Báo cáo giải trình của Bộ
trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình gửi đến các đại biểu Quốc hội trước phần đăng
đàn của ông Bình rất dày dặn, tới 15 trang, với 5 nội dung lớn: nâng cao chất
lượng công vụ; giải pháp tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công
chức; giải pháp quản lý số lượng cấp phó ở các cơ quan TƯ; thực hiện lộ trình
tăng lương; xử lý tiêu cực trong công tác quy hoạch, tuyển dụng, bổ nhiệm, luân
chuyển cán bộ.

Bộ
trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình
Nội dung thiết thực được Bộ trưởng Nội vụ tập trung làm
rõ là việc thực hiện lộ trình tăng lương. Ông Bình nhắc lại định hướng đã trình
trung ương từ năm 2012 là “điều chỉnh mức lương tối thiểu khu vực hưởng lương từ
ngân sách nhà nước theo lộ trình tiến tới bảo đảm nhu cầu tối thiểu của người hưởng
lương gắn với đổi mới hoạt động sự nghiệp công và phù hợp với khả năng nền kinh
tế”.
Tuy nhiên, một lần nữa, người đứng đầu ngành Nội vụ nhắc
lại lý do việc triển khai thực hiện các giải pháp tạo nguồn và đổi mới cơ chế đối
với các đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy mới
được 1 năm chưa có nhiều kết quả; kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, chưa thể
tăng trưởng cao trong 1-2 năm tới nên khó bố trí đủ nguồn cho cải cách tiền
lương.
Bộ trưởng Nội vụ hứa sẽ tiếp tục chỉnh lại đề án cải cách
chính sách tiền lương để báo cáo cấp trên xem xét thông qua vào thời điểm thích
hợp, khi có đủ điều kiện thực hiện. Trong thời gian Trung ương chưa thông qua đề
án “không bổ sung các loại phụ cấp ưu đãi, trách nhiệm, đặc thù theo ngành, nghề”,
Bộ Nội vụ sẽ căn cứ tình hình kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách để báo cáo
Chính phủ trình Quốc hội từng bước điều chỉnh tiền lương cho phù hợp.
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cũng thông tin, tháng 4 vừa
qua, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ dự kiến điều chỉnh mức lương cơ sở từ năm
2015 đến năm 2020 tăng bình quân từ 7-8%/năm. Theo đó, đến năm 2020 mức lương
cơ sở là 1.800.000 đồng/tháng (tăng thêm 56,5% so với hiện nay). Đồng thời với
đó, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cũng được điều chỉnh bằng với mức tăng
lương cơ sở, điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công bằng hoặc cao hơn mức tăng
tiền lương của người tại chức.
Tuy nhiên, do khả năng ngân sách nhà nước năm 2015 không
bố đủ nguồn thực hiện phương án nêu trên, ông Bình phân trần, Chính phủ đã
trình Quốc hội thực hiện điều chỉnh tiền lương và trợ cấp từ ngân sách nhà nước
tăng thêm 8% từ ngày 1/1/2015 đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp ưu đãi người
có công và người có hệ số lương từ 2,34 trở xuống (tức người có mức lương dưới
5 triệu đồng/tháng). Dự kiến ngân sách nhà nước bố trí khoảng 11,1 nghìn tỷ đồng
để thực hiện.
Về giải pháp quản lý
số lượng cấp phó ở các cơ quan Trung ương, Bộ trưởng Nguyễn
Thái Bình nêu 5 gạch đầu dòng. Giải pháp đầu tiên, tiếp tục thực hiện đúng quy
định về số lượng cấp phó trong các tổ chức của cả hệ thống chính trị từ Trung
ương đến cấp huyện như quy định hiện hành.
Giải pháp thứ 2 là thực hiện nguyên tắc Phó Thủ trưởng cơ
quan cấp trên không kiêm Thủ trưởng cơ quan cấp dưới.
Giải pháp thứ 3 là kiểm soát chặt chẽ số lượng cấp phó
trong các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm chỉ bổ nhiệm cấp
phó khi còn chỉ tiêu về số lượng cấp phó trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Giải pháp thứ 4, các cơ quan, đơn vị có số lượng cấp phó
vượt quy định phải báo cáo cấp có thẩm quyền về kế hoạch điều chỉnh theo quy định
của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Và giải pháp thứ 5, cx lý trách nhiệm người có thẩm quyền
bổ nhiệm cấp phó trong các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập không
thực hiện đúng quy định về số lượng cấp phó.
Việc chấn chỉnh công
tác quản lý cán bộ công chức, Bộ trưởng Nội vụ điểm lại
việc đã tham mưu trình Thủ tướng ban hành chỉ thị số 07 (tháng 3/2014) về việc
đẩy mạnh phòng chống tiêu cực trong quản lý công chức, viên chức và thi đua
khen thưởng. Chương trình hành động để triển khai chỉ thị 07 cũng được Bộ xây dựng
ngay sau đó. Tuy nhiên, báo cáo của ông Bình chưa nêu thông tin nào về kết quả
thực hiện chỉ thị này.
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình trình bày thêm việc đốc thúc
các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, TCty nhà nước đề nghị rà soát, giải
quyết nghỉ hưu đối với công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý theo đúng
quy định của pháp luật. Nhóm cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện Thủ tướng
quản lý đến thời điểm hiện nay, ông Bình khẳng định, không còn trường hợp nào
kéo dài tuổi nghỉ hưu để làm nhiệm vụ quản lý theo quy định của pháp luật.
Năm 2014, theo Bộ trưởng Nội vụ, thêm một việc ngành làm
được là ban hành kế hoạch, lập đoàn kiểm tra việc thực hiện các quy định về tuyển
dụng, sử dụng và quản lý công chức; quản lý biên chế công chức trong các đơn vị
sự nghiệp công lập, cán bộ tại DNNN từ năm 2010 đến hết quý II năm 2014.
Trong tháng 8 và tháng 9/2014, Đoàn kiểm tra của Bộ Nội vụ
đã tiến hành làm việc và kiểm tra tại nhiều tỉnh như Trà Vinh, tỉnh Bình Dương,
tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Yên Bái, tỉnh Đắk Lắk, tỉnh
Phú Thọ, tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Hà Giang... về các nội dung này.
Qua kiểm tra, thanh tra, ông Bình cho biết, Bộ Nội vụ đã
có các văn bản đôn đốc, nhắc nhở các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các
quy định của pháp luật về tuyển dụng và quản lý, sử dụng biên chế công chức,
viên chức, tránh việc sử dụng biên chế công chức vượt số lượng biên chế được
giao hoặc việc ký hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn trong các cơ quan
nhà nước.
P.Thảo
Theo
Dân trí
8,330
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN