Phát biểu tại Hội thảo nâng cao hiệu quả công tác quản lý
trò chơi trực tuyến do Bộ TT&TT tổ chức tại Hà Nội sáng 3/7/2013, ông Nguyễn
Văn Hùng, Chánh Thanh tra Bộ TT&TT đề xuất: Nhà nước cần nhanh chóng
"cởi trói" cho các doanh nghiệp game trong nước, đặc biệt cần tiếp tục
xem xét, cấp phép cho các trò chơi mới phù hợp với quy định của pháp luật và
đáp ứng nhu cầu xã hội
Trên thực tế, hiện nay nhu cầu chơi trò chơi điện tử trực
tuyến (game online) của xã hội rất lớn. Trong khi đó, từ tháng 10/2010 đã có
chính sách hạn chế thẩm định cấp phép nội dung game online khiến các doanh nghiệp
trong nước bị hạn chế khả năng cung cấp dịch vụ. Do vòng đời của sản phẩm game
online ngắn, việc không ra được game mới khiến người chơi tìm đến các sản phẩm
trò chơi trực tuyến phiên bản quốc tế, trong đó có nhiều trò chơi được Việt hóa
do nhà phát hành nước ngoài cung cấp mà không cần có sự đồng ý của các cơ quan
quản lý của Việt Nam. Chính sự hạn chế cấp phép là một trong những lý do làm
bùng phát game lậu trong những năm gần đây.
Lãnh đạo Thanh tra Bộ TT&TT đã kiến nghị Chính phủ nhanh
chóng ban hành Nghị định thay thế Nghị định 97/2008/NĐ-CP trong đó các quy định
về quản lý trò chơi trực tuyến đã lạc hậu, không còn phù hợp với thực tế; đồng
thời, cần thành lập Hội đồng xét duyệt nội dung kịch bản trò chơi trực tuyến
đáp ứng yêu cầu quản lý và thực tế khách quan, với tiêu chí khoa học, nhanh nhạy,
công khai. Từ đó, tiếp tục xem xét, cấp phép đối với các trò chơi phù hợp với
quy định, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của xã hội.
Thanh tra Bộ TT&TT cũng đề nghị, các cơ quan quản lý nhà
nước cần tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm của các doanh
nghiệp trái quy định pháp luật, phối hợp với các cơ quan chức năng đấu tranh mạnh
mẽ với các hành vi vi phạm của các công ty nước ngoài đang hoạt động trái phép
tại Việt Nam.
.jpg)
Những game có nội dung tốt sẽ tiếp tục được xem xét cấp phép thẩm định nội dung. Ảnh; M.Q
Theo thông tin đưa ra tại Hội thảo, tính đến nay, Bộ
TT&TT đã cấp phép 117 game phát hành tại Việt Nam, nhưng có 44 game đã đóng
cửa, còn lại 73 game đang hoạt động. Nhưng số lượng game online không phép được
cung cấp trên thị trường Việt Nam thì gấp nhiều lần số lượng game có phép.
Trong đó ước tính có khoảng hơn 200 game cung cấp qua mạng Internet, hàng nghìn
game cung cấp trên các mạng xã hội và cổng ứng dụng smartphone.
Chỉ riêng trong hai năm 2011 và 2012, Thanh tra Bộ TT&TT
đã xử phạt vi phạm hành chính 14 doanh nghiệp hoạt động cung cấp dịch vụ trò
chơi trực tuyến với số tiền 577 triệu đồng. Kết quả thanh tra cũng xác định
100% các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến đều có sản phẩm đang
phát hành mà chưa được thẩm định nội dung, kịch bản, vi phạm quy định pháp luật
về quản lý trò chơi trực tuyến (game không phép).
Ông Hùng cũng cho biết, các quy định trong khâu thẩm định nội
dung trò chơi hiện nay chưa phù hợp. Ví dụ, một trong những điều kiện bắt buộc
trước khi thẩm định nội dung kịch bản trò chơi là doanh nghiệp phải có phiên bản
Việt hóa của trò chơi nhưng trên thực tế, muốn có bản Việt hóa, các doanh nghiệp
đã phải thanh toán 100% giá trị hợp đồng cho đối tác sản xuất.
Cho đến thời điểm này cũng chưa có tiêu chí cụ thể nào cho
các doanh nghiệp lựa chọn sản phẩm trước khi đưa về Việt Nam để thẩm định phát
hành. Điều này đẩy các doanh nghiệp vào tình thế bắt buộc phải vi phạm nếu sản
phẩm không được Hội đồng thẩm định thông qua vì đã phải thanh toán toàn bộ chi
phí cho phía sản xuất trước khi được thẩm định.
"Nếu không cấp phép, các doanh nghiệp sẽ vẫn phải tiếp
tục vi phạm cung cấp game không phép. Vì hiện nay các doanh nghiệp đang đứng
trước tình thế vi phạm để tồn tại hay là chết. Nếu không khẩn trương cấp phép sẽ
có nhiều doanh nghiệp có nguy cơ bị xử lý hình sự vì kinh doanh không
phép", ông Hùng nói.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn đã chỉ đạo
các đơn vị chức năng của Bộ khẩn trương xem xét, rà soát số lượng hồ sơ đang chờ
xin cấp phép (khoảng hơn 70 game). Nếu game nào có nội dung tốt sẽ được cấp
phép ngay. Ưu tiên cấp phép những game "sạch", game có nội dung tốt,
có văn hóa, có giáo dục...
Minh Quyên
2,417
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN