
Khi thị trường bán lẻ điện cạnh tranh,
khách hàng cá nhân được chọn nhà cung cấp điện cho mình. Trong ảnh: người dân
đóng tiền điện tại Công ty Điện lực quận Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
Nhiều doanh nghiệp sẽ không phải mua điện
qua EVN, chấm dứt tình trạng chỉ có một người mua, một người bán điện của EVN.
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Anh Tuấn,
cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, với Tuổi Trẻ.
Ông Tuấn nói: "Chúng ta đã có thị
trường phát điện cạnh tranh, các nhà máy điện chào giá trên thị trường và được
huy động giá từ thấp đến cao và đến năm 2016 VN sẽ bắt đầu triển khai thị trường
bán buôn cạnh tranh.
Dự kiến trong tháng 7 này, Bộ Công
thương sẽ phê duyệt thiết kế chi tiết, trong đó thị trường điện sẽ được tổ chức
theo hướng tăng tính cạnh tranh, giảm vị thế độc quyền của EVN".
*
Các giải pháp để tăng cạnh tranh trong ngành điện là gì, thưa ông?
- Thời gian qua, dù cạnh tranh nhưng các
doanh nghiệp phát điện vẫn phải bán cho người mua duy nhất là EVN. Sau đó, EVN
sẽ bán lại cho người tiêu dùng qua năm tổng công ty làm nhiệm vụ phân phối (Tổng
công ty Điện lực miền Bắc, miền Trung, miền Nam, Hà Nội và TP.HCM).
Tới đây, ở thị trường bán buôn điện cạnh
tranh, các đơn vị phát điện sẽ không chỉ bán cho EVN mà được bán cho nhiều đơn
vị.
Ngay các khách hàng lớn (như các khu
công nghiệp, các nhà máy như ximăng, thép...) cũng có quyền mua trực tiếp từ
các nhà máy thông qua giao dịch trên thị trường điện theo các quy định của Bộ
Công thương.
Như vậy, giá điện sẽ thay đổi lớn. Vì
các đối tượng sẽ không phải mua trực tiếp từ EVN với khung giá do Nhà nước quy
định (EVN thu) mà sẽ tự mua từ thị trường điện theo giá thị trường.
Hiểu nôm na là giống như thị trường chứng
khoán, người mua và người bán điện sẽ cùng chào hàng trên sàn giao dịch và giá
sẽ được khớp tự động.
Tất nhiên là giao dịch trên thị trường
điện có đặc thù riêng nên các bên bán và bên mua còn ký một hợp đồng dạng tài
chính để phòng tránh rủi ro cho cả bên bán và bên mua.
*
Như vậy, khách hàng sẽ không bắt buộc phải qua “trung gian” EVN nữa?
- Đúng vậy. Khi vận hành thị trường bán
buôn cạnh tranh, các khách hàng đủ điều kiện muốn mua điện trực tiếp từ thị trường
điện sẽ không phải mua qua năm tổng công ty của EVN nữa.
Ngoài ra, Luật điện lực cũng cho phép
các thành phần kinh tế được thành lập công ty bán buôn điện độc lập, có thể trực
tiếp mua điện từ thị trường phát điện cạnh tranh và bán lại cho các đơn vị bán
lẻ điện, giống năm tổng công ty phân phối của EVN.
Ngay cả những hộ không tham gia thị trường
điện cũng được lợi. Các công ty bán buôn điện sẽ cạnh tranh với nhau, với năm tổng
công ty của EVN để thu hút khách hàng.
Ví dụ, Tổng công ty Điện lực miền Bắc phải
tham gia thị trường để mua điện chứ không được mua ở một mức giá cố định từ
EVN, họ sẽ phải cố gắng giảm giá để bán được nhiều, nếu không, các khu công
nghiệp, các khách hàng lớn có thể không mua qua tổng công ty nữa. Khách hàng
cũng sẽ tăng quyền lựa chọn.
Ngoài ra, các dịch vụ kinh doanh phục vụ
khách hàng như điều kiện thanh toán, đặt cọc, giao tiếp khách hàng phải tốt
hơn... mới giữ chân được họ. Có thể nói khi bắt đầu thí điểm thị trường bán
buôn điện cạnh tranh năm 2016, vị thế độc quyền trong mua và bán điện của EVN sẽ
không còn nữa.
* Liệu
có tình trạng các công ty của EVN vẫn tiếp tục mua điện từ EVN chứ không mua
trên thị trường?
- Để tránh trường hợp các tổng công ty
phân phối không mua điện từ thị trường, sắp tới chúng tôi sẽ quy định bắt buộc
EVN phân bổ sản lượng mua điện từ thị trường về cho các tổng công ty điện lực
chứ không để các tổng công ty cứ kiên quyết mua điện từ EVN.
*
Người dân được lợi gì và bao giờ có thể tự chọn nhà cung cấp ?
- Chắc chắn người dân sẽ được lợi. Thị
trường bán buôn sẽ tạo động lực để các tổng công ty điện lực phải giảm chi phí,
nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng để cạnh tranh. Các đối tượng được mua trực
tiếp từ thị trường sẽ dần được mở rộng ra.
Tiến tới thị trường bán lẻ điện cạnh
tranh, các khách hàng cá nhân cũng sẽ được chọn nhà cung cấp điện cho mình. Họ
cũng có quyền tham gia thị trường (chấp nhận giá thị trường có thể lên rất cao
hoặc xuống thấp) hay vẫn mua điện từ các tổng công ty điện lực (giá do Nhà nước
quy định).
Sau khi thực hiện thị trường bán buôn cạnh
tranh, đến năm 2021 sẽ bắt đầu thực hiện thị trường bán lẻ cạnh tranh kể trên.
Sẽ phải chuẩn bị rất nhiều, từ hệ thống lưới điện, thiết kế thị trường... để đảm
bảo quyền lợi và được cung cấp điện cho các bên liên quan, nhất là người dân
trước khả năng biến động giá.
*
Kinh nghiệm cho thấy nhiều khi theo thị trường, giá tăng chứ không phải giảm,
thưa ông?
- Hiện nay EVN phải mua điện từ tất cả
nhà máy, từ thủy điện, nhiệt điện khí đến điện gió, điện mặt trời... dù đắt dù
rẻ vẫn phải mua. Và khi các yếu tố đầu vào như giá nhiên liệu, tỉ giá tăng
trong khi giá điện được Nhà nước chưa cho phép điều chỉnh, EVN bị lỗ như đã thấy.
Trong thị trường điện, giá điện sẽ được
xác định trên cơ sở cân bằng giữa bên cung là các đơn vị phát điện và bên cầu
là khách hàng sử dụng điện. Mà đã là thị trường thì có lúc thấp lúc cao.
Ví dụ vào mùa mưa, khi các nhà máy thủy
điện chào giá thấp, giá thị trường có nhiều khả năng xuống thấp. Ngược lại vào
mùa khô, khi hệ thống có nhu cầu cao, giá điện sẽ lên cao.
Tất nhiên, để giá điện không có những biến
động quá lớn, Nhà nước sẽ phải có các biện pháp như quy định mức giá trần các
nhà máy điện được phép chào trên thị trường điện...
Nếu hợp lý hóa được sản xuất, mua được
thời điểm rẻ, khách hàng sẽ có lợi, có khả năng giảm được chi phí mua điện chứ
không chỉ tăng.
Theo Cục Điều tiết điện lực,
trong tháng 6-2015, năm tổng công ty điện lực nhận được 151.788 thắc mắc và
kiến nghị của khách hàng, trong đó có 3.505 trường hợp liên quan hóa đơn tiền
điện. Trước đó, vào tháng 5, số
lượng thắc mắc và kiến nghị của khách hàng là 181.216 trường hợp, trong đó có
1.868 trường hợp liên quan hóa đơn tiền điện. Theo cơ quan này, qua kiểm
tra cho thấy có một số sai sót trong ghi chỉ số côngtơ nhưng đây là trường hợp
cá biệt. Đến nay chưa phát hiện được các sai sót lớn trong ghi chỉ số, tính
hóa đơn tiền điện, không có việc cố tình ghi tăng chỉ số côngtơ để tăng doanh
thu, tăng thưởng trong tháng. |
Giá điện sẽ phản ánh đúng cung cầu Tôi tin rằng tới đây giá
điện sẽ phản ánh đúng quy luật cung cầu trên thị trường. Nếu cung lớn hơn cầu,
giá than, giá dầu giảm sẽ có cơ hội giảm giá điện. Môi trường cạnh tranh sẽ tạo
áp lực giảm giá. Hiện các đơn vị phát điện
đã phải cạnh tranh, tối ưu hóa chi phí để có thể chào giá thấp nhằm được huy
động nhiều hơn. Khi thị trường bán buôn cạnh tranh, các đơn vị phân phối cũng
phải cạnh tranh và sẽ có cơ hội giảm giá điện. Ông NGUYỄN ANH TUẤN |
*
Ông Văn Đức Mười (tổng giám đốc Vissan): Thị
trường điện sẽ minh bạch hơn Từ giữa tháng 3-2015 đến
nay, sau khi giá điện tăng, chi phí tiền điện của công ty cũng bị đội theo, từ
950 triệu đồng lên 1 tỉ đồng/tháng. Dù EVN có giải thích nhiều lý do và cho rằng
tăng thấp hơn mức cần thiết, doanh nghiệp vẫn cảm thấy nghi ngờ, thiếu thuyết
phục vì thị trường điện hiện nay đang bị độc quyền. Do đó, việc các đơn vị
phát điện sẽ không chỉ bán cho EVN mà được bán cho nhiều đơn vị thời gian tới
sẽ giải quyết phần nào những khúc mắc này, nó tác động tốt cho người phát điện
lẫn người tiêu dùng điện. Cho dù hiện nay EVN nói đang bù lỗ nghĩa là về lý
thuyết, người tiêu dùng điện sẽ có thể phải mua giá cao vì không còn được bù
lỗ nhưng doanh nghiệp vẫn tin giá điện sẽ hợp lý hơn hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề doanh
nghiệp quan tâm hiện nay là hạ tầng ngành điện sẽ được giải quyết ra sao với
cơ chế bán buôn điện mới này. Khuyến khích cạnh tranh là cần thiết nhưng giải
quyết bài toán hạ tầng, truyền tải điện là câu chuyện không đơn giản, nếu làm
không khéo sẽ tạo một đặc quyền riêng hạ tầng ngành điện. N.BÌNH |
CẦM VĂN KÌNH thực hiện
Theo Tuổi trẻ
8,029