
Công điện 30: Về việc chủ động ứng phó mưa lớn Bắc bộ (Hình từ Internet)
Ngày 28/06/2025, Bộ Xây dựng ban hành Công điện 30/CĐ-BXD về việc chủ động ứng phó mưa lớn Bắc bộ.
 |
Công điện 30/CĐ-BXD |
Công điện 30: Về việc chủ động ứng phó mưa lớn Bắc bộ
Triển khai thực hiện Công điện 97/CĐ-TTg ngày 27/6/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó với mưa lớn ở Bắc Bộ; theo nhận định của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ đêm 26 đến 28/6 khu vực Tây Bắc, Việt Bắc tiếp tục có mưa với lượng mưa 30-80mm, cục bộ có nơi trên 250mm, từ ngày 28/6 đến ngày 02/7/2025 Bắc Bộ có thể xuất hiện đợt mưa lớn với lượng mưa từ 100-300mm, cục bộ có nơi trên 500mm, trên các sông: Thao, Lô, Cầu, Thương, Lục Nam và các sông suối nhỏ có khả năng xuất hiện đợt lũ với biên độ từ 2-5m, đỉnh lũ ở mức báo động 1 đến báo động 2, có nơi trên báo động 2. Để chủ động ứng phó hậu quả do mưa lũ gây ra đối với công trình, nhà cửa, cơ sở hạ tầng giao thông, xây dựng và đảm bảo an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông, Bộ Xây dựng yêu cầu:
(1) Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc Bộ có liên quan đến nhiệm vụ phòng, chống thiên tai tổ chức thực hiện nhiệm vụ đã được giao tại Quyết định 644/QĐ-BXD ngày 22/5/2025 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Phương án phòng, chống thiên tai năm 2025 theo các cấp độ rủi ro thiên tai và tiến hành thực hiện ngay các nội dung Văn bản 5645/BXD-VT&ATGT ngày 24/6/2025 về triển khai Chỉ thị 19/CT-TTg ngày 19/6/2025 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống, khắc phục thiệt hại do thiên tai trước mùa mưa bão năm 2025.
(2) Cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động triển khai công tác khắc phục hậu quả mưa lũ và đảm bảo giao thông thông suốt, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện lưu thông trên các tuyến quốc lộ, cao tốc:
- Tập trung kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở, lũ quét để có phương án xử lý và phân luồng giao thông từ xa;
- Bố trí lực lượng trực gác, hướng dẫn giao thông tại các vị trí có nguy cơ bị ngập sâu, chảy xiết, nhất là qua ngầm, tràn, bến phà, cầu phao, đò ngang; cử người canh gác, cắm phao tiêu, rào chắn, báo hiệu ở những vị trí đường bị ngập nước sâu, ngầm tràn, đoạn đường bị đứt, đoạn đường bị sạt lở,… kiên quyết không cho phép người và phương tiện đi qua khi còn có nguy cơ không đảm bảo an toàn;
- Đối với các vị trí bị sạt lở, sụt trượt lớn gây ách tắc giao thông phải cử ngay Lãnh đạo các Khu Quản lý đường bộ phối hợp với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN địa phương đến hiện trường, triển khai ngay phương án phân luồng từ xa, khẩn trương khắc phục sự cố, huy động tối đa máy móc, trang thiết bị và nhân lực hiện có trên địa bàn để đảm bảo thông xe trong thời gian nhanh nhất.
(3) Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam:
- Chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm chế độ tuần tra, chốt gác các công trình, vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm như: cầu, đường yếu, dễ bị ngập nước; khu vực hay xảy ra lũ quét, các đoạn đường đèo dốc thường có đá rơi, đất sụt, các khu vực đường sắt ở phía hạ lưu đê, đập thủy lợi, hồ chứa nước;
- Chỉ đạo các đơn vị tập trung phương tiện, vật tư, thiết bị và nhân lực khắc phục hậu quả mưa lũ và đảm bảo giao thông thông suốt trong thời gian nhanh nhất;
- Có kế hoạch dừng tàu, giãn tàu, tăng bo, chuyển tải hành khách khi tình hình mưa lũ gây ngập úng, sụt trượt tại các khu gian phải dừng tàu.
(4) Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam:
- Khẩn trương triển khai tổ chức thực hiện phương án thường trực chống va trôi các cầu trọng yếu trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia (khu vực miền Bắc và miền Trung trước 01/7/2025) theo kế hoạch đã được Bộ giao;
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các đơn vị liên quan của địa phương trong việc hướng dẫn nơi neo đậu, tránh trú an toàn cho các phương tiện và có các biện pháp đảm bảo an toàn về người, phương tiện khi có tình huống khẩn cấp xảy ra; yêu cầu các phương tiện neo đậu gần các cầu vượt sông khẩn trương di dời đến vị trí an toàn, tuyệt đối không để các phương tiện đâm va vào các công trình vượt sông;
- Đôn đốc các đơn vị quản lý, bảo trì đường thủy nội địa kịp thời thu hồi phao tiêu, báo hiệu trước khi lũ về hoặc khi nhận được thông báo xả lũ của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương; kịp thời triển khai lại hệ thống phao tiêu, báo hiệu ngay sau mưa lũ.
(5) Cục Kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng chỉ đạo các Ban Quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà thầu thi công, các đơn vị liên quan bảo đảm an toàn thi công công trình xây dựng và phòng chống sạt lở trong mùa mưa lũ; đồng thời, triển khai công tác ứng phó với mưa, lũ, chuẩn bị các điều kiện để kịp thời khắc phục các sự cố công trình, phối hợp đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến đường vừa thi công vừa khai thác
(6) Sở Xây dựng các địa phương trong khu vực chịu ảnh hưởng của đợt mưa lũ này phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành ở địa phương, các Khu Quản lý đường bộ và các đơn vị quản lý, sửa chữa đường bộ, đường sắt chủ động khắc phục sự cố do mưa lũ gây ra; tiến hành phân luồng, đảm bảo giao thông trên các tuyến đường được giao quản lý; phối hợp ngành đường sắt trong việc điều hành việc vận tải, tăng bo, chuyển tải hành khách và hàng hóa khi có yêu cầu.
(7) Các cơ quan, đơn vị nói trên tổ chức trực ban 24/24h và báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Xây dựng, điện thoại: 0989.642.456; email: [email protected].
Xem chi tiết nội dung tại Công điện 30/CĐ-BXD ban hành ngày 28/06/2025.
Nguyễn Thị Mỹ Quyền
15