Tại phiên họp Quốc hội ngày 23-10, báo
cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự án Luật BHXH sửa đổi của Ủy ban Thường
vụ Quốc hội (UBTVQH) nêu hai phương án điều chỉnh mức hưởng lương hưu hằng
tháng.
Chọn phương án nào?
Phương án 1: Điều chỉnh tỉ lệ hưởng lương hưu hằng
tháng theo lộ trình, từ năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động
được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với 15
năm đóng BHXH của lao động nữ và 20 năm đóng BHXH của lao động nam. Sau đó cứ
thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Phương án 2: Tán thành với ý kiến của Chính phủ
là số năm đóng BHXH tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương tháng để tính
lương hưu cho người nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm; năm 2019 là 17 năm; năm
2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm và từ năm 2022 trở đi là 20 năm. Sau đó cứ
thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ, mức tối đa bằng
75%.
Theo UBTVQH, việc thực hiện lộ trình theo phương án một sẽ tạo
điều kiện để người lao động có thời gian thích ứng với các thay đổi chính sách
theo nguyên tắc đóng - hưởng (khoản 2 Điều 56).

ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) cho rằng luật thông qua thế
này sẽ dẫn đến bước thụt lùi, người lao động phải đóng bảo hiểm nhiều hơn nhưng
mức hưởng lại thấp hơn. Ảnh: TTXVN
Khả năng vỡ quỹ BHXH
Một số đại biểu QH bày tỏ sự không đồng tình với cách tính
lương hưu quy định tại Điều 56 dự thảo và đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành
để bảo đảm quyền lợi cho người lao động cũng như những người hưởng an sinh xã hội.
“Luật thông qua thế này sẽ dẫn đến bước thụt lùi, người lao
động phải đóng bảo hiểm nhiều hơn nhưng mức hưởng lại thấp hơn” - ĐB Huỳnh Văn
Tính (Tiền Giang) nói.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) lại phân tích:
Nguy cơ mất cân đối của BHXH đang ngày càng hiển hiện, 10-15 năm nữa có khả
năng vỡ quỹ bảo hiểm và ai cũng thấy quan hệ đóng - hưởng hiện nay là bất hợp
lý khi thời gian đóng ngắn so với thời gian hưởng, mức đóng ít so với mức hưởng.
“Nếu đưa ra yêu cầu như một số đại biểu mong muốn là luật
thông qua thì đời sống của người hưởng lương hưu ít nhất sẽ bằng hoặc nâng cao
hơn hiện nay, tôi cho rằng đó là điều rất khó. Nếu như thế có lẽ chúng ta sẽ tiến
nhanh hơn đến việc vỡ quỹ bảo hiểm và tiến nhanh hơn đến chỗ không biết giải
quyết an sinh xã hội thế nào. Chúng ta ấn nút thông qua luật này khi có những
băn khoăn nhưng đây là điều không tránh khỏi. Dự thảo đã cố gắng đưa ra các quy
định giảm thiểu tới mức thấp nhất những thiệt hại cho người lao động. Đặt ra mục
đích cố gắng giảm sốc cho xã hội là phù hợp” - ông Sơn nói.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH Bùi Sỹ Lợi
cũng phân tích mức đóng hiện nay thấp, chỉ đóng 70% trên tiền lương thực tế
trong khu vực có quan hệ lao động lương thực tế là 3,8 triệu đồng mà chúng ta
đóng 2,7 triệu đồng. Hưởng lương thì rất cao, 75% của năm năm cuối hoặc 10 năm
cuối.
Cũng theo ông Lợi, tuổi bình quân về hưu hiện nay là 54 tuổi,
trong khi tuổi thọ là 73. “Nếu chúng ta không tính theo một nguyên tắc cơ bản để
bảo đảm cân bằng quỹ thì sẽ rất khó khăn. Theo hai công thức quy định tại Điều
56, người lao động bắt đầu về hưu trước khi luật này có hiệu lực và người lao động
về hưu sau khi luật này có hiệu lực sẽ có mức lương hưu chênh nhau rất lớn nên
chúng tôi muốn kéo giãn lộ trình này ra...” - ông Lợi lưu ý. Ông Lợi còn cho biết
có đại biểu nêu ý kiến nên tính lương bình quân cho người về hưu bằng số năm
người đó sống. Nói cách khác, chia bình quân lương hưu không lấy của cả quá
trình đóng góp mà chỉ chia cho 19 năm cuộc sống (73 - 54). “Chúng tôi đang suy
nghĩ về phương án này để báo cáo Ủy ban Thường vụ QH” - ông Lợi nói thêm.
Có nên mở rộng đối tượng tham gia BHXH? Trong báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự án Luật
BHXH (sửa đổi), UBTVQH cũng xin ý kiến về việc mở rộng đối tượng tham gia
BHXH: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ hoặc một công việc
nhất định có thời hạn từ một tháng đến dưới ba tháng tham gia BHXH bắt buộc;
người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường và thị trấn (gọi chung là cấp
xã) tham gia BHXH. Đây cũng là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau khi thảo luận. Lương hưu đến 65 triệu/tháng! Hiện có một trường hợp rất đặc biệt là anh Nguyễn Minh, Tổng
Giám đốc của Nhà máy bia Huda Huế, hưởng lương hưu 65 triệu đồng/tháng, cao
hơn rất nhiều so với lương của chủ tịch QH... Ông BÙI SỸ LỢI, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về
các
vấn đề xã hội của QH |
ĐỨC MINH
Theo Pháp luật TP
9,642
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN