
Quy hoạch vùng đất và vùng nước cảng biển TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Hình từ Internet)
Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Quyết định 407/QĐ-BXD ngày 11/04/2025 về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch vùng đất và vùng nước cảng biển TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Theo đó, thực hiện các giải pháp quy hoạch theo Quyết định 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 và Quyết định 140/QĐ-TTg ngày 16/01/2025 trong đó tập trung thực hiện các giải pháp thực hiện Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 như sau:
(1) Giải pháp về cơ chế, chính sách
- Khuyến khích các bến cảng phục vụ chung tại các khu kinh tế, công nghiệp, cụm công nghiệp để nâng cao hiệu quả đầu tư bến cảng, quỹ đất, mặt nước; các bến cảng đầu tư mới tại khu bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ cam kết khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam được xếp dỡ tại bến cảng không vượt quá từ 20% đến 25% tổng nhu cầu hàng hóa thông qua.
- Tạo điều kiện bố trí cơ sở làm việc của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan nghiên cứu, huấn luyện, đào tạo, cung cấp dịch vụ hàng hải tại các bến cảng mới; tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong quá trình thực hiện quy hoạch, đảm bảo sự phối hợp, gắn kết đồng bộ với quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông khu vực, quy hoạch xây dựng và quy hoạch chung phát triển kinh tế - xã hội của địa phương có cảng biển.
- Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các chính sách về giá, phí tại cảng biển để nâng cao hiệu quả đầu tư cảng biển, tăng tính hấp dẫn đối với các hãng tàu.
(2) Giải pháp về huy động vốn đầu tư
- Tiếp tục hoàn thiện cơ chế và các điều kiện để huy động đa dạng các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển theo quy hoạch và thể chế hóa các giải pháp về phân cấp, phân quyền huy động nguồn lực; khai thác nguồn lực từ quỹ đất, mặt nước, nguồn thu từ cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng bến cảng đầu tư từ nguồn ngân sách.
- Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển, khai thác cảng biển; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển. Tăng cường vai trò của doanh nghiệp trong việc chia sẻ trách nhiệm đầu tư, bảo trì kết cấu hạ tầng công cộng tại cảng biển như một phần trong dự án đầu tư khai thác cảng biển của doanh nghiệp.
(3) Giải pháp về môi trường, khoa học và công nghệ
- Khuyến khích Nhà đầu tư khai thác cảng ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật hiện đại, công nghệ số và chuyển đổi số trong xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống cảng biển; đẩy mạnh chuyển đổi phương tiện, trang thiết bị sử dụng điện, năng lượng xanh hoặc có các biện pháp phù hợp tại các cảng đầu tư mới, đầu tư bổ sung và cảng hiện hữu đáp ứng các tiêu chí cảng xanh.
- Xây dựng các cơ chế ưu đãi đầu tư đối với các doanh nghiệp cảng xanh, đồng thời đưa tiêu chí cảng xanh là một trong các tiêu chí để cấp có thẩm quyền xem xét lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án cảng biển.
- Ưu tiên đầu tư, phát triển, sử dụng hiệu quả hệ thống công nghệ thông tin cơ chế một cửa quốc gia.
(4) Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực
Đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong công tác quản lý, khai thác hạ tầng cảng biển; nghiên cứu thực hiện cơ chế đặt hàng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ở các lĩnh vực liên quan đến quản lý và khai thác cảng.
(5) Giải pháp về hợp tác quốc tế
- Tăng cường xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước thông qua các chính sách ưu đãi, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh.
- Thực hiện các điều ước, thỏa thuận khu vực và quốc tế về biển mà Việt Nam là thành viên; nghiên cứu tham gia các điều ước quốc tế liên quan.
- Tăng cường hợp tác, tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác, các tổ chức quốc tế nhằm phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
(6) Giải pháp về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch
- Tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, giám sát tổ chức thực hiện quy hoạch bảo đảm các cảng biển được đầu tư, khai thác theo đúng công năng, quy mô, lộ trình quy hoạch được duyệt; bảo đảm đồng bộ giữa cảng biển và các hạ tầng liên quan. Định kỳ tổ chức hội nghị cảng biển để giải quyết các vấn đề liên quan.
- Các bến cảng hiện hữu được phép cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới phù hợp với quy mô, công năng, cỡ tàu đã được quy định trong Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- Cỡ tàu theo quy hoạch (tấn trọng tải) để làm cơ sở đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cảng biển, không là cơ sở để không cho phép tàu có trọng tải lớn hơn hành hải trên luồng và ra, vào cảng. Các tàu có trọng tải lớn hơn nhưng có thông số kỹ thuật khác phù hợp với khả năng tiếp nhận của cầu cảng, phù hợp chuẩn tắc kỹ thuật của luồng tàu (bề rộng, chiều sâu, tĩnh không...), đảm bảo điều kiện an toàn có thể được xem xét cho phép vào cảng theo quy định của pháp luật.
- Tăng cường kết nối hệ thống cảng cạn, trung tâm phân phối hàng hóa, dịch vụ hậu cần sau cảng và dịch vụ logistics để hỗ trợ cho hoạt động cảng biển. Liên kết giữa các doanh nghiệp cảng biển, hãng tàu và công ty logistics trên địa bàn với các nhà khai thác cảng cạn, kho bãi, nhà cung cấp dịch vụ vận tải tạo thành chuỗi dịch vụ, hướng đến hình thành “hệ sinh thái logistics” hỗ trợ chủ hàng từ vận chuyển, lưu trữ đến phân phối sản phẩm.
- Xây dựng kho dữ liệu tập trung, xây dựng nền tảng công nghệ thông tin khai thác dữ liệu dùng chung phục vụ cho công tác quản lý nhà nước và khai thác cảng.
- Thiết lập bản đồ số hóa hệ thống cảng biển phục vụ công tác thống kê, tra cứu, quy hoạch và tối ưu hóa tiến trình phát triển cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh.
- Các bến cảng, cầu cảng thuộc diện di dời triển khai theo lộ trình quy hoạch.
Xem chi tiết tại Quyết định 407/QĐ-BXD có hiệu lực từ ngày 11/04/2025.
33