 |
BLHS Sửa đổi được xây dựng theo hướng quy định nghiêm khắc hơn với tội phạm chức vụ. Ảnh minh họa |
Nhiều tội phạm mới chưa được “luật hóa”
Theo Thứ trưởng Liên, nhiều tội phạm
mới phát sinh trong quá trình vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị
trường chưa được kịp thời bổ sung hoặc đã được bổ sung nhưng chưa toàn
diện, đầy đủ, như các tội phạm phát sinh trong lĩnh vực bảo hiểm, thuế,
tài chính, chứng khoán… Những hạn chế này gây trở ngại không nhỏ trong
thúc đẩy phát triển kinh tế.
Dẫn chứng quy định của Hiến pháp 1992
“Nhà nước CHXHCN Việt Nam là nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do
nhân dân, vì nhân dân”, Thứ trưởng Liên khẳng định tư tưởng xuyên suốt
của xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN là đề cao quyền con người, quyền
cơ bản của công dân. Đây cũng chính là một trong những định hướng lớn
trong quá trình sửa đổi Hiến pháp lần này.
Tuy nhiên, trên thực tế, các quyền con
người, quyền cơ bản của công dân vẫn chưa thực sự được tôn trọng và bảo
vệ một cách đầy đủ, toàn diện. BLHS mới cần phải góp phần tạo ra một môi
trường sống an lành cho dân, bảo vệ tốt hơn các giá trị của nhà nước
pháp quyền XHCN.
Một vấn đề quan trọng khác về sự cần
thiết sửa đổi BLHS đó chính là các văn kiện Đại hội Đảng XI, chiến lược
cải cách tư pháp của Bộ Chính trị về đổi mới tư duy về chính sách hình
sự. Trong đó “coi trọng việc hoàn thiện chính sách hình sự và thủ tục tố
tụng tư pháp, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc
xử lý người phạm tội. Giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt
tiền, hình phạt cải cạo không giam giữ…hạn chế áp dụng hình phạt tử
hình…” (Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp
đến năm 2020).
Tội phạm về chức vụ sẽ bị “xử” nặng hơn
Lần đầu tiên, định hướng những nội dung
cơ bản được đưa ra bàn thảo tại phiên họp của Ban soạn thảo. Theo Thứ
trưởng Liên, có 7 định hướng lớn. Trong đó có việc nghiên cứu bổ sung
chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân vào BLHS; nghiên cứu sửa đổi
bổ sung các chính sách hình sự liên quan đến người chưa thành niên, đặc
biệt là mở rộng phạm vi áp dụng các hình phạt không mang tính giam giữ
đối với người chưa thành niên phạm tội; mở rộng khả năng tha tù trước
thời hạn có điều kiện để sớm đưa các em trở về với cộng đồng cũng như
khả năng xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội, bảo
vệ tốt hơn người chưa thành niên bị xâm hại.
Cũng như việc sửa đổi BLHS năm 2009,
việc xây dựng BLHS lần này vẫn theo hướng hạn chế phạm vi áp dụng hình
phạt tử hình; tiếp tục phi hình sự hóa đối với một số hành vi phạm tội
không còn thực sự phù hợp trong điều kiện hiện nay. Đồng thời hình sự
hóa một số hành vi vi phạm có tính nguy hiểm cao cho xã hội phát sinh
trong các lĩnh vực của đời sống để đấu tranh phòng, chống tội phạm trong
tình hình mới; khắc phục tình trạng hình sự hóa các quan hệ kinh tế,
dân sự.
Đặc biệt, xây dựng BLHS sửa đổi sẽ theo hướng quy định chính sách xử nghiêm khắc hơn đối với các tội phạm về chức vụ.
Đề cao tính ổn định của BLHS, Phó Chánh
án TANDTC Đặng Quang Phương nhấn mạnh: “Sửa đổi BLHS phải dự báo tương
lai dài hơi, ít nhất 10-20 năm nữa”. Còn Phó Viện trưởng VKSNDTC Trần
Công Phàn lại lưu ý: “BLHS hiện hành chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh
phòng chống tội phạm. Nhiều quy định bản thân các cơ quan tố tụng cũng
lúng túng khi áp dụng. BLHS mới phải khắc phục tồn tại này”.
Cùng nhận định với ông Phàn, ông Nghiêm
Vũ Khải, Thứ trưởng Bộ KH - CN cho rằng, tội phạm môi trường chưa xử lý
được vì vướng những khái niệm hết sức cơ bản, ví dụ như “ô nhiễm nghiêm
trọng”. “Cái gì BLHS chưa đề cập thì có thể áp dụng luật khác được
không? Sửa đổi BLHS cần mở rộng nguồn của luật, lưu ý cơ chế liên thông
để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với việc sửa đổi BLTTHS”, ông Khải
đề xuất.
Theo dự kiến kế hoạch, để phục vụ cho
sửa đổi BLHS, các địa phương sẽ tiến hành tổng kết vào quý III/2012,
tổng kết toàn quốc vào cuối 2012, nhưng theo ông Kiều Đình Thụ, Phó Chủ
nhiệm Văn phòng Chính phủ thì thời gian đó quá cập rập, có thể dẫn đến
việc tổng kết không đảm bảo chất lượng.
Thứ trưởng Hoàng Thế Liên đã ghi nhận tất cả những đóng góp này để tiếp tục hoàn thiện, bàn thảo tại phiên họp lần sau.
“Tiếp tục nghiên cứu các điều khoản của BLHS có vướng mắc, bất cập
trong thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm mà chưa có điều kiện sửa
đổi, bổ sung để chuẩn bị phương án cho việc sửa đổi, bổ sung cơ bản,
toàn diện BLHS” (Trích Nghị quyết số 33 năm 2009 của Quốc hội về việc thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS) |
Thu Hằng