10h ngày 10/7, đường ống nước sạch Sông Đà (Hòa Bình) về Hà
Nội lại bị vỡ lần thứ 8. Trong khi HĐND TP.Hà Nội đang có phiên chất vấn về
chính tuyến đường ống nước này thì nó lại vỡ. Lập tức, nước sinh hoạt của
70.000 hộ dân phía tây Hà Nội bị ảnh hưởng.
Tính đến nay, sau 6 năm đi vào sử dụng, đường ống nước Sông
Đà đã 8 lần bị vỡ. Trả lời chất vấn về sự cố tiếp tục vỡ đường ống nước nêu
trên, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết, chủ đầu tư – TCty
Vinaconex - hứa khắc phục sự cố trước 23h ngày 10/7, thành phố cũng đã cử lực
lượng xuống hiện trường. Ông Hùng kêu gọi sự chia sẻ từ phía người dân về sự cố
này(!).
6 năm, 8 lần vỡ
Sáng 10/7, tuyến đường ống dẫn nước sạch Sông Đà từ Nhà máy
nước Sông Đà - Hòa Bình về Hà Nội lại vỡ ở Km25 trên Đại lộ Thăng Long, khu vực
cầu vượt Đồng Chúc (đoạn qua huyện Thạch Thất – Hà Nội). Tuy nhiên, theo ông
Hùng, việc đường ống dẫn nước Sông Đà về Hà Nội vỡ đến lần thứ 8 cũng không phải
là vấn đề mới vì ngay từ đầu, sự cố đường ống dẫn nước được UBND TP. Hà Nội chỉ
đạo đưa ra rất nhiều giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, cũng còn có nơi chưa đáp ứng
được yêu cầu (!).
Cũng theo ông Hùng, qua 5 năm vận hành đã xảy ra 7 lần vỡ ống
(chưa kể lần vỡ ngày 10/7). Bộ Xây dựng đã chỉ đạo Cục Giám định chất lượng
công trình xây dựng cùng Viện Khoa học Công nghệ xây dựng và Viện Vật liệu xây
dựng - Bộ Xây dựng khảo sát, đánh giá về chất lượng thi công tuyến ống truyền dẫn
trên, hiện chưa có báo cáo chính thức.

|
Xử lý sự cố
trong một lần vỡ đường ống nước sạch Sông Đà. |
Ông Hùng cho biết, thành phố đang khẩn trương lập dự án đầu
tư tuyến ống truyền dẫn cấp nước mới từ Hòa Lạc về đường vành đai III (Hà Nội)
và nghiên cứu xây dựng nhà máy nước mặt sông Hồng tại huyện Đan Phượng, để hóa
giải mối lo đường ống nước mặt sông Đà liên tục gặp sự cố.
Theo UBND TP.Hà Nội, đánh giá của các chuyên gia đã chỉ ra,
nguyên nhân của sự cố vỡ đường ống là do vật liệu ống chưa phù hợp với điều kiện
truyền tải nước về nội thành. Chỉ rõ trách nhiệm để xảy ra vỡ đường ống trước hết
thuộc về chủ đầu tư dự án - TCty CP Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam
(Vinaconex) - UBND TP.Hà Nội cũng nhận trách nhiệm về việc chưa có sự phối hợp
với chủ đầu tư trong kiểm tra, giám sát việc thiết kế, thi công dự án, nhất là
với tuyến đường ống.
Vinaconex né trách nhiệm?
Ngay sau khi sự cố vỡ đường ống xảy ra, PV Báo Lao Động đã
có cuộc trao đổi với lãnh đạo Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình
xây dựng (Bộ Xây dựng) về vấn đề này. Lãnh đạo cục khẳng định, nguyên nhân gây
ra tình trạng đường ống nước Sông Đà liên tục vỡ là do chất lượng ống sợi thủy
tinh kém và thi công ẩu. Cục đã có kết luận chính thức về vấn đề này, trong đó
nêu rõ trách nhiệm của hàng loạt các đơn vị liên quan từ đơn vị tổng thầu thiết
kế, nhà sản xuất ống composite cốt sợi thủy tinh, các nhà thầu thi công xây dựng,
nhà thầu giám sát thi công xây dựng và chủ đầu tư. Riêng với chủ đầu tư
Vinaconex, quan điểm của Bộ Xây dựng là “chủ đầu tư, Ban quản lý dự án,
Vinaconex phải chịu trách nhiệm trong công tác tổ chức quản lý chất lượng”.
“Đây chưa phải là kết luận cuối cùng về trách nhiệm của các
chủ thể liên quan. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, chúng tôi vẫn giữ quan điểm
để xảy ra sự cố vỡ đường ống nước Sông Đà, Vinaconex không thể không có trách
nhiệm”, lãnh đạo Cục Giám định khẳng định.
Một công trình có giá trị 1.500 tỉ đồng nhưng mới 6 năm đưa
vào sử dụng đã phải đổ vào cả 10 tỉ đồng để sửa chữa. Đến thời điểm này, sau 8
lần đường ống nước Sông Đà bị vỡ, điệp khúc “vỡ ống, dân khát” đã trở thành nỗi
ám ảnh đối với hàng chục nghìn hộ dân. Điều đáng nói là phía Vinaconex vẫn tuyệt
nhiên không có một lời xin lỗi. Dư luận cho rằng, phải chăng Vinaconex coi việc
vỡ đường ống nước là chuyện đương nhiên và Vinaconex quyết tâm né trách nhiệm với
sự cố này? Hay còn có lý do nào khác ?/.
Theo Thanh Niên
2,951
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN