
Chính phủ được điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước trong một số trường hợp từ 01/01/2026 (Hình từ Internet)
Chính phủ được điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước trong một số trường hợp từ 01/01/2026
Tại Luật ngân sách nhà nước 2025, Quốc hội quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ đối với việc thực hiện ngân sách nhà nước như sau:
(1) Trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án luật, nghị quyết, pháp lệnh và các báo cáo, dự án khác về lĩnh vực tài chính - ngân sách; ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực tài chính - ngân sách theo thẩm quyền.
(2) Lập và trình Quốc hội kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia.
(3) Lập và trình Quốc hội dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương hằng năm, dự toán điều chỉnh ngân sách nhà nước trong trường hợp có biến động làm tăng mức vay, bội chi ngân sách nhà nước so với dự toán đã phân bổ cần phải điều chỉnh.
(4) Điều chỉnh dự toán thu, chi của một số Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương và một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhưng không làm tăng tổng mức vay, bội chi ngân sách nhà nước, định kỳ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất trong các trường hợp sau đây
- Số thu dự kiến tăng hoặc không đạt so với dự toán cần phải điều chỉnh nhiệm vụ chi so với dự toán được Quốc hội quyết định;
- Điều chỉnh cơ cấu chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên hoặc điều chỉnh các lĩnh vực chi đã được Quốc hội quyết định;
- Có yêu cầu cấp bách về quốc phòng, an ninh hoặc vì lý do khách quan cần phải điều chỉnh;
- Điều chỉnh mức vay, bội chi ngân sách giữa các địa phương bảo đảm trong tổng mức vay, bội chi ngân sách địa phương đã được Quốc hội quyết định.
(5) Quyết định sử dụng tăng thu so với dự toán, dự toán chi còn lại của ngân sách trung ương và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết quả thực hiện, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất theo quy định tại khoản 2 Điều 61 của Luật này.
Kết thúc năm ngân sách, số tăng thu so với dự toán, dự toán chi còn lại của cấp ngân sách được sử dụng cho các nội dung sau đây:
- Giảm bội chi, tăng chi trả nợ, bao gồm trả nợ gốc và lãi;
- Bổ sung tăng dự phòng ngân sách trong phạm vi từ 2% đến 5% tổng chi ngân sách mỗi cấp, trong đó chi của ngân sách cấp trên không bao gồm chi bổ sung cân đối cho ngân sách cấp dưới, chi của ngân sách cấp dưới không bao gồm chi bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên (nếu có); và tăng quỹ dự trữ tài chính trong phạm vi số dư của quỹ dự trữ tài chính ở mỗi cấp không vượt quá 25% dự toán chi ngân sách hàng năm của cấp đó, không bao gồm chi bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên (nếu có);
- Bổ sung nguồn thực hiện chính sách tiền lương;
- Tăng chi đầu tư một số dự án quan trọng;
- Thực hiện một số chính sách an sinh xã hội;
- Thực hiện nhiệm vụ Thưởng vượt dự toán thu và phân bổ cho các chương trình, nhiệm vụ, dự án ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn theo quy định của Chính phủ.
(6) Thống nhất quản lý ngân sách nhà nước, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý ngành và địa phương trong việc thực hiện ngân sách nhà nước.
(7) Quyết định các giải pháp và tổ chức điều hành thực hiện ngân sách nhà nước được Quốc hội quyết định; kiểm tra việc thực hiện ngân sách nhà nước; báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước, các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
(8) Báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tài chính - ngân sách khi có yêu cầu.
(9) Quy định quy trình, thủ tục lập dự toán, phân bổ ngân sách; bổ sung dự toán ngân sách trong năm; thu nộp, kiểm soát, thanh toán chi ngân sách, quyết toán ngân sách; ứng trước dự toán ngân sách năm sau; sử dụng dự phòng ngân sách; sử dụng quỹ dự trữ tài chính và các quỹ tài chính khác của Nhà nước theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật khác có liên quan.
(10) Quyết định những chế độ chi ngân sách quan trọng, phạm vi ảnh hưởng rộng, liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của cả nước sau khi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
(11) Quyết định các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách thực hiện thống nhất trong cả nước, không bao gồm chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi của ngành, lĩnh vực; đối với một số chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách, để phù hợp đặc điểm của địa phương, quy định khung và giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định cụ thể, trừ trường hợp có quy định khác của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực.
(12) Xây dựng các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ ngân sách trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định làm căn cứ lập dự toán, phân bổ ngân sách cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở trung ương và các địa phương.
(13) Hướng dẫn, kiểm tra Hội đồng nhân dân trong việc thực hiện văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên; kiểm tra tính hợp pháp văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính - ngân sách theo quy định của pháp luật.
(14) Lập và trình Quốc hội quyết toán ngân sách nhà nước, quyết toán các chương trình, dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
(15) Quy định cụ thể điều kiện được bội chi ngân sách địa phương để bảo đảm phù hợp với khả năng trả nợ của địa phương và tổng mức bội chi chung của ngân sách nhà nước.
(16) Quy định việc quản lý khoản tài trợ, đóng góp tự nguyện; khoản viện trợ không hoàn lại cho Nhà nước, Chính phủ Việt Nam và chính quyền địa phương.
(17) Quy định việc ngân sách nhà nước hỗ trợ các tổ chức xã hội thực hiện các nhiệm vụ được Nhà nước giao.
(18) Quy định việc sử dụng vốn đầu tư phát triển của ngân sách địa phương cho các dự án đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng trên địa bàn thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách cấp trên trực tiếp; hỗ trợ địa phương khác đầu tư xây dựng dự án, công trình trọng điểm, liên kết vùng, liên kết quốc gia, liên kết quốc tế, có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và nhiệm vụ quan trọng khác.
(19) Quy định việc thực hiện quản lý ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ.
Trên đây là nội dung nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ đối với việc thực hiện ngân sách nhà nước.
Như vậy, Chính phủ được điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước trong một số trường hợp.
Xem thêm tại Luật ngân sách nhà nước 2025 có hiệu lực từ 01/01/2026.
12