cá nhân xuyên biên giới bao gồm:
- Việc chuyển dữ liệu cá nhân xuyên biên giới của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Cơ quan, tổ chức lưu trữ dữ liệu cá nhân của người lao động thuộc cơ quan, tổ chức đó trên dịch vụ điện toán đám mây;
- Chủ thể dữ liệu cá nhân tự chuyển dữ liệu cá nhân của mình xuyên biên giới;
- Các trường hợp khác theo quy định của Chính phủ.
Đồng thời, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân 2025 việc bảo vệ dữ liệu cá nhân đối với các nền tảng mạng xã hội, dịch vụ truyền thông trực tuyến. Theo đó quy định tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ mạng xã hội, dịch vụ truyền thông trực tuyến có trách nhiệm công khai chính sách bảo mật, giải thích rõ cách thức thu thập, sử dụng và chia sẻ dữ liệu cá nhân; cung cấp cho người dùng cơ chế truy cập, chỉnh sửa, xóa dữ liệu và thiết lập quyền riêng tư cho dữ liệu cá nhân, báo cáo các vi phạm về bảo mật và quyền riêng tư; bảo vệ dữ liệu cá nhân của công dân Việt Nam khi chuyển dữ liệu xuyên biên giới; xây dựng quy trình xử lý vi phạm về bảo vệ dữ liệu cá nhân nhanh chóng và hiệu quả.
Ngoài ra, Luật quy định mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức có hành vi vi phạm quy định chuyển dữ liệu cá nhân xuyên biên giới là 5% doanh thu của năm trước liền kề của tổ chức đó; trường hợp không có doanh thu của năm trước liền kề hoặc mức phạt tính theo doanh thu thấp hơn mức phạt tiền tối đa theo quy định là 3 tỷ đồng thì áp dụng mức phạt tiền 3 tỷ đồng.
*Ghi chú: Hồ sơ đánh giá tác động xử lý dữ liệu cá nhân, hồ sơ đánh giá tác động chuyển dữ liệu cá nhân ra nước ngoài theo quy định của Nghị định số 13/2023/NĐ-CP tiếp nhận trước ngày 01/01/2026 thì tiếp tục được sử dụng và không phải lập hồ sơ đánh giá tác động xử lý dữ liệu cá nhân, hồ sơ đánh giá tác động chuyển dữ liệu cá nhân xuyên biên giới theo quy định của Luật này; việc cập nhật các hồ sơ đã lập nêu trên sau 01/01/2026 thì thực hiện theo quy định của Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân 2025.
Trên đây là nội dung Quy định mới về chuyển dữ liệu cá nhân ra nước ngoài 01/01/2026.
Xem thêm tại Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân 2025 có hiệu lực từ 01/01/2026.
16
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN