Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã
có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí trước khi sang New Zealand tham gia lễ ký Hiệp
định TPP về các biện pháp nhằm vượt qua thách thức để tận dụng các lợi thế mà
Hiệp định này mang lại.
Về các nội dung cam kết chung trong TPP
và các thỏa thuận song phương khác giữa Việt Nam với từng nước thành viên TPP,
Bộ trưởngVũ Huy Hoàng cho biết: Trong ba tháng vừa qua, bên cạnh các cam kết
chung đạt được trong TPP, Việt Nam đã đạt được thêm một số thỏa thuận song
phương với một số nước thành viên TPP mà các thỏa thuận này có tác động quan trọng
với một số lĩnh vực mà Việt Nam đang đàm phán.
Cụ thể, Việt Nam đã đạt được: Thỏa thuận
song phương về dệt may với Hoa Kỳ, đạt được am kết của một số nước để tiến tới
xem xét công nhận cơ chế kinh tế thị trường của Việt Nam, thỏa thuận của Việt
Nam với Australia về việc tăng thêm thời gian lao động cho các thể nhân có điều
kiện làm việc tại Australia. Các thỏa thuận thêm này có tác động tích cực giúp
cho việc thực thi Hiệp định TPP của phía Việt Nam.
Về nhận định cho rằng trong số 12 nước
thành viên, Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều nhất và sẽ có mức tăng trưởng cao
nhất về GDP và xuất khẩu khi Hiệp định TPP có hiệu lực, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng
cho rằng ý kiến này không sai. Bộ trưởng phân tích, các nước TPP thống nhất với
nhau Hiệp định TPP là hiệp định thế hệ mới, chất lượng cao và mục đích là cân bằng
lợi ích giữa các nước tham gia trên cơ sở có tính đến sự chênh lệch trình độ
phát triển giữa các nước. Nếu so sánh với các nước thành viên TPP, quy mô nền
kinh tế của Việt Nam còn nhỏ, trình độ phát triển còn thấp.
Vì vậy khi đàm phán, ký kết và thực thi
Hiệp định TPP, rất nhiều nghiên cứu của các tổ chức trong và ngoài nước đều cho
rằng Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều nhất qua thực thi TPP, nhất là trong
lĩnh vực thương mại hàng hóa, thu hút dịch vụ và đầu tư.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, giữa lý thuyết
và thực tế còn phụ thuộc rất nhiều vào việc Việt Nam sẽ tranh thủ khai thác các
lợi thế trong TPP và ứng phó với các thách thức khó khăn như thế nào. Chỉ khi
Việt Nam có được các giải pháp phù hợp thì lợi thế tiềm năng mới trở thành hiện
thực và các khó khăn mới có thể giải quyết được.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng nhận định,
những mặt hàng xuất khẩu mà Việt Nam có lợi ích cốt lõi như dệt may, da giày,
nông sản, thủy sản sẽ có cơ hội tăng trưởng rất lớn khi TPP có hiệu lực. Tính
toán thì cho nhiều kết quả khác nhau và còn phụ thuộc rất nhiều vào khả năng thực
thi Hiệp định nhưng bước đầu cho thấy Dệt may, da giày có thể tăng trưởng ít nhất
20%.
Với nông sản, thủy sản thì có thể tăng
trưởng thấp hơn một chút vì xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường TPP,
trong đó có Hoa Kỳ, Nhật Bản cũng đã khá lớn nên nếu muốn tăng trưởng với tốc độ
cao hơn thì doanh nghiệp thủy sản phải đáp ứng được các yếu tố như mở rộng diện
tích nuôi trồng, quan tâm tới chất lượng của sản phẩm, nhất là các quy định về
an toàn vệ sinh thực phẩm, về kiểm dịch.
Nếu các yếu tố này không được đáp ứng tốt
thì kim ngạch xuất khẩu không những khó cải thiện mà còn bị chính các rào cản
thương mại này kìm hãm. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, nếu doanh nghiệp làm tốt công
tác đảm bảo chất lượng và thực thi nghiêm túc các quy định trong TPP thì đây sẽ
là những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng kim ngạch cao nhất trong số các mặt
hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Nói về các giải pháp hỗ trợ hiệu quả cho
doanh nghiệp và doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để vượt qua thách thức, tận dụng
hiệu quả nhất TPP, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, khi trở thành thành viên của
Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2007 cũng như khi thực hiện một loạt cam kết
trong khung khổ các hiệp định thương mại tự do khác, các doanh nghiệp Việt Nam
đã từng bước chuẩn bị về mặt tâm lý, điều kiện để có thể khai thác được các lợi
thế do WTO và các hiệp định thương mại tự do mang lại. Các doanh nghiệp cũng đã
có các giải pháp để ứng phó với thách thức, tận dụng cơ hội.
Vì vậy, khi tham gia TPP, các doanh nghiệp
Việt Nam ít nhiều cũng đã có sự chuẩn bị, qua đó có thể rà soát các điều kiện để
có thể xây dựng các bước đi, chiến lược để khai thác lợi thế, ứng phó với khó
khăn, cũng như có điều kiện để tái cơ cấu, sắp xếp lại sản xuất của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, với một số lĩnh vực thì
doanh nghiệp Việt Nam cũng đã phải đương đầu với thách thức từ trước đó rồi. Ví
dụ như trong lĩnh vực ôtô, cơ khí, bán buôn, bán lẻ, một số lĩnh vực dịch vụ.
Còn nếu thực thi TPP, một số lĩnh vực, trong đó có chăn nuôi có thể gặp khó
khăn lớn do năng suất lao động của Việt Nam còn thấp, phương thức sản xuất còn
nhỏ lẻ phân tán, chi phí sản xuất còn khá cao và khả năng tham gia vào chuỗi sản
xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu còn hạn chế.
Vì vậy, đây là một trong những lĩnh vực
rất khó khăn với Việt Nam. Vì thế, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong đàm
phán TPP, Bộ Công Thương và các bộ ngành liên quan đã thỏa thuận với các nước
trong TPP một lộ trình phù hợp để khi kết thúc lộ trình đó, Việt Nam mới phải
thực hiện hoàn toàn các cam kết. Còn trong lộ trình đó, Việt Nam sẽ có các bước
điều chỉnh dần dần và phù hợp. Đây chính là một biện pháp để bảo vệ sản xuất
trong nước.
Tuy nhiên, do thời gian bảo hộ này chỉ
có hạn và nếu hết thời gian này Việt Nam vẫn không có giải pháp phù hợp thì khả
năng cạnh tranh của Việt Nam vẫn sẽ kém. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp Việt
Nam, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp ngay từ bây giờ phải có các biện pháp,
kế hoạch để phát huy thế mạnh, tập trung vào các sản phẩm mà Việt Nam có lợi thế
hơn. Sau khi thời gian bảo hộ hết, doanh nghiệp có thể đứng vững được và cạnh
tranh hiệu quả với các sản phẩm của các nước TPP.
Ở khía cạnh vĩ mô, Chính phủ và các cơ
quan quản lý nhà nước, các Bộ ngành liên quan cần nghiên cứu để đưa ra được các
bộ tiêu chuẩn, các tiêu chí để vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm được phép lưu
thông tại Việt Nam và ngăn chặn các sản phẩm không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào
Việt Nam, qua đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam vươn lên.
Cuối cùng, một biện pháp rất quan trọng
chính là làm tốt công tác tuyên truyền để cộng động doanh nghiệp nắm bắt thật kỹ
càng các nội dung của TPP, qua đó nhận biết được các cơ hội lợi thế cần khai
thác triệt để cũng như các thách thức để có biện pháp ứng phó phù hợp với điều
kiện cụ thể của Việt Nam.
Theo Thông tấn xã Việt Nam
13,961
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN