
Công văn 2250/BGDĐT-GDPT: Triển khai tài liệu Hướng dẫn sử dụng Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong dạy và học (Hình từ Internet)
Ngày 12/5/2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 2250/BGDĐT-GDPT về việc triển khai triển khai tài liệu Hướng dẫn sử dụng Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong dạy và học.
 |
Công văn 2250/BGDĐT-GDPT |
Công văn 2250/BGDĐT-GDPT: Triển khai tài liệu Hướng dẫn sử dụng Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong dạy và học
Thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Quyết định 131/QĐ-TTg ngày 25/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã ban hành Thông tư 02/2025/TT-BGDĐT ngày 24/01/2025 quy định Khung năng lực số cho người học.
Để triển khai thực hiện hiệu quả Khung năng lực số cho người học theo Thông tư 02/2025/TT-BGDĐT, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức phổ biến và triển khai nội dung của Thông tư tới các cơ sở giáo dục trên địa bàn, bảo đảm việc áp dụng Khung năng lực số được thực hiện đồng bộ, hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương.
Nhằm hỗ trợ các cơ sở giáo dục trong việc triển khai hoạt động giáo dục hướng đến miền năng lực Ứng dụng trí tuệ nhân tạo và đặc biệt tăng cường sử dụng trí tuệ nhân tạo nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác dạy và học, Bộ GDĐT đã giao nhiệm vụ cho Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam xây dựng tài liệu Hướng dẫn sử dụng trí tuệ nhân tạo trong dạy và học để cung cấp miễn phí cho các cơ sở giáo dục tham khảo, sử dụng trong công tác dạy và học.
Tài liệu cung cấp những thông tin nền tảng và cập nhật về trí tuệ nhân tạo nói chung và các nguyên tắc, phương pháp sử dụng trí tuệ nhân tạo trong dạy và học nói riêng; hướng đến mục tiêu hỗ trợ giáo viên khai thác các tính năng phù hợp của trí tuệ nhân tạo trong dạy học và phát triển năng lực tự học của học sinh thông qua việc sử dụng trí tuệ nhân tạo an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm.
Tài liệu này có tính chất tham khảo, cung cấp định hướng và gợi ý, các cơ sở giáo dục cần lưu ý việc kiểm tra nội dung và chất lượng kỹ lưỡng, đảm bảo phù hợp với tình hình và các yêu cầu thực tế trong công việc, bối cảnh ở địa phương. Tài liệu được các chuyên gia của Viện KHGDVN biên soạn và đã được Hội đồng cấp Viện đánh giá, thẩm định.
Bộ GDĐT giới thiệu tài liệu Hướng dẫn sử dụng trí tuệ nhân tạo trong dạy và học do Viện KHGDVN biên soạn để các sở GDĐT gửi đến các cơ sở giáo dục tham khảo, sử dụng trong công tác dạy và học. Tài liệu được cung cấp trên Website theo địa chỉ: https://ai.vnies.edu.vn
Trong quá trình triển khai, nếu có những vấn đề vướng mắc, đề nghị các Sở GDĐT phản ánh về Bộ GDĐT (qua Vụ Giáo dục Phổ thông) để kịp thời giải quyết.
Xem thêm tại Công văn 2250/BGDĐT-GDPT ban hành ngày 12/5/2025.
Cấu trúc Khung năng lực số cho người học
Cấu trúc Khung năng lực số cho người học theo Khung năng lực số cho người học ban hành kèm theo Thông tư 02/2025/TT-BGDĐT như sau:
- Khung năng lực số cho người học bao gồm 6 miền năng lực với 24 năng lực thành phần, được chia thành 4 trình độ từ cơ bản đến chuyên sâu theo 8 bậc.
- Khái quát các miền năng lực
(I) Khai thác dữ liệu và thông tin: Tập trung vào khả năng tìm kiếm, lọc, đánh giá và quản lý dữ liệu, thông tin, cũng như nội dung số; bao gồm các kỹ năng xác định nguồn thông tin đáng tin cậy, tổ chức dữ liệu một cách hiệu quả và sử dụng chúng để hỗ trợ ra quyết định hoặc giải quyết vấn đề trong môi trường số.
(II) Giao tiếp và hợp tác trong môi trường số: Nhấn mạnh khả năng sử dụng công nghệ số để tương tác, chia sẻ thông tin, làm việc nhóm và tham gia các cộng đồng trực tuyến; bao gồm các kỹ năng như giao tiếp hiệu quả qua các kênh số, tôn trọng đa dạng văn hóa, quản lý danh tính số và thúc đẩy hợp tác trong môi trường kỹ thuật số.
(III) Sáng tạo nội dung số: Tập trung vào khả năng tạo, chỉnh sửa và chia sẻ nội dung số; bao gồm các kỹ năng như phát triển nội dung mới, áp dụng bản quyền và giấy phép, lập trình cơ bản và tích hợp kiến thức từ nhiều nguồn để tạo ra sản phẩm số phù hợp và sáng tạo.
(IV) An toàn: Tập trung vào việc bảo vệ dữ liệu, thiết bị, sức khỏe và môi trường số; bao gồm các kỹ năng như bảo mật thông tin cá nhân, quản lý rủi ro mạng, sử dụng công nghệ số an toàn, bảo đảm sức khỏe tâm lý và thể chất khi tương tác trong môi trường số và thúc đẩy trách nhiệm bảo vệ môi trường kỹ thuật số.
(V) Giải quyết vấn đề: Tập trung vào khả năng tư duy phản biện và sáng tạo để xác định, phân tích và giải quyết các vấn đề trong môi trường số; bao gồm các kỹ năng như khắc phục sự cố kỹ thuật, học hỏi công nghệ mới, điều chỉnh nhu cầu số để đạt mục tiêu và sử dụng công nghệ để đổi mới hoặc giải quyết các thách thức thực tiễn.
(VI) Ứng dụng trí tuệ nhân tạo: Tập trung vào việc hiểu, sử dụng và đánh giá các công cụ, hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) một cách có đạo đức và trách nhiệm; gồm các kỹ năng như nhận biết cách AI hoạt động, áp dụng AI vào các nhiệm vụ thực tiễn, đánh giá tác động đạo đức và xã hội của AI và bảo đảm việc sử dụng AI một cách minh bạch, công bằng và có trách nhiệm.
49
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN