
Doanh nghiệp nợ bao nhiêu tiền thuế thì bị tạm hoãn xuất cảnh? (Hình từ Internet)
Doanh nghiệp nợ tiền thuế bao nhiêu thì người đại diện theo pháp luật bị tạm hoãn xuất cảnh?
Theo Điều 3 Nghị định 49/2025/NĐ-CP, áp dụng ngưỡng tiền thuế nợ và thời gian nợ trong các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh
(1) Cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh thuộc trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế có số tiền thuế nợ từ 50 triệu đồng trở lên và số tiền thuế nợ đã quá thời hạn nộp theo quy định trên 120 ngày.
(2) Cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuộc trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế có số tiền thuế nợ từ 500 triệu đồng trở lên và số tiền thuế nợ đã quá thời hạn nộp theo quy định trên 120 ngày.
(3) Cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký có số tiền thuế nợ quá thời hạn nộp theo quy định và sau thời gian 30 ngày kể từ ngày cơ quan quản lý thuế thông báo về việc sẽ áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh mà chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Các trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo Điều 124 Luật Quản lý thuế như sau:
- Người nộp thuế có tiền thuế nợ quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp theo quy định.
- Người nộp thuế có tiền thuế nợ khi hết thời hạn gia hạn nộp tiền thuế.
- Người nộp thuế có tiền thuế nợ có hành vi phát tán tài sản hoặc bỏ trốn.
- Người nộp thuế không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế theo thời hạn ghi trên quyết định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế, trừ trường hợp được hoãn hoặc tạm đình chỉ thi hành quyết định xử phạt.
Như vậy, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp nợ tiền thuế từ 500 triệu đồng trở lên và quá thời hạn nộp trên 120 ngày thì bị tạm hoãn xuất cảnh
** Thông báo về việc tạm hoãn xuất cảnh và hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh (Điều 4 Nghị định 49/2025/NĐ-CP)
- Khi người nộp thuế thuộc trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế thông báo ngay cho cá nhân quy định tại (1) và (2) về việc sẽ áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh bằng phương thức điện tử qua tài khoản giao dịch thuế điện tử của người nộp thuế. Trường hợp không gửi được thông báo bằng phương thức điện tử thì cơ quan quản lý thuế thông báo trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế.
- Đối với người nộp thuế quy định tại (3), cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế thông báo trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế về việc sẽ áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh ngay sau khi ban hành Thông báo về việc người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.
- Sau 30 ngày kể từ ngày gửi thông báo cho người nộp thuế quy định tại (1), (2) và (3) về việc sẽ áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh bằng phương thức điện tử hoặc thông báo trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế mà người nộp thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế ban hành văn bản về việc tạm hoãn xuất cảnh gửi cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để thực hiện tạm hoãn xuất cảnh.
Trường hợp người nộp thuế đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì cơ quan quản lý thuế ban hành ngay thông báo hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh gửi cơ quan quản lý xuất nhập cảnh. Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thực hiện việc hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm nhận được thông báo của cơ quan quản lý thuế.
Thông báo về việc tạm hoãn xuất cảnh, huỷ bỏ tạm hoãn xuất cảnh được gửi đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh bằng việc truyền nhận dữ liệu số giữa hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan quản lý thuế và cơ quan quản lý xuất nhập cảnh. Trường hợp không thực hiện được bằng phương thức điện tử thì cơ quan quản lý thuế gửi thông báo tạm hoãn xuất cảnh, huỷ bỏ tạm hoãn xuất cảnh đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh bằng văn bản giấy.
86
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN