Theo đó, Thông tư này hướng dẫn thủ tục thế chấp nhà ở hình
thành trong tương lai (bao gồm thủ tục thế chấp, công chứng hợp đồng thế chấp
và đăng ký thế chấp) của tổ chức, cá nhân để vay vốn tại tổ chức tín dụng mua
nhà ở trong dự án phát triển nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị (sau đây
gọi tắt là dự án đầu tư xây dựng nhà ở) của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản
theo quy định tại Khoản 2 Điều 61 của Nghị định số 71/2010/NĐ-CP của
Chính phủ.
Thông tư không áp dụng đối với việc thế chấp nhà ở hình
thành trong tương lai của hộ gia đình, cá nhân được xây dựng trên khuôn viên đất
thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình để vay vốn tại các tổ chức tín dụng;
và việc thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở hình thành
trong tương lai để vay vốn tại các tổ chức tín dụng.
Chỉ được thế chấp tại một tổ chức tín dụng để vay vốn mua
nhà ở
Thông tư quy định, hợp đồng thế chấp phải được công chứng và
đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định. Bên thế chấp chỉ được thế chấp nhà ở
hình thành trong tương lai tại một tổ chức tín dụng để vay vốn mua nhà ở trong
dự án đầu tư xây dựng nhà ở của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Trường hợp
nhà ở hình thành trong tương lai đang được thế chấp theo hình thức thế chấp quyền
tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai thì
không được tiếp tục thế chấp nhà ở đó tại tổ chức tín dụng.
Trường hợp nhà ở hình thành trong tương lai đang được thế chấp
theo quy định tại Thông tư này thì không được tiếp tục thế chấp theo hình thức
thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở đó.
Trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà ở đã được doanh nghiệp
kinh doanh bất động sản thế chấp để thực hiện nghĩa vụ dân sự khác thì doanh
nghiệp kinh doanh bất động sản phải thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi nội dung
thế chấp đã đăng ký (rút bớt tài sản thế chấp) trước khi bán nhà ở trong dự án
đó cho tổ chức, cá nhân.
Loại nhà ở hình thành trong tương lai được thế chấp để vay vốn
tại tổ chức tín dụng quy định tại Thông tư này bao gồm nhà ở thương mại và nhà ở
xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở, cụ thể là: Căn hộ chung cư, nhà ở
riêng lẻ (gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề) được xây dựng trong dự án đầu tư xây
dựng nhà ở.
Cơ quan tiếp nhận hồ sơ, thực hiện đăng ký thế chấp
Quy định cũng nêu rõ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ, thực hiện
đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai và chuyển tiếp đăng ký thế chấp.
Trường hợp thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa thì bộ phận tiếp nhận
và trả kết quả là cơ quan tiếp nhận hồ sơ đăng ký thế chấp và chuyển cho các cơ
quan đăng ký thế chấp. Trường hợp không thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế
một cửa thì cơ quan đăng ký thế chấp tiếp nhận hồ sơ đăng ký.
Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên và
Môi trường tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có nhà ở hình thành trong
tương lai thực hiện đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai và chuyển
tiếp đăng ký thế chấp đối với trường hợp bên thế chấp là tổ chức trong nước,
người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam, cá
nhân nước ngoài, tổ chức nước ngoài.
Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên
và Môi trường quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi có nhà ở hình thành
trong tương lai hoặc Phòng Tài nguyên và Môi trường quận, huyện, thị xã, thành
phố thuộc tỉnh nơi có nhà ở hình thành trong tương lai trong trường hợp chưa
thành lập Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thực hiện đăng ký thế chấp nhà ở
hình thành trong tương lai và chuyển tiếp đăng ký thế chấp đối với trường hợp
bên thế chấp là hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước
ngoài được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/6/2014.
Vân Trang
Theo Báo điện tử Chính phủ
13,421
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN