Chiều 8/2, thời tiết khá lạnh nhưng nhiều người dân
vẫn tập trung về cống Rộc ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, để xem công
an khám nghiệm hiện trường và bàn tán về sự việc. Bà Thàm (60 tuổi) ở
xóm Chùa cho biết, kể từ sau vụ cưỡng chế, bà thường xuyên theo dõi vụ
việc. Bà mong từng ngày công bố kết quả ai đúng, ai sai để dân nơi đây
còn yên tâm làm ăn.
"Chúng tôi già rồi không nói làm gì nhưng nếu vụ này
không làm rõ và nhanh thì tầng lớp thanh niên sẽ mất hết lòng tin. Tới
đây, ai sẽ dám học hỏi làm ăn kinh tế như anh Vươn...", bà Thàm nói.
Người phụ nữ thuần nông cho biết tối 7/2 xem chương
trình thời sự thấy nhắc đến việc thành phố kỷ luật một số lãnh đạo như
ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch huyện; ông Nguyễn Văn Khanh, Phó chủ tịch
huyện...
"Ông Hiền dù có công đến mấy nhưng khi có tội vẫn phải
chịu. Hiện nay mới tạm đình chỉ công tác thì chưa nói được gì...", bà
lão tuổi 60 chia sẻ.
 |
Phó chủ tịch thường trực Hội nghề cá Việt Nam Vũ Văn Trác đến đầm nhà ông Vươn chiều 8/2. Ảnh: Tiến Dũng.
|
Bà Mơ, 57 tuổi, ở xóm Chùa xã Vinh Quang kể, dù không
có quan hệ huyết thống nhưng nhiều ngày qua bà đã phải rơi nước mắt cho
số phận vợ con của anh em ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý. Căn nhà 2
tầng bao công xây dựng, đầm tôm cá tốn bao nước mắt cũng như tiền bạc
đầu tư vào đó giờ chưa biết kết quả điều tra cuối cùng của cơ quan chức
năng đi đến đâu.
Cũng kể từ khi xảy ra sự việc, bà Mơ cho hay vẫn
thường đi qua lán dựng tạm, nơi vợ ông Vươn, vợ ông Quý và 4 đứa con của
họ sinh sống, để động viên. Theo bà, lãnh đạo Thành ủy khá thẳng thắn
nhìn nhận và xử lý nhưng đến giờ chỉ mừng thầm được một nửa. Mọi việc
đều phải chờ cơ quan pháp luật phán quyết.
"Giờ tôi chỉ mong đầm của chủ nào vẫn là của chủ đó và
thực hiện theo đúng luật. Nếu Vươn phạm tội gì thì xử tội đó, còn đầm
thì có thể giao cho vợ con anh ta quản lý tiếp...", bà Mơ nói.
Đứng ở khu đầm 12,5 ha nằm ngay sát đầm nhà ông Vươn,
ông Vũ Văn Họa (thôn Chùa Trên) cho rằng, việc đình chỉ công tác lãnh
đạo huyện và xã chưa được rõ ràng, cần làm rõ tội của từng người.
"Những ông có tội, khả năng chỉ bị kiểm điểm. Và kiểm
điểm xong sau này quay lại làm thì sẽ khổ người dân. Những ai có năng
lực lãnh đạo thì làm, không thì cho nghỉ hẳn. Không hiểu gì về luật thì
sẽ lại gây ra vụ như anh Vươn. Cứ kéo dài như thế này, người dân bức xúc
lắm", ông Họa chia sẻ.
 |
Người dân ngồi trên cống Rộc bàn tán về vụ phá đầm ông Vươn chiều 8/2. Ảnh: Hà Anh.
|
Cũng có 23 ha đầm ở xã Tây Hưng (Tiên Lãng) trong tình
trạng sắp bị thu hồi vì hạn điền 14 năm, ông Hoàng Văn Tin cho biết,
quyết định xử lý của Hải Phòng đối với các lãnh đạo xã, huyện liên quan
đến vụ cưỡng chế đầm của ông Vươn mới cho thấy hiện tượng bề nổi, đằng
sau đó còn rất nhiều vấn đề.
"Giờ nói ra thì phải có chứng cứ, còn thực chất thông
tin ngầm thì chúng tôi hiểu rất nhiều. Tôi muốn hỏi tại sao ông Bí thư
huyện ủy lại để cho chính quyền làm việc này? Ông bí thư không biết hay
là làm ngơ?", ông chủ 23 ha đầm trong diện thu hồi nói thêm.
Lý giải cho hành vi của ông Vươn, ông Tin cho hay, khi
thu hồi đất của ông Vươn, huyện Tiên Lãng không hề có biên bản kiểm kê
tài sản, đến ngày đưa luôn lực lượng xuống tịch thu và phá hủy tài sản.
Điều này dẫn đến việc chống trả chứ nếu làm đúng quy trình, dân sẽ bàn
giao.
"Mong mỏi của chúng tôi là làm sao huyện thu hồi thông
báo dừng đầu tư và quyết định thu hồi đất, để giao lại cho người dân
tiếp tục sản xuất; đồng thời đề nghị xử lý nghiêm những cán bộ, công
chức để xảy ra vụ việc, làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của chúng
tôi để đổi mới đội ngũ cán bộ", ông Tin chia sẻ.
Theo ông Hoàng Văn Tin, dù một loạt lãnh đạo xã
Vinh Quang và huyện Tiên Lãng bị kỷ luật nhưng sáng 8/2 loa phóng thanh
của các xã trên địa bàn vẫn phát đi "bài ca muôn thuở" tuyên truyền về
sai phạm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn. Cả tuần nay, mỗi ngày loa phóng
thanh đều 2-3 lần phát đi bản tin này. |
Không đồng tình với cách cưỡng chế, phá nhà cũng như
mức kỷ luật một số cán bộ huyện, xã tham gia phá nhà ông Vươn, ngày 8/2,
một công chức gần 50 tuổi ở quận Hồng Bàng lên tiếng: "Với cách trả lời
của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Thành tôi cho rằng còn nhiều mập mờ chưa
được rõ ràng. Tôi nghĩ không phải ai cũng thỏa mãn".
Theo người phụ nữ này, mọi việc cần phải nhìn nhận từ
gốc. Bà đặt ra hàng loạt câu hỏi: "Chính quyền có cần thiết cưỡng chế
một gia đình chưa có tiền án tiền sự với sự tham gia của cả trăm người?
Liệu ông Vươn có bị dồn nén đến bước đường cùng nên mới phạm pháp?".
Những ngày qua, câu chuyện của ông Vươn không chỉ xuất
hiện ở quán nước ven đường, cà phê mà còn ở chốn công sở thành phố
Cảng. Hầu hết người dân kỳ vọng vào phán quyết của Thủ tướng trong buổi
họp cuối tuần này.
Hà Anh - Tiến Dũng
2,453
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN